...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

Nước Mắt Thời Gian

truyện ngắn của Phạm Thuận Thành


Mặt trời từ từ bơi lên trên nền trời đầy mây mùa thu vượt khỏi dặng núi Yên Tử xa xa về phương đông. Mây đen bay tứ tung vội vã như lẩn trốn ánh hào quang mỗi lúc mỗi rực rỡ. Nhưng mây còn nặng lắm, đủ làm cho vầng dương trở nên nhợt nhạt như chiếc đĩa bạc. Như chiếc đĩa bạc. Nhợt nhạt. Mỗi khi mây tản giãn ra thì vầng dương lại trở nên đỏ ối như quầng máu đậm đặc. Quầng máu như sắp ập xuống nhân gian.

Vườn vải cổ thụ rộng mênh mông bên dòng sông vẫn tối âm u vì tán lá rậm rạp và vì màn sương đặc quánh phủ khắp lưng chừng trời. Vải đã qua mùa thu hoạch. Thỉnh thoảng bên một gốc cây còn sót lại đống vỏ ngả màu nâu đỏ sẫm bốc mùi ngòn ngọt hăng hắc. Toán lính cẩm y vệ lầm lụi dong hai người đi dưới tán cây. Xích tay xích chân. Mỗi bước đi lại rung lên tiếng xích va nhau. Người đàn ông dáng tiều tuỵ nhưng dáng đi ngay ngắn. Người đàn bà tóc tai bơ phờ đi chệnh choạng như chực ngã dúi dúi vào gốc cây. Nhưng vẫn cố lê bước. Những bước đi cuối cùng của cuộc đời trần thế.
Đột ngột hiện ra ngôi chùa giữa vườn vải. Chùa hoang. Cửa dả đóng im ỉm. Cỏ mọc lan tận thềm. Lá vải khô rụng phủ dầy sân cổng. Chùa hoang vì chất chứa đầy sát khí. Toán lính dẫn hai người vào sân nghỉ ngơi. Bãi hành quyết đã dựng sẵn ngay ngoài cổng chùa kia rồi. Họ chờ quan giám trảm đi chuyến thuyền sau sắp đến. Sở dĩ quan giám trảm đến sau là thể theo nguyện vọng của người đàn ông sắp bị hành quyết trước khi chết được đến chiêm bái lần cuối đức vua và xin được chết cùng một nơi với người. Kẻ sắp bị hành quyết đã nhận thua tài thua trí thua mệnh nên quan giám trảm đã đắc ý y chuẩn và tâu xin thái hậu cũng y chuẩn cho. Và ngôi chùa càng chất chứa thêm nhiều sát khí.
Ngôi chùa trong vườn vải này vốn là cung Ngô phò mã thời Trần. Dải đất hai bên bờ sông Thiên Đức này thuộc về phò mã. Bên hữu nơi có cung phò mã là vườn vải, gọi là Lệ Chi Viên. Bên tả là nơi vui chơi của phò mã là vườn đào, gọi là Đào Viên. Trước khi trở thành Lệ Chi Viên và Đào Viên thì nơi đây chỉ là bãi sông bỏ hoang đầy lau lách và chồn hôi chuột chũi cư ngụ. Nơi bến sông có một gia đình thuyền chài kiêm lái đò họ Ngô. Bến Lai. Khách qua lại thưa vắng. Một lần có người khách Tàu đến bến sông thì trời đã tối đành xin nghỉ lại qua đêm. Hành lí chỉ mỗi thanh gươm và chiếc tay nải nhỏ. Ông chài mời khách ngủ trên chiếc chõng tre ở nhà ngoài. Vợ con ông ngủ trong gian chái, cách bức vách liếp. Còn ông ngủ ở thuyền. Nửa đêm ông chài chợt thấy ánh sáng lạ trong nhà liền trở vào xem có chuyện gì. Thì chẳng có chuyện gì. Ai nấy vẫn ngủ yên ở chỗ của mình. Chỉ có ánh sáng vẫn phát ra chói lọi trong tay nải người khách. Ông chài tò mò cởi ra xem. Đó viên ngọc dạ minh châu nhỏ. Khi ông chụm hai bàn tay che viên ngọc lại thì ánh sáng liền vụt tắt. Ông hiểu chỉ có da thịt người mới che được ánh sáng kì lạ của viên ngọc này. Lòng tham trỗi dậy. Ông đưa viên ngọc vào miệng rồi lặng lẽ ra thuyền.
Sáng sớm hôm sau người khách Tàu thấy tay nải khác dấu vội mở ra xem. Ngọc dạ minh châu không còn. Nơi bến sông vắng vẻ này còn ai khác ngoài vợ chồng ông chài. Người khách ban đầu còn ngọt nhạt xin gia chủ trả lại, sau thấy không thể van xin được lòng tham liền đưa cả hai vợ chồng ra giữa sông ra tay hạ sát. Đoạn ngửa mặt lên trời nguyền ai nhặt được ngọc nhất định mắc vào hoạ sát thân.
Ngô Dẫn mới thiếu niên đã phải chịu cảnh mồ côi, một mình bám vào con thuyền và bãi sông mà sống. Một lần chàng đánh được con cá chép to. Đem luộc lên uống rượu. Ăn hết cá thấy một vật cứng rơi ra mâm. Nhặt lên xem thì là viên ngọc. Đem vào trong buồng thấy ngọc phát sáng. Biết là viên ngọc dạ minh châu liên thành của người khách Tàu mà cha mẹ đã liều chết giữ lại cho đất nước. Ngô Dẫn tự cứa da đùi cất ngọc vào để tránh lộ sáng nguy hiểm tính mạng. Rồi vào cung dâng vua. Vua Trần Duệ Tông được ngọc thích lắm liền gả công chúa Ngọc Bình cho. Lại cấp tiền dựng lầu gác nơi bến sông Lai cho vợ chồng phò mã. Thể theo nguyện vọng của phò mã, nhà vua chuẩn cấp đất hai bên bến sông thuộc quyền cai quản của Ngô Dẫn. Phò mã cho trồng vườn vải vườn đào biến hai bãi sông hoang hoá thành vườn cây quả tươi tốt.
Từ ngày trở thành phò mã thì Ngô Dẫn luôn là thượng khách của các hào phú và quan lại trong vùng. Tối ngày bài bạc rượu chè. Công chúa Ngọc Bình thấy phò mã sống hoang tàng nhiều lần khuyên giải. Phò mã đã không chuyển lại còn mạt sát công chúa thậm tệ. Ta vô học ư, nhưng ta vẫn là chồng nàng. Nàng là vợ ta thì chỉ nên biết chức phận hầu ta chứ không nên làm mẹ già của ta. Vợ là ai. Là cơm nguội cho ta đỡ đói. Là cái chổi cho ta chùi chân. Là cái bàn bốc cho ta vui vầy mỗi khi ta thích. Rõ chưa. Công chúa hận, sai người hầu về báo cho vua cha biết con người thô thiển không chịu học hành lễ nghĩa của phò mã. Vua cho gọi Ngô phò mã vào cung quở mắng. Phò mã không những không hối lỗi lại còn thách thức trả vợ hư về cung và đòi lại ngọc liên thành dạ minh châu. Vua trong lúc cả giận thét đao phủ lôi ra chém. Công chúa Ngọc Bình khóc lóc xin tha mãi vua mới đổi ý cho đi đày biệt xứ. Cung phò mã biến thành chùa. Chùa Vải như cách gọi dân dã trong vùng. Bến sông từ ngày Ngô Dẫn trở thành phò mã đã không còn khách qua lại ngoài đội thuyền rồng đưa đón phò mã và công chúa sang sông chơi vườn đào. Nay phò mã bị đi đày, cung điện biến thành chùa thì bến sông hoàn toàn hoang vắng.
* * *
Vậy mà gần trăm năm sau bến sông Lai lại có đoàn thuyền rồng đỗ lại. Không phải là thuyền ma của Ngô phò mã năm xưa mà là thuyện rồng thực của đức vua Lê Thái Tông. Nhà vua lên ngôi từ khi mới mười tuổi, luôn bị đám chú bác Hội thề Lũng Nhai của tiên đế vây bọc o bế. Nay vua đã trưởng thành, đã cầm chính vững vàng, là lúc thực thi nền văn trị theo gương người xưa và lời răn bảo của thầy học Nguyễn Trãi. Tiếc rằng thầy học chán cảnh quan trường, nhận chức Đông Bắc đạo mà mấy năm chẳng về kinh hội triều. Khi còn ở kinh người từng than quan triều chẳng phải ẩn chẳng phải vì đến viên thái giám Lương Đăng còn dám lên mặt giảng nhạc lễ với một vị thái học sinh, một quân sư bày mưu tính kế đánh đâu được đấy. Đơn giản vì đó chỉ là kế khiêu khích của đám huynh đệ Lũng Nhai. Vua cũng chỉ còn biết cách cho thầy ra ngoài, về Côn Sơn và ở đó lại chịu cảnh ẩn chẳng phải quan triều chẳng phải. Sau khi trừ được hai trọng thần lộng quyền Lê Ngân, Lê Sát, đám huynh đệ Lũng Nhai đã giảm o bế, nhà vua đã cho tu sửa Văn Miếu, học đường khắp các phủ huyện, lại mới tổ chức khoa thi tiến sĩ lấy đỗ mấy chục nhân tài đủ cả tam khôi, chính bảng, phụ bảng. Thời của nền văn trị đã vững. Nhà vua quyết định đi duyệt thuỷ quân ở miền Đông Bắc và để có dịp thuyết phục thầy học trở lại kinh thành ở cạnh vua bày định chính sách. Một tuần thầy trò vua tôi bên nhau tâm đầu ý hợp. Sau thời võ đế giành nước trên lưng ngựa ắt phải là thời văn đế khôi phục và phát triển nguyên khí đất nước. Bày mưu đánh trận đâu phải là thực tài của thầy. Thực tài của thầy ở việc kinh bang tế thế kia. Vua trẻ biết thầy ở ẩn chẳng phải quan triều chẳng phải là để tĩnh tâm bàn định chính sách trị bình, như khi xưa ở gần Hoàng Phúc là để có thời gian và cơ hội nghĩ cho chín kế sách bình Ngô. Quả nhiên thầy không nguội lòng giúp nước. Với danh nghĩa thần tử, thầy đã có những lời tâm huyết bày tỏ nỗi lòng ơn vua chịu cho người ra tay thi thố tài năng. Ngay chiều nay chia tay thầy đã cho người thiếp yêu Nguyễn Thị Lộ theo thuyền vua về kinh trước để thu xếp phủ đệ, còn thầy ở lại thu xếp việc nhà và việc Đông Bắc đạo rồi sẽ về kinh vào tuần sau.
Đoàn thuyền ngự vừa rời bến Côn Sơn một đoạn sông, mới từ cửa Lục Đầu Giang rẽ vào sông Thiên Đức thì nhà vua bỗng cảm thấy khó chịu. Viên chỉ huy Trịnh Khả vội ra lệnh cho thuyền đi nhanh, cố gắng ngay trong đêm kịp về đến kinh thành để thuốc thang đầy đủ. Trịnh Khả lo lắm. Khi đoàn thuyền ngự đi đúng vào ngày bẩy, ngày kiêng kị chớ đi ngày bẩy. Hôm nay về lại đúng ngày ba, cũng là ngày kiêng kị chớ về ngày ba. Hôm đi thuyền đã mắc cạn ở Bồng Lai, quân đẩy không được, Trịnh Khả không dám can vua quay về vì hành trình không hanh thông. Vua nóng lòng đón thầy học về giúp dập. Đoàn thuyền rồng nặng nề vừa bắt được tốc độ thì trời bất thần nổi giống gió mù mịt, liền đó là mưa rào xối xả trắng trời trắng đất. Vua sây sẩm, ngây ngấy sốt. Ngài bảo Trịnh Khả:
- Trước mặt là bãi Lệ Chi Viên, xưa là cung Ngô phò mã nhà Trần, mưa gió thế này còn lâu mới tạnh, ta hãy nghỉ lại đêm nay, sáng mai về cung cũng được.
- Muôn tâu, bệ hạ có cơ cảm mạo, ta nên mau về kinh để còn thuốc thang chứ ạ.
- Ta đang trai tráng, gió máy cảm mạo xoàng thế này có hề gì. Hãy xem quân tướng chèo thuyền ngược nước ngược gió vất vả thế nào kìa. Đi thâu đếm chắc gì đã kịp về kinh. Với lại, tối tăm gió mưa thế này nhỡ mắc cạn ở đâu đó chả khốn hơn ư.
Trịnh Khả đành lệnh cho thuyền đỗ lại bến sông Lai, lòng thầm cầu trời khấn phật đừng để xảy ra chuyện gì bất trắc trong đêm. Trước khi đi nghỉ, Trịnh Khả còn căn dặn hai viên thái giám Đinh Phúc, Đinh Thắng phải thay nhau thức trông chừng sức khoẻ nhà vua, nếu có gì khác phải báo ngay. Trịnh Khả sốt ruột không dám đi nằm, thân đi kiểm tra lính cấm vệ túc trực quanh chùa. Mưa gió dữ khác thường. Lúc nãy từ thuyền đi vào chùa nhà vua lại ngấm thêm mấy giọt mưa thốc vào. Với người khoẻ vài giọt mưa chả hề hấn gì, nhưng với nhà vua đang khó người thì lại là chuyện khác. Vua có mệnh hệ gì thì người chỉ huy cấm binh là ông đi cũng sao khỏi tránh được trọng tội. Nhưng tội do trời thì cưỡng làm sao đây. Hồi trẻ ông dám một mình một dao đội cỏ bơi sông lọt vào doanh giặc Minh cướp được hài cốt tổ phụ tiên đế mang về ông có sợ đâu. Nhưng lần này thì sợ. Sợ mệnh trời. Quả nhiên chưa kịp về phòng đã thấy thái giám Đinh Thắng chạy đến báo vua trăn trở vật vã, mồ hôi ra như tắm. Qua phòng quan Lễ nghi học sĩ, nghĩ chỉ có bà là phụ nữ nên ông gọi theo hầu vua. Lễ nghi học sĩ đã đi nằm, nghe tin vội theo ngay, mình chỉ mặc đồ trong khi đi ngủ. Trịnh Khả xin vua cho rời thuyền về kinh ngay. Vua lắc đầu. Và muốn xoa bóp chân tay vì như có kiến bò bên trong rất khó chịu. Trịnh Khả nhờ Lễ nghi học sĩ săn sóc vua. Lại dặn hai thái giám và viên phó quan túc trực, còn mình lấy người tức tốc về kinh đón ngự y ngay lúc ấy.
* * *
Quan giám trảm chính là thượng thư tả bộc xạ nắm án ngay từ đầu. Ông luôn được huynh đệ Lũng Nhai coi là bộ óc tinh khôn. Khi xưa chính ông là người thẩm định kế sách Bình Ngô để trình chủ tướng đại ca quyết định thu nạp. Tất nhiên lúc bấy giờ đang là lúc cần người. Người có sức vô mưu thì dùng đánh trận. Người có mưu vô sức thì dùng bày kế hoặc văn thư trong trướng. Thời xưa Lưu Bị chỉ vì thiếu quân sư mà không tấc đất đứng chân, xiêu dạt tá túc đây đó. Nay có vị thái học sinh tiền triều chịu theo phò bày đặt mưu kế thì không thể bỏ được. Cho ông ta làm Lưu Bá Ôn để ta làm Lý Thiện Trường đã sao. Ta mới là thân tín của chủ tướng đại ca. Khi đã tra gươm vào vỏ cũng là lúc không cần dùng người, ta đã giúp chủ tướng đại ca lần lượt loại bỏ nanh vuốt tiền triều gốc đế kinh. Trần Nguyên Hãn về vườn vẫn không cho lọt lưới. Phạm Văn Xảo, Lưu Nhân Chú phải học Hàn Tín bó tay chịu chết để giữ tiếng trung. Minh chủ Trần Cảo sợ hãi bỏ chạy nhưng lưới ta đã giăng sẵn. Chỉ còn hắn, ta vừa ghét vừa nể. Ta bày kế gì cũng bị hắn phản bác, mà lần nào ý kiến của hắn cũng đúng. Cái năm quân Thanh đã mạnh ta muốn vượt Tây Đô đánh úp Đông Quan một đòn giành toàn thắng. Hắn nghe chăm chú, gật gật đầu khích lệ làm ta càng hăng hái biện luận thuận lợi khó khăn để nêu bật sự cần thiết chớp thời cơ ra đòn quyết chiến chiến lược. Chủ tướng đại ca nghe mà giãn mặt phấn khởi. Các đại tướng Lũng Nhai cũng giãn mặt phấn khởi. Cánh đại tướng đế kinh chỉ yên lặng chờ hắn nói. Quả nhiên chủ tướng đại ca vẫn chờ hắn nói mới quyết. Hắn tán thành mọi suy nghĩ tính toán của ta. Nhưng. Ta ghét cái nhưng ấy quá. Nhưng ta vẫn phải nghe như một người biết trân trọng ý kiến bàn bạc xuôi ngược của mọi người khác. Đó là sự nhẫn nại cầu thị ta cố làm ra vẻ. Hắn phân tích thế lực quân ta, thế lực quân địch nói chung và thế lực địch ở riêng Đông Quan. Rõ ràng ta chưa đủ sức đánh Đông Quan, chưa kể quân địch ở các thành kéo về hợp vây thì quân ta khác nào cá nằm trên thớt, chuột nộp mạng mèo. Đã bảo đánh thành là hạ sách mà. Đánh vào lòng người cần hơn. Lòng người cả nước chưa thực sự hướng về nghĩa quân, chưa tin tưởng nghĩa quân thắng lợi hoàn toàn, chỉ vì địch vẫn còn quá mạnh. Chi bằng tránh chỗ địch mạnh, đánh chỗ địch yếu, ít phòng bị để lấy đất đứng chân, lấy thêm quân binh hùng mạnh rồi tiến ra bắc chưa muộn. Cờ đi có nước, không thể chỉ vì muốn thắng mà nôn nóng dốc hết quân đánh ẩu được. Hắn đề xuất đánh Nghệ An, tức là quay ngoặt vào nam tránh hẳn hướng địch đang dàn quân đối trận. Không ai ngờ hắn dám bỏ căn cứ đi nơi khác đứng chân. Nếu địch chặn phía trước, truy kích phía sau thì chỉ còn cách chạy tán loạn vào rừng làm thổ phỉ. Nhưng hắn đã có tính toán. Một đội quân tinh nhuệ ngày đêm bí mật đi trước tập kích châu Ngọc Lặc. Đại quân lặng lẽ tiến sau. Một đạo quân giữ căn cứ vẫn thỉnh thoảng đột kích doanh trại địch để nghi binh. Ngày nào cũng đốt rơm rạ như đang đun nấu bình thường. Đánh Nghệ An đến ta còn bất ngờ huống chi quân giặc còn bị bất ngờ đến đâu. Có Nghệ An làm hậu phương khác nào được nửa nước, dân chúng sẽ theo về như nước chảy. Lại tránh được giặc mạnh đang đối địch trước mặt. Lấy sức Nghệ An quay lại đánh địch thì khác nào thế trận chẻ tre. Ta là người đầu tiên nuốt cay đắng ủng hộ hắn. Kế đánh Đông Quan nướng quân của ta mười phần thua mười một. Kế đánh Nghệ An của hắn mạo hiểm ít hơn, nhưng yếu tố bí mật bất ngờ và đánh vào chỗ địch yếu lại nhiều phần thắng lợi hơn. Ta mà gật tất chủ tướng đại ca gật. Quả nhiên kế đánh Nghệ An toàn thắng hệt như kế lấy Ích Châu của Khổng Minh ngày trước.
Chưa hết. Ta còn cay cú hơn khi toàn quân đã tạo thành thế công kích Đông Quan chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng. Ta đề xuất một cánh kì binh sang phía bắc chặn đường tiếp lương, còn tập trung quân ở hai cánh nam và tây đồng loạt công thành. Hắn vẫn nghe chăm chú và gật gật đầu tán thành. Đến lượt nói hắn cũng hoàn toàn ủng hộ phương án công thành của ta. Nhưng là sau này. Trước mắt hai cánh quân nam và tây chỉ làm nhiệm vụ nghi binh, chặn không cho địch ra ngoài lấy lương lấy củi, còn toàn quân chuyển sang bờ bắc đánh quân tiếp viện. Quân Minh không thể bỏ rơi năm vạn quân Vương Thông trong thành Đông Quan. Nếu tiếp viện thì chỉ có hướng Lạng Sơn là gần nhất. Lại còn một loạt thành trì dọc đường vẫn còn trong tay chúng. Đánh thành là hạ sách, nhưng lúc này chỉ đánh Đông Quan là hạ sách, còn đánh các thành nhỏ dọc đường đi Lạng Sơn lại không là hạ sách. Đặc biệt là thành Xương Giang rất kiên cố của chúng. Phải hạ thành trước khi viện binh sang. Đánh bại đạo viện binh này thì Đông Quan không đánh cũng phải hàng. Nhiều huynh đệ Lũng Nhai nóng lòng thành công đòi đánh thành Đông Quan ngay, bởi đã mất thành Đông Quan rồi thì viện binh chúng sang làm gì nữa. Hắn kiên trì thuyết phục rằng thành Đông Quan còn mạnh, Vương Thông chỉ huy khôn khéo, lại có hệ thống liên thông về nước qua đường Lạng Sơn hoàn chỉnh thì chẳng có gì lo sợ. ta đánh thành sẽ kéo dài, hao tổn nguyên khí. Nếu viện quân sang ta sẽ ở thế trong đánh ra, ngoài đánh vào tất đại bại. Nhưng vây thành diệt viện sẽ nắm chắc phần thắng. Nhưng bao giờ viện binh sang, định chờ cả chục năm à. Không. Ta vây chặt thành lớn, đánh thành nhỏ, thành lớn chơ vơ cô độc tất bị diệt. Trước nguy cơ ấy viện binh phải sang. Muốn điều viện binh sang thì ta phải mau chóng hạ toàn bộ hệ thống thành liên thông bên bờ bắc. Chủ tướng đại ca nghe, lập trại bên bến Bồ Đề. Ta không chịu, bí mật triệu tập huynh đệ Lũng Nhai cứ quyết công thành, nếu thắng lợi chằng là mưu kế ta đúng và huynh đệ ta lập toàn công sao. Các đại tướng Đinh Lễ, Lý Triện, Nguyễn Xí và các anh em khác tán thành. Trận công kích Đông Quân âm thầm diễn ra. Chủ tướng đại ca bên bờ bắc hoàn toàn không hay biết gì. Đáng tiếc ta đã sai, mấy đại tướng bị hại bị bắt. Chủ tướng đại ca nổi giận nhưng hắn khuyên đừng trách phạt binh tướng thua trận mà ngược lại, hãy đề cao công họ đã quên mình vì nước, và để tránh chuyện tiếp theo chỉ nên ra nghiêm quân lệnh phòng bị là đủ. Lần này ta trót không thèm nghe hắn nên hại mất mấy anh em tài giỏi. Ta phục hắn nhưng càng cay hắn hơn.
Sau vụ Trần Nguyên Hãn mưu tụ quân làm phản, ta có cớ bắt giam hắn vì quan hệ ruột thịt với Hãn. Nhưng nghĩ hắn có mưu mà không có quân không có quyền thì cũng chẳng làm nên trò trống gì nên ta chỉ yêu cầu hắn mũ ni che tai sẽ được yên thân. Hắn bảo xưa nay vẫn mũ ni che tai đấy chứ, chỉ khi nào hoàng đế hỏi thì hắn mới nói. Ta bảo sao không bắt chước Trương Lương ở ẩn đi, không theo ông ngoại Băng Hồ ở ẩn đi, cứ ở lại triều là có mưu đồ gì. Triều đình này là của huynh đệ Lũng Nhai, ngươi thấy chưa được đủ bổng lộc sao mà còn cố ở. Hắn chịu lui về Côn Sơn ẩn chẳng phải triều quan chẳng phải. Đi thì ta tha. Coi như hắn chịu thua mưu kế trị người sâu xa của ta là hả rồi. Vậy mà cậy thế vua mới là học trò, hắn lại tấp tểnh trở lại triều ở ngôi thái sư tể tướng. Hắn về triều thì ta là cái bóng vật vờ sau lưng hắn à. Huynh đệ Lũng Nhai đã mất mấy người. Nhưng thế lực còn đủ mạnh để trị hắn. Giá còn đại tư đồ Lê Sát thì chỉ một tay huynh ấy cũng đủ trị hắn phải bỏ áo mà chạy khỏi triều lần nữa. Đang loay hoay tính kế chặn đường về triều của hắn thì xảy ra chuyện lớn. Nguyên nhân chính là do hắn khiến vua phải ra miền đông. Ai biết hắn đã cho vua ăn gì uống gì những ngày ấy. sao vua vừa rời khỏi nhà hắn thì đã xảy ra chuyện. Cứ cho là vua chỉ bị cảm mà chết thì vẫn là do hắn mới có chuyện vua mắc cảm mạo chứ. Thế là ta được thái hậu và huynh đệ đồng ý quy tội chết cho hắn. Phải để hắn tâm phục khẩu phục tài trị người của ta lần nữa. Ta cho bắt hai tên thái giám chỉ hỏi độc một câu trước khi vua chết có ai ở bên cạnh. Cả hai đều khẳng định một sự thật hiển nhiên là có Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ mặc quần áo lót lúc đi ngủ bên cạnh. Từ đó ta chụp cho cái tội mê hoặc sắc dục ép vua đến kiệt sức. Đến khi hỏi thủ phạm Nguyễn Thị Lộ ta chỉ hỏi việc ép vua đến chết là do ai chủ mưu, có phải người chồng bất mãn với triều đình không. Cũng định cứng cỏi khí tiết đấy, rằng tôi vội đến xoa bóp cho vua theo lệnh tướng Trịnh Khả. Nhưng ta đồng ý ban đầu là theo ý Trịnh Khả, nhưng khi Trịnh Khả đi rồi sao lại xoa bóp đến quá cả giới hạn và lợi dụng cơ hội mê hoặc ép vua đến chết. Hai viên thái giám đã khẳng định vua chết trên bụng người rồi. Ta cho hai thái giám ra đối chất. Lại dùng món kẹp ngón tay và món kẹp thái dương. Đến khi mười ngón tay nát bấy, mắt bên phải lồi ra khỏi tròng thì thủ phạm chỉ còn biết cúi đầu nhận mọi tội chết để tránh nỗi đau thể xác. Đến khi hỏi cung hắn, kẻ chủ mưu hại vua, ta chỉ hỏi hắn đã biết tội chưa. Lần này biết phải chết nên hắn cao ngạo không nói. Ta đành phải nói. Tội của ngươi là không biết thời thế. Là kém mưu trị nhân. Khi xưa ngươi chịu về Côn Sơn ta đã tha cho, lại còn giữ cho chút bổng lộc dưỡng già. Sao không ở yên đó vui thú trăng sao mây núi với người đẹp bầu rượu túi thơ lại chui đầu về triều chịu chết. Ta đã bảo đường về triều là đường chui vào rọ, ngươi cậy thế vua không thèm nghe ta, bây giờ hại đến cả gia tộc mấy trăm mạng người, ngươi không ân hận ư. Bây giờ ngươi công khai thừa nhận kém tài ta thì ta cho ngươi chết theo ý nguyện. Hắn chịu mở miệng nhận thua tài trí của ta thật. Ta cho hắn yêu cầu. Hắn muốn hai vợ chồng được chết ở chính nơi vua chết. Hắn cũng bảo người không thắng được mệnh. Khổng Minh cầu sao bẩy ngày vẫn bị Nguỵ Diên vô tình làm tắt nến chủ mà chết. Ta biết ta đáng chết cùng em Trần Nguyên Hãn của ta kia, nhưng mệnh chưa dứt nên sống cố đến hôm nay thôi. Nhưng ta chết là vì dân vì nước nên sẽ được muôn đời tưởng nhớ bất kể ngươi dán lên người ta những thứ tội tày trời nào. Còn ngươi, chính ngươi là kẻ gieo hạt độc làm nguy hại vương triều này mà thôi. Hắn nói cứng cỏi lắm, vì dân vì nước lắm. nhưng hắn đâu biết mọi việc ta làm đều là vì vương triều của huynh đệ Lũng Nhai, những người đã phất cờ nghĩa giành được nước hôm nay. Ta không tin ta làm phương hại đến vương triều này được. Nhưng dù sao lời hắn nói cũng làm ta day dứt ít nhiều, thậm chí còn phải âm thầm ngẫm xem lời hắn nói có ứng nghiệm không. Hắn đáng là kì phùng địch thủ của ta.
* * *
Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ bị trói ở hai cột quay mặt vào nhau. Đây là ân huệ của Thượng thư tả bộc xạ. Để hai người nhìn nhau lần cuối. Nguyễn Trãi hướng về phía đông. Lúc này mây đã thưa hơn. Mặt trời không còn bệch bạc nữa mà hoàn toàn đỏ bầm như chậu máu. Chỉ lát nữa thôi ta sẽ dùng máu mình làm sạch mây mù dưới mặt đất này để vầng dương sẽ rực rỡ hơn. Nguyễn Trãi nhìn lại người vợ yêu. Nàng tiều tuỵ thảm quá. Môi bị cắn nén đâu đến sưng vều tím bầm lên. Con mắt bị đòn lồi ra lủng lẳng gớm ghiếc. Tóc rối và bết lại vì máu và mồ hôi. Chẳng còn đâu gương mặt khả ái, lanh lợi của cô gái bán chiếu gon bên Hồ Tây. Chẳng còn đâu vẻ đoan trang nghiêm nghị của vị quan Lễ nghi học sĩ. Vì mệnh ta mà nàng chết uổng một cách đầy tai tiếng. Nàng không có tội giết vua cũng không có lỗi hại chồng đâu. Tội ở lòng đố kị của người đời đấy. Nàng đừng khóc. Nước mắt nàng sẽ làm đông cứng thời gian trong ta không tan được đâu. Kiếp sau ta vẫn là đôi tri kỉ tri âm mà.
Quan giám trảm oai vệ bước lên ghế trên bục cao. Ngài vừa ngồi đã lại đứng lên hỏi:
- Lê, a Nguyễn Trãi, ngươi có mong muốn điều gì cuối cùng không?
- Có. Xin cho người chải lại tóc và thoa phấn vào chỗ tím trên mặt phu nhân tôi.
- Ha ha! Chết rồi cần gì phải vẽ vời thế. Nhưng thôi, đã là mong muốn cuối cùng thì ta y cho.
Nghe phu quân nói làm nước mắt Nguyễn Thị Lộ lại chảy tràn như nước tích trong đập cao chỉ chực ùa vỡ. Người đao phủ khẳng định, khi đã rơi đầu rồi mà hai mắt vẫn còn nhỏ giọt không ngừng. Khi Nguyễn Trãi bị chém, vầng mặt trời bỗng ngả sang màu trắng bệch rất lạ.
* * *
Vĩ thanh:
Đúng năm trăm sau bãi Lệ Chi Viên được chuyển đổi sang làm gạch. Một người thợ phơ đang đào đất cát pha mềm nhẹ bỗng lưỡi mai chạm phải một vật cứng tê tay. Xê dịch lưỡi mai mấy lần vẫn chưa ra khỏi vật cứng. Anh ta loay hoay đào bới rộng ra xem đó là vật gì. Là hòn đá. Nó sáng lên như ngọc. Có hình giọt nước mắt.
Hiện nay hòn đá nước mắt này được trưng bày ở khu di tích Lệ Chi Viên. Mọi người đều bảo đó là nước mắt Nguyễn Thị Lộ trước khi chết rỏ xuống đông kết lại. Nước mắt thời gian.
(VănVN.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét