...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2011

Đường Xa Vạn Dặm

 truyện ngắn của Lê Hoài Lương

Đôi giày chỉ là đôi giày khi nó được sử dụng, được mang vào chân đi trên đường hay đứng một chỗ chụp hình cũng được. Nó kia, trong tủ kính, bên cạnh bộ lễ phục. Nó được sử dụng hai lần. Lần ông được cấp phát cùng bộ lễ phục hôm chính thức nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Và lần đi trên đường cái quan thời bình trong đội hình danh dự Rước đuốc truyền thống cùng những lãnh đạo cấp tỉnh, những chiến sĩ thi đua, những điển hình tiên tiến các cơ quan ban ngành, tóm lại là những gương mặt sáng trưng của xã hội, những gương mặt thường nghiêm trang quan trọng khi xuất hiện trước bàn dân thiên hạ. Lần đầu để chụp hình thì không sao. Lần hai ông suýt bị cưa chân. Cái chân làm nên kỳ tích trong chiến tranh đưa ông có mặt vào danh sách anh hùng của đất nước anh hùng một thời hào hùng.


Tất nhiên ông cũng đã chiến đấu dũng cảm, đã từng có vài huy chương, cũng bắn hạ một vài kẻ địch và suýt nữa thì bắn rơi chiếc trực thăng. Nó chỉ bị thương, niêng niểng bay về và dừng cuộc truy sát tổ ba người bị lộ của ông.
Nhưng hãy nói về cái chân anh hùng.
Đó là trận công đồn Phụ Sơn, cái đồn án ngữ bên lộ 3, đồn chỉ có một đại đội bảo an nhưng vì tính chất quan trọng của nó nên được bố phòng rất kỹ. Lô cốt, hầm hào, địa đạo… rồi hệ thống hỏa lực. Ai cũng biết nguyên lý đơn giản của đánh công kiên là phải chuẩn bị binh ba hỏa bảy. Rồi điều nghiên hệ thống phòng thủ, con người… Nhưng bại te tua vì khác, chuyện khác, lẽ khác.
Là có thứ cổ điển thành hiện đại, với riêng trường hợp ông. Trận đánh để lại vài chục đồng chí về với đất khi không chiến thắng chẳng là cái đinh gì trong mấy triệu máu xương, nhưng hiện đại ở chỗ, trong cái bại thường thường này đã có một anh hùng. Là ông. Lê Danh. Tên gốc là Lê Văn Danh. Sau này do sơ xuất ở các Sở Lao động thương binh xã hội, chuyện các hài cốt liệt sĩ quy tập về nghĩa trang liệt sĩ cứ ghi chữ vô danh nếu không có tên mới thành chuyện.
Lại nói chuyện bàn chân. Trận công đồn Phụ Sơn. Có một chút sai lầm sau bao quyết tâm hừng hực: không phải các hệ thống phòng thủ trong hàng rào mà tai họa, chuyện đang kể là từ ngoài hàng rào. Không ai ngờ, cả những trinh sát (họ không gặp thì ngờ cái nỗi gì), rằng, có một thứ vũ khí cổ điển, rất cổ điển đã lặng lẽ bảo vệ đồn Phụ Sơn: những bàn chông, chắc chính xác hơn là những mũi chông ba khía bằng sắt. Tất cả dường như đã có liệu định, đã có những thông tin, quanh đồn chỉ bổ sung phòng thủ bằng hàng trăm hàng ngàn những mũi chông sắt này. Chuyện trận đánh thất bại không phải vì chông, mà vì tinh thần không hơn tính toán, chuyện tôi kể chỉ riêng tôi, cái chân và các mũi chông. Tôi xuông đòn vì chông chứ không phải vì đạn nên còn sống đây và kể chuyện anh hùng đây. Chuyện này được kể ở nhiều trường học sinh nghe thích lắm về những vĩ đại truyền thống của cha ông.
Cái chông kinh dị này xuyên qua dép lốp, xuyên qua bàn chân tôi, đau thấu trời. Ráng ngồi xuống rút nó ra nhưng không được, mũi chông có ngạnh ngược. Chưa biết sao thì nghe có tín hiệu rút lui, không thể dọn cái Phụ Sơn này dù mình có đến một tiểu đoàn. Đã có những sai lệch so với các thông tin với hy vọng và sẽ tổn thất nhiều hơn nếu cứ hăng liều không tính toán. Vậy là rút lui. Tôi chẳng lẽ ở lại để rơi vào tay địch. Thì cứ cà nhắc chạy về hướng đơn vị đóng quân. Có mấy cây số mà phải nửa ngày tôi mới về gần tới. Thấy cây sộp quen thuộc là ngã ạch. Không biết ai phát hiện ra tôi miên man kiệt chết không biết ai đã cưa cây sắt mũi chông để rút nó ra khỏi chân tôi nhưng vật này được trang trọng có mặt ở bảo tàng tổng hợp tỉnh với chú giải rằng anh hùng Lê Danh đã mang nguyên nó chạy gần chục cây số! Nhiều người sau này cứ hỏi mãi rằng vì sao có thể chịu đựng được cái đau ghê gớm vậy, tôi nói không thấy đau, vì lúc đó không chầm chậm chạy sẽ chết nhanh, chết rất nhanh trong cuộc truy kích của lính đồn. Tôi cũng định thành thật kể chuyện vậy trong cuộc “báo công” ở hội nghị quân khu tổ chức nhưng các anh kiên quyết không cho. Còn ra mặt mũi gì người chiến sĩ giải phóng anh hùng chỉ vì sợ chết mà thoát chết? Vậy là nói theo các anh, vậy là không nói lúc đó nếu không chầm chậm chạy ra khỏi vùng truy kích của địch thì chắc sẽ nhận cái chết nhanh. Vậy là cuộc “báo công” anh hùng thành công tốt đẹp. Tuy bây giờ vết sẹo ở mu bàn chân phải của tôi còn nguyên đây nhưng nó thực sự thành quá khứ, nhiều lúc tôi cũng quên không biết vì sao trên mu bàn chân mình có vết sẹo to vậy? Có điều lạ, tôi đau không nhiều như thiên hạ nghĩ. Và cũng vì không ai dám làm cuộc thử nghiệm kiểu này để mô tả nên đoạn văn này tôi yêu cầu ông bạn nhỏ của tôi ghi ngôi thứ nhất.
Ông cười cười nói về chiến tích của mình. Không hẳn kiểu nói giỡn làm sang. Ông cười cười mà mặt buồn xo. Anh hùng gì hở trời, mấy triệu người tiêu tan mấy vạn nhà cửa làng mạc còn sống được là may, may lắm rồi còn gì.
Chuyện cái chân suýt bị cưa thế này. Do suốt đời đi chân không nông dân chuyện giày không quen. Trong đoàn người danh dự hôm đó, bộ lễ phục hơi bó buộc nhưng ráng được. Còn giày thì kinh hoàng. Bắt đầu đau, rát. Cứ tới thị trấn dừng lại làm mấy thủ tục nghi lễ là ông lẻn ra sau xin mấy cục đá lạnh chườm chân để vơi cái đau rát. Lại tiếp tục hành trình vạn dặm. Lại chườm bằng đá lạnh. Cứ thế đến muôn đời. Rồi kết thúc khi bàn giao đuốc cho tỉnh bạn. Về bằng ô tô, ông cởi giày vứt trên xe mọi người điếng hồn ngó đôi chân đã dị dạng của ông. Nó to gần gấp hai bình thường và đủ màu, trắng tím xanh đỏ đen gì cũng có cả.
À quên, kể thêm điều này, chuyện rước đuốc cũng đem lại nhiều lợi ích. Trước tiên là mấy người thợ gò hàn, bát ngát sản phẩm đuốc được đặt hàng. Đây là lợi ích vật chất cho hàng trăm lao động các tỉnh. Còn lợi ích tinh thần thì lớn hơn nhiều vì bài học truyền thống, tự hào dân tộc rất trực quan sinh động.
Trở lại chuyện đôi chân ông Lê Danh anh hùng. Mọi người thì thấy nó kinh dị nhưng ông không thấy vì cố gắng cuối cùng của ông là cởi được nó, đôi giày, ra khỏi chân mình. Ông tỉnh lại ở bệnh viện ngơ ngác. Đôi chân băng kín. Cô điều dưỡng mừng ra mặt nói bác ơi nhờ sự tận tình chăm sóc của các y bác sĩ lương y như từ mẫu nên chân bác không bị cưa đó. Ông ngơ ngác như nghe chuyện cưa chân mà bọn cảnh sát cưa chị Ngộ, cưa nhiều lần nhiều khúc để tra hỏi mà không có thuốc mê. Cưa bằng lưỡi cưa lá cưa gỗ của Mỹ sau này thợ hồ rất thích vì nhờ thợ rèn làm bay xây bay tô rất êm rất lâu mòn. Mà vẫn không khai các đồng chí của mình đang ở đâu. Tới giờ chị này cũng chưa được phong anh hùng. Nhưng ông phục chị hơn chuyện cái chông ở chân mình. Người đàn bà nhiều lần bị cưa chân cưa nhiều khúc không có thuốc mê này chịu đựng sự đau đớn hơn ông nhiều lần. Ông nói vui rằng chuyện anh hùng cũng có tính hên xui, cũng được xây dựng, nói cái giọng thời internet là cũng được lập trình.
Đường thì mỗi người có cách đi riêng, đi theo thói quen, đi theo đường mòn cùng số đông, hay đi như mớ ngủ, đi cái đường không chọn mà vì tình thế, vì ham vui thì cũng là đi. Cũng như con đường vinh quang của ông, con đường người khác dựng lên cho ông nếu không nói nó đẹp và sang quý thì nói gì hở trời hở người?
Rồi cũng ra viện sau bốn tháng điều trị và điều quan trọng là đôi chân của ông vẫn còn nguyên, trồi sụt chút đỉnh, đi cà nhắc chút đỉnh. Chân ông đã trở lại bình thường chứ không còn dị dạng như cuộc hành quân thiên lý và lạ lùng là hình như đôi giày sau cuộc đó đã nhỉnh hơn về cỡ kích. Chắc là tại người ta làm dối.
Trại viết VNQĐ, Bến Tre ngày 10 tháng 7 năm 2010
nguồn :hội nhà văn VN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét