...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Ảnh Hưởng Văn Hóa Phương Đông Trong Nếp Sống Người Việt



1. Trước hết xin được bàn đến khái niệm "phương Đông" 

Thuật ngữ phương Đông cho đến nay vẫn là đề tài  gây tranh luận. Xuất phát từ quan niệm lúc đầu của người phương Tây, orient (phương Đông) hoàn toàn mang tính chất địa lý để chỉ toàn bộ khu vực châu á nằm ở phía đông của phương Tây. Người châu Âu lấy mình làm tâm điểm để phân biệt phương Đông thành Cận Đông, Trung Đông và Viễn Đông. Từ các góc độ khác nhau, thuần địa lý hay địa- văn hoá, địa- chính trị, địa- ngôn ngữ, khái niệm phương Đông đã được quan niệm khác nhau. Khi người châu Âu đi ra ngoài lục địa của mình thì khái niệm phương Đông của họ đã được mở rộng, bao gồm cả Đông Bắc Phi, châu Đại Dương và những vùng mà người châu Âu ít biết đến.


Đến nay trong giới khoa học giới hạn của phương Đông đến đâu vẫn chưa hoàn toàn thống nhất được ý kiến. Do vậy, mỗi khi  bàn đến phương Đông thông thường người ta hay đưa ra một khung không gian cụ thể để định vị đối tượng mà người ta muốn nói bởi vì phương Đông rộng lớn và bao hàm trong đó nhiều tiểu khu vực khác nhau.

Các nhà sử học của Việt Nam hầu như tương đối thống nhất với ý kiến cho rằng phạm vi không gian phương Đông có tầm ảnh hưởng lớn đến Việt Nam là hai vùng Đông Bắc á (mà nhiều người còn gọi là Đông á) và Đông Nam á. Chính vì vậy, khi nói về ảnh hưởng của văn hoá phương Đông đến Việt Nam thông thường người ta hay bàn đến ảnh hưởng văn hoá của vùng  nói trên.

Tiến sỹ Sử học Vũ Minh Giang trong các công trình nghiên cứu của mình đã đưa ra một số nét khái quát đặc trưng về văn hoá của hai vùng Đông á và Đông Nam á mà chúng ta có thể cùng chia sẻ. Theo ông, Đông á là một thế giới bao gồm nhiều nền văn hoá cùng chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn minh Trung Hoa. Khu vực này lại được chia ra thành các vùng khác nhau, gồm:

Lưu vực sông Hoàng Hà (trung tâm của văn minh Trung Hoa) với đặc trưng văn hoá cụ thể như: Về sản xuất là kinh tế nông nghiệp khô kết hợp với du mục và thương nghiệp nội địa, sản xuất luôn cần đến thuỷ lợi (kênh đào). Về ăn, mặc thường là ăn bánh bao, cháo kê, thịt dê, cừu; mặc đồ lụa, gai; ở nhà hầm đào sâu dưới đất. Về quy phạm đạo đức và đời sống tâm linh vùng này trọng lễ nghĩa, tuổi tác, chức tước, học thức, sùng bái đạo Thần tiên, tin vào định mệnh. Nho giáo là chuẩn mực chi phối đời sống tâm linh, đồng thời Phật giáo Thiền và Đạo giáo có ảnh hưởng sâu rộng.

Lưu vực sông Trường Giang: Trong sản xuất có đặc trưng văn hoá trồng lúa nước. Trong đời sống lấy thuỷ sản làm chất đạm chính, mặc đồ nhẹ, ở nhà tre, nứa; giao thông đường thuỷ phát triển hơn đường bộ. Về quy phạm đạo đức và đời sống tâm linh trọng thờ cúng tổ tiên, sùng bái tự nhiên, trọng quan hệ cộng đồng, ưa sự giản dị; Đạo giáo ở đây có ảnh hưởng lớn.

Quần đảo Nhật Bản: Đặc trưng văn hoá trong sản xuất là canh tác lúa nước. Trong sinh hoạt ăn cơm với thức ăn chính là hải sản, mặc đồ ấm, ở nhà sàn và thuyền là phương tiện đi lại quan trọng. Về quy phạm đạo đức và đời sống tâm linh, người Nhật Bản đề cao tính cần cù, nhẫn nại, trọng sức mạnh cộng đồng. Do cuộc sống luôn bất trắc nên có tính cứng rắn, tôn trọng kỷ luật, tiết kiệm, biết lo xa và tính toán tỉ mỉ; Coi trọng bổn phận, nghĩa vụ, trọng kinh nghiệm, tuổi tác; Đề cao vai trò của thủ lĩnh, trọng chữ tín; Đề cao Thần Đạo- một tôn giáo của  riêng Nhật Bản có sự hoà trộn nhiều yếu tố Nho, Phật trên nền tín ngưỡng Nữ Thần Mặt Trời.

Còn khu vực Đông Nam á có hai vùng là lục địa và hải đảo. Cả khu vực này đều chịu tác động của hai nền văn minh lớn là ấn Độ và Trung Hoa và có các đặc trưng văn hoá như sau: Sản xuất trồng lúa nước và đánh cá; ăn cơm với rau, thực phẩm chủ yếu là thuỷ sản với nhiều hương liệu; Thích ăn đồ tươi sống, mặc thoáng mát, ở nhà sàn, đi lại bằng thuyền. Về quy phạm đạo đức trọng tình hơn trọng lý, trọng quan hệ cộng đồng, gia đình, trọng kinh nghiệm và tuổi tác. Mẫu quyền có ảnh hưởng mạnh và dai dẳng, quan hệ làng xã đậm nét. Trong đời sống tâm linh con người ở đây sùng bái tự nhiên, coi trọng thờ cúng tổ tiên, chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo, Khổng giáo, ấn giáo và Hồi giáo.

Nét nổi bật trong cách ứng xử ở cả hai khu vực Đông á và Đông Nam á là sự mềm dẻo và đây được coi là chuẩn mực trong quan hệ xã hội
2. Về khái niệm “nếp sống” có lẽ cũng nên làm cho rõ.

 Người ta hay nói đến lối sống, lẽ sống và nếp sống và đôi khi ai đó cũng có sự lẫn lộn giữa ba khái niệm này. Tuy nhiên, trên thực tế giữa các khái nhiệm có sự khác nhau. Lối sống là toàn bộ hoạt động của con người, lẽ sống là mặt ý thức của lối sống còn  nếp sống là mặt ổn định của lối sống. Nếp sống bao gồm những cách thức, những quy ước đã trở thành thói quen trong sản xuất, trong sinh hoạt, trong tổ chức đời sống xã hội. Nếp sống làm cho đời sống được ổn định, còn lẽ sống dẫn dắt lối sống ấy.

3. Bây giờ bàn đến “ảnh hưởng của  văn hoá phương Đông” trong nếp sống người Việt

Có thể chia sẻ với quan điểm của cố Giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng khi ông cho rằng “Việt Nam vừa thuộc context Đông Nam á, vừa thuộc context Đông á”. Đất nước ta nằm đúng trong khu vực này cả về mặt địa lý lẫn về mặt không gian văn hoá cho nên ảnh hưởng văn hoá của Đông á và Đông Nam á đến Việt Nam là rất lớn, được thẩm thấu và thấm đậm trong nếp sống của người Việt chúng ta, tức trong các cách thức và quy ước đã hoàn toàn quen thuộc đối với người Việt Nam, từ sản xuất, sinh hoạt đến tổ chức đời sống xã hội. Là cư dân của vùng văn minh lúa nước nên môi trường nước đã tác động mạnh và hình thành các dạng thức văn hoá sông nước trong cư dân Việt Nam, tạo nên tính cách can đảm, linh hoạt, mềm dẻo, dễ thích ứng và dễ xử lý tình huống. Tính cộng đồng cố kết (điển hình là làng Việt Nam) được nhấn mạnh trong quá trình lao động sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước từ bao đời nay. Trọng kinh nghiệm, tuổi tác là nét đặc trưng của văn minh lúa nước và  văn hoá phương Đông cũng được phản chiếu trong các giá trị đạo đức truyền thống của con người ViệtNam.

Chịu ảnh hưởng mô hình Nho giáo của Trung Hoa, hình thức tổ chức nhà nước trung ương tập quyền gần như là xu hướng chủ đạo trong lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có thể nhận thấy rằng sự cố kết của cộng đồng và sự đề cao chính quyền trung ương tập quyền như vậy cũng làm cho tính chất tư hữu, cá thể, cá nhân kém phát triển hơn so với các khu vực khác.

