...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

Nhà Lý dời Đô bằng bằng đường nào ?

Ngày Tân Hợi tháng 10 năm Kỉ Dậu vua Lê Ngọa Triều qua đời trong tẩm điện ở kinh đô Hoa Lư.
Ngày Quý Sửu quần thần tôn Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế.

Tháng 2 năm sau (Canh Tuất) nhà vua về thăm châu Cổ Pháp. Chuyến đi này nhà vua còn có chủ ý tìm đất đặt đô. Vùng đất phía Bắc Sông Hồng thời ấy đã từng có các cố đô Cổ Loa, Luy Lâu, Long Biên. Thành Cổ Loa vẫn còn dấu vết. Thành Luy Lâu mới bỏ từ cuối thời Đường nên còn vững dễ khôi phục. Nhưng nhà vua đã chọn thành Đại La do Cao Vương khởi xây thời Đường để dễ bề phòng thủ khi nước lớn phương Bắc sang xâm chiếm.


Trở về kinh đô Hoa Lư nhà vua nghị bàn việc dời đô. Trong Chiếu dời đô nêu rõ việc dời đô là chuyện thường đã xảy ra trong lịch sử nhằm làm kế cho con cháu muôn đời, lí do chọn đô mới là thành Đại La, toàn văn như sau:

Xưa nhà Thương đến vua Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến vua Thành Vương cũng ba lần dời đô. Phải đâu các vua thời Tam đại theo ý riêng mình mà tự tiện chuyển dời? Chỉ vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu, trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi. Cho nên vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời, không noi theo dấu cũ của Thương, Chu, cứ đóng yên đô thành ở nơi đây, khiến cho triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi. Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không dời đổi.

Huống gì thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương, ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất trời, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.

Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào?

Chí lớn của vua Lý Thái Tổ đã được triều thần đồng lòng hưởng ứng: Bệ hạ vì thiên hạ mà lập kế dài lâu để trên cho cơ nghiệp to lớn được thịnh vượng, dưới cho nhân dân được giàu có nhiều người, việc lợi như thế ai không dám theo.

Tháng 7 năm Canh Tuất nhà Lý bắt đầu dời đô từ Hoa Lư về Đại La. Nghĩa là từ việc tìm đất, nghị bàn đến việc chuẩn bị để dời đô diễn ra tương đối khẩn trương. Việc chọn phương thức di chuyển cũng đã được tính đến. Từ Hoa Lư về thành Đại La có thể đi theo đường bộ hoặc theo đường thuỷ. Sử cũ không ghi chép chi tiết nhà Lý dời đô bằng đường nào. Các nhà nghiên cứu đã kết luận: Nhà Lý dời đô bằng đường thuỷ. Và chỉ có dời đô bằng đường thuỷ thì mới an toàn và tải được cả bộ máy triều đình đông đảo cùng vật chất bảo đảm đồ sộ đi kèm.

Từ thời vua Lê Đại Hành đã phát triển đội thuyền. Khi tiếp sứ thần nhà Tống nhà vua đã sai bày thuỷ quân và chiến cụ để khoe sự mạnh giàu. Năm Thái Bình thứ 7 (976) đã có việc buôn bán với nước ngoài bằng thuyền. Như vậy nhà Lý dời đô cũng cần đưa đội thuyền đi theo. Đoàn thuyền xuất phát từ bến Ghềnh Tháp (Hoa Lư), cách kinh đô cũ không xa, nơi có đền vua Đinh vua Lê. Đây là hồ nước lớn, núi Ghềnh Tháp bao bọc kín đáo, dùng làm nơi luyện thuỷ quân rất tốt. Rồi thuyền vào sông Sào Khê, qua cầu Đông, cầu Dền ở Hoa Lư để ra bến đò Trường Yên vào sông Hoàng Long. Đi tiếp đến Gián Khẩu thì rẽ vào sông Đáy. Từ sông Đáy lại rẽ vào sông Châu. Đến Phủ Lý đoàn thuyền ngược sông Hồng, rồi vào sông Tô Lịch trước cửa thành Đại La. Khi vua Lý Thái Tổ vừa bước lên bờ thì trời rạng ánh rồng vàng nên Người đã thốt lên: Thăng Long! Thăng Long! Rồng vàng bay lên báo hiệu điềm lành cho đất nước sang trang sử mới.

Sở dĩ nhà Lý đi bằng đường sông chứ không đi bằng đường biển cũng là bảo đảm an toàn vì thuyền phải tải nặng không chịu nổi sóng dữ ở biển. Đến thời Trần, vua Trần Dụ Tông đã phải hi sinh nữ phi cho thần biển để cầu sóng yên khi đi đánh Chiêm Thành. Đi bằng đường sông đức vua còn có dịp ngắm nhìn giang sơn gấm vóc thanh bình của mình. Và chính vì đi bằng đường thuỷ mà thành Đại La đã được đổi tên là Thăng Long. Đến nay Thăng Long - Hà Nội đã sắp tròn nghìn năm tuổi mà vẫn đang càng ngày càng phát triển nhanh chóng xứng với tầm vóc trung tâm đất nước và thành phố vì hoà bình của nhân loại. Những nhận định làm cơ sở để dời đô của vua Lý Thái Tổ vẫn ngày càng khẳng định tính đúng đắn trong chiến lược dời đô của Người là lập kế lâu dài cho con cháu, cho thiên hạ.

Vương Tâm Chiến

Nguồn : báo bắc ninh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét