...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

Phía sau cuộc đời ông trùm nhạc giao hưởng Việt Nam


 GS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam là nhà soạn nhạc Việt Nam đầu tiên có nhiều tác phẩm được công diễn tại nhiều nơi trên thế giới. Nhưng ít ai biết rằng, cuộc đời người nhạc sĩ này cũng có những nốt trầm buồn sâu lắng.
Cuộc đời của những nỗi chia xa
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam sinh ra tại xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Tuổi thơ của ông lớn lên trong tiếng đạn bom, súng nổ, và những xác người nằm phơi ngoài đồng sau mỗi trận càn của giặc. Chưa đầy mười tuổi, cậu bé Nguyễn Văn Nam đã theo một người cậu tham gia kháng chiến. Ở đó, ông trở thành đội viên nhí của Ban đời sống mới tỉnh Mỹ Tho, chuyên đi đàn hát phục vụ kháng chiến
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam và vợ Huỳnh Mẫn Chi

Một thời gian sau, ông chính thức nhập ngũ và được phân về tổ Quân nhạc khu 8. Mười mấy tuổi, ông lần đầu tiên chịu cảnh mất mát, tang thương khi cha bị địch bắt và hy sinh. Biết tin, ông vội vã trở về với mong muốn nhìn mặt cha lần cuối. Nhưng chỉ còn lại nấm mồ mới đắp mù mịt khói nhang mới.
Mang trong lòng nỗi đau mất cha và nỗi căm thù, ông khai thêm tuổi để vào bộ đội. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Mẹ đưa ông ra tận bến sông, gạt nước mắt hẹn ngày đoàn tụ trở về. Nhưng chắc ông cũng không thể ngờ rằng, lần chia ly này ông xa mẹ, xa quê hương đến tận mấy chục năm trời dằng dặc. Và cũng là chuyến đi mang ông tới với nghệ thuật âm nhạc đỉnh cao của cuộc đời mình.
Những năm tháng sống và chiến đấu trong vùng chiến tranh ác liệt của vùng Đồng Tháp Mười, cộng với thể trạng yếu ớt, ông bị những cơn đau dạ dày hành hạ. Đến nỗi các bác sĩ tại Quân y viện 108 đã quyết định phải mổ cho ông. Sau ba lần mổ liên tiếp, các bác sĩ mới giữ được mạng sống của ông. Trở về từ cõi chết, ông trở thành một thương binh nặng và giải ngũ.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam sinh ra và lớn lên trong cái nôi của nhạc dân tộc truyền thống, với những ngón đờn ca tài tử ngọt lịm của vùng đất Vĩnh Kim. Nơi mà cứ mỗi khi xong vụ mùa màng, thôn xóm được bình yên không tiếng đạn bom, dân làng lại tụ tập lại, tổ chức những buổi đàn hát suốt đêm không nghỉ.
Bởi vậy mà âm nhạc đã ngấm vào máu của nhạc sĩ ngay từ thuở nhỏ. Thấy ông có khiếu âm nhạc và đam mê đàn hát, cấp chỉ huy và mọi người động viên ông thi vào trường âm nhạc của Hà Nội. Ông đi thi và trúng tuyển. Hết năm thứ hai, ông được trường cử sang tu nghiệp tại Nhạc viện Leningrad, khoa sáng tác, vào năm 1966. Đây là một trong hai nhạc viện lớn nhất của Liên Xô, nay là Nhạc viện Saint Peterbourg, Nga. Tại đây, tài năng âm nhạc của Nguyễn Văn Nam tỏa sáng, với những tác phẩm được công diễn ở Nga và mang lại thành công rực rỡ.
Năm 1974, ông trở sang Nga theo diện được Nhà nước cử đi học tiếp nghiên cứu sinh về âm nhạc. Năm 1976, nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam hoàn thành bậc học tiến sĩ ngành sáng tác với tác phẩm Concerto symphonie – Giao hưởng số 3: Tặng những em bé mồ côi sau chiến tranh. Tác phẩm được công diễn tại Đại hội âm nhạc mùa xuân Léningrad lần thứ 12 vào năm 1976. Tác phẩm này là trọn vẹn nỗi lòng thương nhớ quê hương, đất nước tha thiết của tác giả. Từng nốt nhạc là hình ảnh dòng sông, cánh đồng quê hương; là tiếng rao đêm của những em bé mồ côi sau chiến tranh; là những nỗi ám ảnh của chiến tranh; và những lời ru ầu ơ của mẹ.
Tốt nghiệp, mải mê với sự nghiệp âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam có một thời gian ở lại Nga sinh sống và giảng dạy. Những năm tháng cô độc nơi xứ người, không ít lần ông chênh chao trong nỗi nhớ quê hương, nhớ mẹ da diết. Chưa qua hết tuổi thơ ông đã mất cha, xa mẹ. Đất nước đã hòa bình, còn ông vẫn ở đây, nơi trời Nga xa xôi ngàn dặm, với một khoảng trống không thể lấp đầy của đứa con xa quê.
Cũng trong thời gian sống tại Nga này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam đã kết hôn với một cô gái Nga tên là Tamara Blaeva. Năm 1988, hai vợ chồng ông trở về quê mẹ lần đầu tiên sau hơn 30 năm xa cách. Sau lần ấy, vợ chồng ông nung nấu quyết định trở về Việt Nam sinh sống. Nhưng dự định chưa thành thì vợ ông mất đột ngột vào năm 1990, để lại cho ông đứa con gái 7 tuổi. Một thời gian sau, mẹ ông cũng ra đi, ông cũng được an ủi phần nào vì hai mẹ con đã được gặp nhau trước khi mẹ mình ra đi vĩnh viễn. Sau nhiều sự mất mát, ông quyết định về hẳn Việt Nam, sáng tác và giảng dạy tại Nhạc viện TP. HCM cho đến bây giờ.
Hạnh phúc muộn đến từ đĩa rau muống xào
Suốt những năm của thập niên 90, người dân ở chung cư Nguyễn Thái Bình, Q1 đã quen với hình ảnh một ông già không vợ con, gầy gò hàng ngày đi trên chiếc xe đạp cọc cạch với bó rau muống lủng lẳng phía sau. Đó là nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam. Trong 14 năm, ông đi về một mình trong căn hộ chung cư tận trên lầu 8 chỉ có độc cái cầu thang bộ. Tôi hỏi ông rằng nhạc sĩ thường đa tình, vậy mà sao bên cạnh thầy không thấy bóng dáng của người phụ nữ nào. Chẳng lẽ không khi nào thầy thấy cô đơn sao? Ông cười bảo: “Mọi thứ tình yêu thầy gửi hết vào trong âm nhạc rồi. Trong đầu thầy là nốt nhạc, trong tim thầy là nốt nhạc và cả căn phòng cũng ngập tràn nốt nhạc”.
Nhưng đó là chuyện của 7 năm về trước. Giờ đây, nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam đang sống hạnh phúc với vợ và hai con mình. Người phụ nữ mang lại cho nhạc sĩ hạnh phúc muộn màng của một mái ấm gia đình bình yên ấy là một cô gái quê ở Chợ Gạo, Tiền Giang, nhà văn Huỳnh Mẫn Chi. Đó là câu chuyện tình đẹp như cổ tích, là duyên may đến muộn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam.
Năm 2004, nhà văn Huỳnh Mẫn Chi tìm gặp nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam để viết bài về các danh nhân của Tiền Giang. Sau 3 – 4 lần từ chối không chịu gặp, vì thấy bản thân mình không có gì để viết, cuối cùng ông cũng đồng ý gặp chị khi biết chị cũng quê ở Tiền Giang. Đó là một cuộc gặp gỡ định mệnh. Nói chuyện đến quá trưa ông mời chị ở lại dùng cơm với mình.
Nhà văn Huỳnh Mẫn Chi kể lại: “Lúc đó thầy bê ra nguyên một chảo rau muống xào lẫn với đậu phụ, thêm một nồi cơm đặt lên bàn. Cái chảo đã cũ kỹ và cháy đen, sản phẩm của những lần xào thức ăn bị cháy. Món rau muống xào hình như cũng không phải là mới xào đây mà đã để qua ngày”. Trong khoảnh khắc ấy, dù không thể nuốt trôi món ăn đó, nhưng lòng chị lại dâng lên một niềm thương cảm người nhạc sĩ tài hoa mà vụng về vì thiếu bàn tay phụ nữ chăm sóc.
Sau lần ấy, hai người thường xuyên trò chuyện qua lại với nhau. Và họ nhận ra sự đồng điệu giữa hai tâm hồn nên quyết định gắn kết với nhau 1 năm quen biết, trong sự nghi ngờ, vui mừng và cả phản đối của bạn bè hai bên gia đình. Thời gian đã là minh chứng cho tình yêu của họ. Hai đứa trẻ lần lượt ra đời. Và ngôi nhà nhỏ giờ đây luôn đầy ắp tiếng cười và tiếng đàn piano cất lên mỗi sáng sớm. Đó là khoảng thời gian mỗi ngày nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam thả hồn vào những sáng tác của mình.
Năm 1990, người vợ Nga mất đột ngột. Một năm sau, năm 1991, ông gửi con gái 8 tuổi cho gia đình ngoại, ông trở về Việt Nam lúc mẹ ông sắp vĩnh viễn ra đi. Lúc ông về, bà đã cấm khẩu mấy tháng nay. Nghe tiếng gọi mẹ như vỡ òa của đứa con trai duy nhất, bà bỗng bật lên tiếng hỏi: “Con đã về…”. Ba ngày sau mẹ ông ra đi. Dù kìm nén, nhưng nước mắt cứ tuôn trào trên gương mặt ông. Ông khóc cho những tháng ngày tuổi thơ xa mẹ, khóc cho hai mươi năm mẹ ông chờ đợi ngày thống nhất mà ông chưa về, khóc cho những khắc khoải, nhớ mong mẹ trong ông khi ở Nga. Ông khóc cho tất cả những tháng ngày xa mẹ đằng đẵng trong cuộc đời mình, hôm qua và kể từ ngày hôm nay, mãi mãi.
Hương Lam
(nguoiduatin.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét