Vũ Đình Long là người đầu tiên đặt nền móng cho kịch hiện đại Việt Nam. Trong hoàn cảnh "cơm áo không đùa với khách thơ", ông đã táo bạo vượt lên nỗi ám ảnh đói nghèo để làm giàu bằng kinh doanh nghệ thuật.
Cha đẻ của cách viết kịch độc đáo
Tình yêu dành cho nhà viết kịch nổi tiếng Vũ Đình Long thôi thúc chúng tôi tìm về Mục Xá, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội quê hương ông. Trong chuyến đi lần này, chúng tôi mang theo hi vọng tìm hiểu được nhiều thông tin hơn nữa liên quan đến cuộc đời nghệ thuật sôi động của ông chủ nhà xuất bản Tân Dân nổi danh một thuở.
Chân dung hoạ sĩ Vũ Đình Long.
Đặt chân đến quê hương của tác giả vở kịch "Chén thuốc độc", hỏi về kịch gia Vũ Đình Long, nhiều người dân Mục Xá đã không ngần ngại kể những câu chuyện rất thú vị. Họ tự hào rằng, nhờ nhà soạn kịch Vũ Đình Long mà quê hương ông được đón nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ về thăm. Cũng nhờ ông, nhiều tác phẩm văn học của nhiều nhà văn Việt Nam được xuất bản ngay trên chính mảnh đất này. Họ còn kể cho chúng tôi nghe về gia tài đồ sộ trước đây của kịch gia nổi tiếng này cùng với sự đối đãi chân tình của ông với người dân. Như việc, nhà soạn kịch giúp người dân nghèo tiền mua trâu bò để chăn nuôi thoát nghèo... Những câu chuyện lôi cuốn của người dân đã khiến chúng tôi càng thêm tò mò muốn tìm hiểu về nhà soạn kịch độc đáo này.
Trước đây, chúng tôi chỉ biết ông là người tạo ra con đường ngắn nhất để đưa kịch hiện đại của phương Tây đến với công chúng Việt Nam. Bằng việc Việt hoá thành công nhiều vở kịch nổi tiếng của văn học Pháp như "Chén thuốc độc", "Toà án lương tâm", "Đàn bà mới", tạo cho ông có chỗ đứng vững chắc trên văn đàn Việt Nam. Nhưng sau chuyến đi, chúng tôi càng hiểu sâu sắc hơn về cách làm nghệ thuật nghiêm túc, độc đáo của kịch gia nổi tiếng này.
Theo một người dân nơi đây, để có những vở kịch chuyển thể sinh động, mang đậm hơi thở cuộc sống, triết lý thẩm mỹ và tâm hồn người Việt Nam, soạn giả Vũ Đình Long phải trải qua quá trình lao động nghệ thuật nghiêm khắc. Trước khi bắt tay vào sáng tác, cha đẻ của "Chén thuốc độc" phải khảo cứu hiện thực đời sống kỹ lưỡng. Thậm chí, ông còn chịu khó tìm tòi tiếp cận nhiều người, thuộc đủ thành phần trong xã hội để có một nguyên mẫu đời thực cho những nhân vật của mình.
Cũng trong lần đến quê hương Vũ Đình Long, chúng tôi may mắn được tiếp kiến ông giáo Đoàn Hoà, 83 tuổi, nguyên hiệu trưởng trường Cao đẳng sư phạm Hà Tây (cũ). Ở vào cái tuổi Thượng thọ nhưng ông giáo Hoà vẫn còn rất minh mẫn và thông tuệ, được dân làng Mục Xá tôn vinh là nhà Vũ Đình Long học. Ông giáo Hoà tự hào, ông không chỉ là một người nghiên cứu văn học chuyên nghiệp, thời trẻ còn được tiếp xúc và gần gũi với nhà soạn kịch Vũ Đình Long. Do đó, nguyên hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây có sự am hiểu sâu về sự nghiệp sáng tác cũng như cuộc đời của ông tổ nền kịch hiện đại Việt Nam.
Thầy giáo Hoà tâm sự, "Gia đình tôi với gia đình cụ Vũ Đình Long là người cùng thôn. Khi còn sống, cụ Vũ Đình Long thường hay qua lại chơi với bố tôi - cụ đồ Đoàn Văn Tịnh - thường gọi cụ Đồ Dần". Theo thầy giáo Hoà, nhà soạn kịch Vũ Đình Long là một người tốt bụng, sống đôn hậu và rất nghiêm khắc trong sáng tác. Thầy giáo Hoà cho biết, trước khi đặt bút viết, nhà soạn kịch Vũ Đình Long luôn phải khảo cứu nhân vật kỹ lưỡng. Để minh chứng cho lời nói của mình, thầy Hoà kể cho chúng tôi chuyện kịch gia này khảo cứu nhân vật ông Đồ Dần trong vở kịch "Gia Tài" từ bố của ông.
Theo ông giáo Hoà, "Gia Tài" là vở kịch được Vũ Đình Long viết vào những năm tháng cuối cuộc đời. Lúc đó, nhà soạn kịch Vũ Đình Long đã lên lão, sức khoẻ không còn được như xưa. Nhưng để có một ông Đồ Dần sinh động trong "Gia Tài", nhà soạn kịch này đã phải thường xuyên lui tới nhà cụ đồ Đoàn Văn Tịnh để chơi, trò chuyện nhằm lấy cảm hứng sáng tác.
Theo thầy giáo Hoà, "nhân vật cụ Đồ Dần trong "Gia Tài", chính là nguyên mẫu từ bố của ông, ông đồ Đoàn Văn Tịnh". Đây là nhân vật xuất hiện không nhiều nhưng có vai trò như một tiêu chuẩn đạo đức làm thước đo đánh giá những nhân vật xung quanh. Trong thời gian sáng tác vở kịch trên, ông giáo Hoà được chứng kiến cảnh soạn giả này liên tục lui tới nhà của ông nhiều hơn thường lệ nhằm xây dựng hình tượng một ông Đồ Dần đặc sắc trong tác phẩm của mình.
Lạ lùng kiểu kinh doanh nghệ thuật vị nghệ thuật
Trong khi đang nổi danh bằng tài năng sáng tác, nhà soạn kịch Vũ Đình Long bất ngờ rẽ sang làm công việc hoàn toàn mới. Nhà soạn kịch nổi tiếng này quyết định dấn thân vào con đường kinh doanh nghệ thuật. Đó cũng là khát vọng của cả thế hệ văn nghệ sĩ thời bấy giờ phải sống được bằng chính ngòi bút của mình. Ông mạnh mẽ thành lập ra nhà xuất bản Tân Dân, trực tiếp cạnh tranh với nhiều nhà xuất bản lớn của người Pháp lúc đó.
Đặt vào thời điểm những năm 20 của thế kỷ trước, ngã rẽ bất ngờ của ông được xem là một hành động mạo hiểm. Bởi ông xuất thân là một giáo viên dạy văn, lại có tuổi đời rất trẻ mà dám xông vào kinh doanh trong bối cảnh cực kỳ khó khăn. Trong khi, thị trường nghệ thuật thời điểm bấy giờ rất ảm đạm, đe doạ hàng ngày đến cuộc sống của nhiều tầng lớp nghệ sĩ. Nhưng kết quả thật bất ngờ. Chính cách làm táo bạo của Vũ Đình Long mang đến cho ông một sự thành công ngoài sức tưởng tượng. Nhà xuất bản Tân Dân trở thành cầu nối để các tác phẩm của những tên tuổi nhiều nhà văn Việt Nam như Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Nguyên Hồng, Lê Văn Trương, Tô Hoài...đến với công chúng.
Trong một lần PV được tiếp xúc, trò chuyện với cụ Mai Ngọc Hà, 83 tuổi, vợ của kịch gia Vũ Đình Long tại ngôi nhà 30 phố Hàng Bông, Hà Nội. Cụ Ngọc Hà kể cho chúng tôi nghe về những tháng ngày ông chủ Vũ Đình Long làm việc để duy trì phát triển nhà xuất bản Tân Dân. Theo cụ Mai Ngọc Hà, dù lịch sử có biến đổi và đẩy nhà xuất bản Tân Dân vào hoàn cảnh nào đi nữa thì ông chủ Vũ Đình Long vẫn chuyên tâm theo nghề xuất bản và in ấn. Cụ Ngọc Hà khẳng định, "việc kinh doanh nghệ thuật với chồng tôi đó là niềm đam mê, như một cái nghiệp của đời ông ấy".
Để đem những tác phẩm văn học đến với công chúng trong hoàn cảnh thực dân Pháp còn cai trị, sau này là Nhật, nhà xuất bản Tân Dân phải đối mặt với sự kiểm duyệt rất nghiêm ngặt. Thậm chí, thời điểm sau khi Nhật đảo chính Pháp, để duy trì đều đặn việc xuất bản và in ấn ông chủ nhà xuất bản Tân Dân đã di chuyển nhà in tại 93 Hàng Bông về quê Mục Xá. Bàn về điều này, nhiều người cho rằng, nếu vì kinh doanh kiếm lời chắc chắn một người từng trải trong thương trường nghệ thuật đầy khắc nghiệt như ông Vũ Đình Long sẽ không hành động như vậy.
Nhưng chính lòng đam mê kinh doanh nghệ thuật vị nghệ thuật, ông chủ nhà xuất bản Tân Dân đã mạnh mẽ đưa ra nhiều quyết định táo bạo nhằm duy trì việc in ấn. Thậm chí, sau này không còn là ông chủ của nhà xuất bản Tân Dân nữa nhưng niềm đam mê với nghề vẫn đeo đuổi ông đến tận những ngày tháng cuối đời. Chính thành công trong cách làm nghệ thuật táo bạo của ông đã có ảnh hưởng đến nhiều thế hệ nhà văn Việt Nam.
Vai trò của ông được cố nhà văn Băng Sơn từng khẳng định: "Để có một thời văn học nghệ thuật phát triển rực rỡ không thể không nhắc đến ông Vũ Đình Long. Nhiều nhà văn thành danh sau này nhờ con mắt tinh đời của ông Vũ phát hiện". Với những thành viên trong gia đình Vũ Đình Long, cái cách làm nghệ thuật đầy táo bạo của ông Vũ như đã ngấm sâu vào huyết quản từng thành viên trong gia đình...
( nguoiduatin.vn)
Trinh Phúc
Chú ơi, thật ra trong nghệ thuật chẳng có cái gì để khẳng định là đỉnh cả. Chỉ cần mình có khiếu, hết mình công hiến vì nghệ thuật, cống hiến vô tư là tốt rồi.
Trả lờiXóaTối ấm áp chú nhá.
Chú nhất trí với cháu . Tất cả chỉ là tương đối . Vì theo luật âm dương : Thăng rồi phải giáng . Mặt trời lên cao vào giờ ngọ tất phải sế bóng . Cảm ơn cháu , ngày cuối tuần an vui nhá .
Xóa