Bên cạnh đó, cũng do ảnh hưởng của Nho giáo nên quy phạm đạo đức chuẩn mực được cho là sự tôn trọng khuôn phép, tôn ti trật tự, lễ độ, đề cao thi cử. Nhìn chung, Nho giáo ảnh hưởng mạnh và chi phối cách tổ chức nhà nước, tổ chức xã hội, giáo dục thi cử ở Việt Nam cho nên cũng ảnh hưởng và chi phối cả chính trị, học thuật, tác động đến luân lý, đạo đức xã hội. Chẳng hạn, chế độ gia tộc ở Việt Nam mang đậm nét của Nho giáo Trung Hoa. Gia đình Việt Nam, nhất là ở miền Bắc, có truyền thống duy trì gia đình bằng sự kế thừa dòng họ thông qua người con trai trưởng. Con trai trưởng được kế thừa gia phả, quyền kế tự và thờ cúng. Trước đây, quyền được kế tự, được thờ cúng tổ tiên được coi trọng hơn cả tài sản bởi ý nghĩa thiêng liêng của nó là sợi dây kết nối giữa tổ tiên và con cháu. Có thể nói, thờ cúng tổ tiên vừa là tín ngưỡng, đạo lý vừa là điểm tựa tinh thần, đáp ứng nhu cầu tâm lý của người Việt Nam.

Nếp sống của người Việt còn chịu ảnh hưởng của Phật giáo và Đạo giáo. Phật giáo ở một mức độ nhất định cũng đã tạo nên không gian cho nghệ thuật ở ViệtNam. Những ngôi chùa cùng với nghệ thuật điêu khắc, nghệ thuật hội hoạ được thể hiện tại đó khiến cho chùa chiền trở thành nơi vãn cảnh của du khách. Nhiều người Việt đi lễ chùa không phải vì họ là phật tử mà đơn giản vì người ta tìm thấy ở đó một sự thanh thản, một sự vỗ về và yên ủi, một sự động viên tinh thần. ảnh hưởng của Phật giáo còn in dấu trong nhiều lễ hội nông nghiệp như lễ xuống đồng, hội mùa, hội đua thuyền...

Chịu ảnh hưởng của Đạo giáo cho đến nay vẫn có rất nhiều người Việt Nam chú trọng đến lễ bái, cầu xin tại các phủ, các đền..., chú trọng đến xem hướng khi xây cất nhà cửa, xem ngày khi muốn thực hiện một công việc quan trọng như hiếu, hỷ, đi xa, thay đổi chỗ ở...
Có thể nói Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo và đa tín ngưỡng. Người ViệtNam thờ nhiều thần, ở một người cùng một lúc có thể chấp nhận niềm tin và sự sùng kính vào nhiều vị thần. Người ta có thể đến Văn Miếu thắp hương cho Khổng Tử, rồi đến chùa cầu khấn Bồ Tát, Phật tổ Như Lai, về làng thắp hương thờ Thành Hoàng, đến Phủ cầu xin lộc Thánh rồi về nhà thờ cúng ông bà tổ tiên. Những nét văn hoá phương Đông và nét văn hoá Việt nhiều khi hoà trộn với nhau để rồi tạo thành một bản sắc đặc trưng của Việt Nam như vậy đấy.

Trong nếp sinh hoạt hàng ngày người Việt thích ăn cơm, ăn rau, thích đồ ăn tươi sống và đồ ăn có nhiều hương liệu; thích mặc đồ nhẹ, thoáng mát; thích ở theo kiểu quần tụ nhiều thế hệ. Trong quy phạm đạo đức người Việt trọng tình hơn trọng lý, coi trọng gia đình và quan hệ cộng đồng, trọng kinh nghiệm và tuổi tác.

Tuy nhiên, trong thời đại toàn cầu hoá hiện nay nếp sống của người Việt cũng đang có nhiều thay đổi. Văn hoá của Việt Nam cũng đang chịu những xung kính của làn sóng toàn cầu hoá, của sự xâm nhập văn hoá từ bên ngoài. Chúng ta không thể bảo thủ giữ hết tất cả mọi thứ, song thiết nghĩ những nét hay nét đẹp trong văn hoá Việt Nam nói chung và trong nếp sống của người Việt nói riêng cần phải được duy trì và gìn giữ bởi văn hoá của mỗi dân tộc luôn là nền tảng quan trọng để duy trì sự ổn định của xã hội và nó góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của đất nước.
                                       ( nguồn : cuộc sống Việt  )      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét