Tôi và ông ngồi kề nhau trong một chuyến bay. Tôi hỏi xã giao ông: “ Chào ông ,
ông về đâu ạ ? ”. Ông không trả lời vào câu hỏi. Ông hỏi lại tôi : “ Xin lỗi
cho hỏi, ông là Bắc 54 hay 75 ”. Tôi đáp : “ là Bắc 65 ”. Chỉ vậy,
tôi hiểu ông nghĩ gì… Không lâu, chúng tôi trò chuyện cởi mở hơn. Nhìn vết xẹo
dài sâu trên má trái của tôi. Miệng ông ấy mấp máy chưa kịp hỏi thì tôi
đã nói: “ Dấu tích Mậu thân năm 68 đó ”. Chúng tôi chuyển sang nội dung khác
xem ra có vẻ tâm đắc. Thế là quen.
Sau đó chúng tôi thường điện thoại cho
nhau. Những lúc có chuyện vui, buồn là gặp nhau tại nhà ông để chia sẻ tâm tư.
Chẳng biết từ lúc nào chúng tôi thành hai người bạn. Không còn bức tường rào vô
hình ngăn cản. Chính ông là người chỉ dẫn cho tôi mua khu nhà đất này của một
người đã vào Sài Gòn sống với con. Nhờ có ông mà tôi nhanh chóng hòa nhập
với mọi người tại nơi ở mới. Tôi với ông là hàng xóm .Tính ra đã gần hai mươi
năm. Các con tôi học, lập nghiệp tại tp HCM. Chỉ mình tôi ở khu nhà vườn này.
Nhà tôi là nơi hội tụ bạn bè, hàng xóm, láng giềng. Uống với nhau ly trà lúc
bình minh, rồi đi làm. Khi hoàng hôn uống với nhau ly rượu. Đó là lúc học
hỏi, nhàn tản thanh thản như các cụ ngày xưa đã có câu “ Bình minh nhất trảng
trà, bán dạ tam bôi tửu …” . Trong số đó có người thợ cắt tóc, ông bạn
hàng xóm của tôi.
Tôi viết lại những lời tâm sụ của ông. Năm
1964 ông học xong tú tài toàn phần, thì phải đi quân dịch ( tương tự như nghĩa
vụ quân sự ở Bắc). Ở miền Nam Việt Nam thời đó học xong tú tài bán (
lớp 11 ) thi vào trường võ bị Thủ Đức, ra trường là chuẩn úy. Có bằng Tú tài
hai ( lớp 12 ) thi vào học trường Sỹ quan Đà Lat. Có học thức là đi thi học Sỹ
quan để rồi làm quan . Bởi vậy ngày đó có câu: “Rớt tú tài, anh đi trung sỹ ”.
Trời phú cho ông có giọng nói rất truyền cảm, hát hay. Ra trường với cấp hàm
Thiếu úy. Ông được phân về một đơn vị Tâm lý chiến ( chiến tranh chính trị ).
Cuộc đời binh nghiệp, từ sau khi học Sĩ quan Đalat, ông chưa bao giờ biết cầm
khẩu súng. Chỉ biết cầm micro cũng lên được đến đại úy…Sau 1975 loại sỹ quan
Tâm lý chiến chỉ đứng sau tổ chức Phượng Hoàng. Phải bị quản thúc và đưa đi cải
tạo. Ông đi học tập cải tạo có sáu năm là ít. Vì nhân thân của ông vào loại
tốt: Ba ông là du kích thời chống Pháp sau này bị đau bệnh chết. Mẹ ông là cơ
sở cách mạng. Bà thường giúp đỡ cách mạng về lương thực, thuốc men. Được
cấp giấy chứng nhận Người Có Công. Bác ruột tập kết ra Bắc và về lại Nam
công tác, hy sinh năm 1969 là liệt sỹ. Cậu ruột ( em mẹ ) là tù chính trị tại
Côn Đảo mãi 1973 mới được trao trả theo hiệp định Pari. Anh con bác ruột theo
cha ra Bắc. Học xong đại học tại Hà Nội, năm 1970 đã sang học trên đại học ở
Liên Xô cũ là Tiến sỹ Vật lý hạt nhân … Những người khác phải tập trung
cải tạo từ tám đến mười năm. Trong trại khi có việc trang trí cắt khẩu hiệu ông
làm rất đẹp, ai cũng khen. Ông học tập chăm chỉ, lao động siêng năng. Ông là “
phụ tá ” cho cán bộ trại khi đọc báo. Sáu năm học tập cải tạo đã biến ông thành
con người khác. Không còn “ bach diện thư sinh” đã thành người lao động
thực thụ, với đôi bàn tay trai xạn. Thật đúng lao động rèn luyện, cải tạo con
người. Điều quan trọng ông hiểu rõ và sáng ra nhiều điều. Nhìn cuộc đời với
những góc độ khác nhau. Chính nơi đây đã tạo cho ông có một nghề để nuôi thân
trong xã hội mới. Trước đây có nằm mơ cũng không nghĩ tới. Ông đã học được nghề
cắt tóc qua ông thợ lành nghề từ ngoài vào trại cắt tóc cho các sỹ quan chế độ
cũ bị học tập cải tạo. Ông cắt tóc cẩn thận mà đẹp, nhất là ngón cạo râu ngoáy
tai thì càng tuyệt. Được mọi người ( trong đó có cả cán bộ của trại ) khen
.
Mãn hạn cải tạo, ông về lại phố thị quê hương. Vợ ông đã cùng các con
vượt biển ra nước ngoài và đã có chồng khác. Con trai ông nay là bác sỹ
đã học xong có hai bằng Tiến sỹ Nội khoa và Tiến sỹ Toàn khoa. Đủ điều kiện mở
phòng mạch theo quy định của nước Mỹ. Thời gian ông đi học tập cải tạo. Mẫu
thân ông được gia đình cậu ruột và cô giáo người cùng xóm chăm sóc. Sau này cô
giáo trở thành vợ, cô nhỏ hơn ông mười mấy tuổi. Ông làm thêm hiên nhà để
mở tiệm cắt tóc, thu nhập cũng khá, có dư. Các con về nước thăm , đưa ra việc
bảo lãnh ông ra nước ngoài sau khi mẹ ông qua đời . Ông nói với con: “ Không
đâu bằng ở nhà mình, quê hương đất nước mình ,vả lại rồi sẽ thay đổi…”. Ông tin
“ nhân sinh hữu mệnh ”…Thông thường những lúc trà dư tửu hậu. Ông thợ hớt tóc
khơi mào dẫn mọi người vào những câu chuyện để rồi có nhiều ý kiến trái chiều.
Tất cả đều có lý .
Người thợ cắt tóc nói: “ Bất kỳ ai, từ anh chạy xe ôm, đến người chức cao vọng
trọng. Khi đã ngồi vào ghế, tôi bảo
nghiêng bên trái, nghiêng bên phải , ngồi im…đều phải nghe theo. Tôi vặn đầu bẻ
cổ cho lưu thông khí huyết … ” . Ông nhận xét: Khi ngồi hớt tóc mỗi
người đều thể hiện cá tính riêng. Người lao động thì ngồi né sang một phần ghế,
cứ như nhường ghế cho người nữa ngồi. Viên chức nhà nước đến cắt tóc. Phần đông
bao giờ cũng hỏi thăm về sức khỏe của tôi. Cuộc sống của bà con nơi
đây có gì mới không. Cũng có không ít người không khi nào nói hay nở nụ
cười trên môi. Các đại gia lắm tiền nhiều của, bụng to thì ngồi nặng nề,
dạng chân để nguyên giầy, như khối thịt. Khi cạo râu thường lim dim ngủ. Khi
ngoáy tai thì cong người lên, đôi lúc ho…Khi xong dù đã có bảng giá, vẫn cứ hỏi
“ bao nhiêu tiền ” ( chắc hy vọng là chủ tiệm sẽ giảm giá ). Tôi nói đúng bảng
giá và lấy đủ tiền. Khi nhận tiến dư trả lại thường là đếm, nhìn kỹ tiền rách
đòi đổi lại ngay. Không quên lấy luôn chiếc khăn lạnh đã lau mặt. Tiệm
của tôi đông khách. Có đôi chút tiếng tăm vì tôi đã từng dự thi tay nghề
ở Sài Gòn là một trong ba mươi tám “ Tay Kéo Vàng ” của miền Nam . Có một ông thày chùa.
Đúng hơn là thày cúng. Đầu cạo trọc, có vợ con, đi cúng kiếm tiền. Đó
cũng là một nghề đang thịnh hành hiện nay. Thường đến tiệm cạo mặt ngoáy tai. Ông
ấy nói: Nếu khi căng thẳng nên đi hớt tóc để giảm áp lực công việc, thư
giãn. Nhất là khi cạo râu, ngoáy tai người ta dẹp bỏ hết mọi ý niệm trong đầu,
chỉ tập trung cảm thụ khoái cảm. Có thể nói chẳng khác “ Thiền ”.
Từ khi không còn phải dành thời gian cắt tóc để mưu sinh. Ông tham gia công tác
của địa phương, làm “ cộng tác viên ” văn hóa thông tin. Chi hội trưởng Hội
khuyến học khu phố, ủy viên hội Chữ thập đỏ phường, chi hội phó hội Sinh vật
cảnh của phường. Trưởng ban Mặt trận khu vực…Việc nào ông cũng cần mẫn làm hết
mình. Được mọi người quý trọng.
Ông hàng xóm của tôi có thú
vui riêng là câu cá. Chiều hôm đó ông đi câu cá ở sông Hoài. Mấy đứa nhỏ đi học
thêm về xuống sông tắm. Nghe tiếng kêu cứu, ông lao xuống sông kéo được một đứa
lên bờ. Ông xuống cứu đứa thứ hai cố dùng sức đấy nó vào được bờ. Chân bị chuột
rút ( vọp bẻ ) ông chìm dần, chìm dần. Mấy cháu nhỏ hoảng hốt chạy vào xóm kêu
cứu. Khi mọi người đến vớt ông lên bờ cấp cứu thì đã quá muộn.
Rất đông người đến vĩnh biệt, đưa tiễn ông. Có cán bộ thành phố, cán bộ phường
và có cả phóng viên báo đài. Nhiều vòng hoa phúng viếng của các hội đoàn thể
nơi ông tham gia công tác. Ngoài những người ruột thịt, họ hàng gần, còn có hai
vành khăn tang quấn trên đầu hai cậu học trò đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối
cùng. Một cơn mưa giông ập đến. Khi di quan tạnh mưa. Bầu trời trong xanh,
những đám mây trắng bồng bềnh trôi về phía mặt trời lặn. Tôi lặng lẽ ngồi trên
xe tang. Nước mắt chảy vào tim. Nhìn những tờ giấy tiền âm phủ giải xuống đường
bay theo gió. Tôi thì thầm như nói với linh hồn người bạn hàng xóm: Phù vân !
Phù vân…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét