...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Gây Tranh Cãi Nảy Lửa Vì Bài Trả Lời Phỏng Vấn




 Dù Mộng Cầm từng trả lời phỏng vấn phủ nhận mối tình này nhưng nhiều người vẫn cho rằng đó chỉ là cách nói dối của một người con gái muốn quên quá khứ.
Vì là một mối tình đẹp và nổi tiếng với giai thoại thơ nhạc, nên được báo chí quan tâm khai thác. Vào thời điểm bà Mộng Cầm đã lập gia đình với người khác, gia đình hạnh phúc đề huề, dù người chồng có cao thượng đến mấy thì người vợ cũng phải ý tứ tế, nhị với chuyện tình cũ. Qua hai cuộc phỏng vấn đăng trên báo, đã có một cuộc tranh luận, rằng tình kia là có thật, dù chính người trong trong chuyện tình kia nói không. Xin trích dư luận trái chiều về cuộc tranh luận này.
Ảnh nữ sĩ Mộng Cầm chụp năm 1990

Hơn hai mươi năm sau ngày Hàn Mặc Tử mất, vào năm 1961, nhà thơ Nguyễn Vỹ, chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Phổ Thông đã cử ông Châu Mộng Kỳ tìm gặp Mộng Cầm để thực hiện bài phỏng vấn về mối tình Hàn Mặc Tử - Mộng Cầm. Nhờ mối quan hệ đặc biệt, ông Châu Mộng Kỳ là thầy dạy con riêng của chồng Mộng Cầm, nên bài phỏng vấn mới thực hiện được. Trước đó nhiều nhà báo đã bị từ chối.
Trong bài trả lời phỏng vấn đăng ở tạp chí Phổ Thông số 63, ra ngày 15/8/1961, Mộng Cầm đã phủ nhận hoàn toàn chuyện tình cảm giữa mình và Hàn Mặc Tử: "Một dịp thứ bảy đi chơi lầu Ông Hoàng, anh thổ lộ mối tình với tôi. Tôi có trả lời anh: Chắc là không thể đi đến chỗ trăm năm được, tôi nói trước để anh đừng hy vọng. Anh hỏi lý do. Tôi viện lẽ tôn giáo khác nhau, nhưng thật ra vì biết Hàn Mặc Tử mang chứng bệnh hiểm nghèo, không thể sống lâu được, ý tôi muốn một người chồng mạnh khỏe, tráng kiện... Tuy vậy chúng tôi vẫn giao thiệp thân mật một hai năm như thế.
Trong thời gian này, có nhiều lần, Hàn Mặc Tử năn nỉ tôi dẫn về Quảng Ngãi thăm nhà và trong nhiều bức thư, anh đề cập đến vấn đề hôn nhân. Tôi vẫn trả lời, nhưng luôn luôn ngụy biện để từ chối: Em thiết nghĩ chúng ta sống như thế này thanh cao hơn, tôn giáo bất đồng, chữ hiếu bắt buộc em phải nghe lời thân mẫu".
Bài phỏng vấn này đăng lên, Nguyễn Vỹ cho biết Mộng Cầm đã đọc và không có điều chi thắc mắc và ông kết luận "đã giải đáp dứt khoát một nghi vấn thường bị nhiều người xuyên tạc". Tuy nhiên với độc giả, bài trả lời phỏng vấn của Mộng Cầm đã gây sốc. Bởi mối tình Mộng Cầm - Hàn Mặc Tử đã được người đời nâng lên thành huyền thoại. Ngay cả Ngọc Sương, dì ruột của Mộng Cầm, cũng phản đối. Rồi đến thi sĩ Quách Tấn, bạn thân của Hàn mặc Tử - một thành viên trong "Bàn thành tứ trụ" gồm Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Yến Lan và Chế Lan Viên - người đã ủng hộ việc Mộng Cầm đi lấy chồng khi hay tin Hàn Mặc Tử bị bệnh nan y, cũng giận dữ trước lời phát biểu này.
Quách Tấn viết: "Cuộc tình duyên giữa Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm, tôi biết rõ lắm. Nhưng tôi chỉ nói những gì có thể nói được, nói những gì có thể giúp bạn đọc hiểu thêm tâm hồn Tử, văn chương Tử mà thôi". Mộng Cầm đã nói thật hay nói dối? Vì sao nàng lại phủ nhận mối tình này? Thật ra, trong thời gian quen biết với Mộng Cầm, căn bệnh phong của chàng chưa bột phát. Ngay cả chàng cũng không hề "cảm thấy", làm sao Mộng Cầm có thể "nhận ra". Rất dễ thấy rằng đó là những lời nói dối của một người con gái muốn quên quá khứ để bảo vệ hạnh phúc hiện tại. Một lý do rất thường tình và đáng thông cảm.
Mối tình Hàn Mặc Tử - Mộng Cầm đã được rất nhiều người gần gũi xác nhận. Trần Thanh Mại, một người bạn của chàng, đã công bố những chi tiết của mối tình này trong cuốn sách Hàn Mặc Tử xuất bản năm 1942. "Ấy là câu chuyện một đôi trai tài gái sắc yêu nhau, câu chuyện muôn đời ấy mà! Người con trai là Hàn Mặc Tử, người con gái, ta cứ theo nhà thi sĩ mà gọi là Mộng Cầm đi, mặc cái tên thực của họ. Hai bên đã thề nguyền những lời mà ta hiểu là thiết tha đằm thắm lắm. Thường thường thì họ hay gặp nhau ở hai thành phố: Quy Nhơn và Phan Thiết. Họ đưa nhau đi chơi bờ bể, họ đi viếng các danh lam thắng cảnh, nhất là lầu Ông Hoàng. Rồi họ xa nhau. Họ nhớ nhau, và tặng ảnh cho nhau. Họ coi như một cặp vợ chồng chưa cưới".
Hàn Mặc Tử đã sáng tác nhiều bài thơ đầy nước mắt về mối tình này. Trong bài "Muôn năm sầu thảm", chàng đã kêu tên nàng một cách thảm thiết: "Nghệ hỡi Nghệ, muôn năm sầu thảm/ Nhớ thương còn một nắm xương thô…i" Bài "Phan Thiết Phan Thiết", chàng nhắc tới những kỷ niệm xưa về lầu Ông Hoàng, nơi chàng và Mộng Cầm từng dạo chơi thuở nào: "…Ta lang thang tìm tới chốn lầu Trăng/Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang/Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết/Ôi trời ôi! là Phan Thiết! Phan Thiết!/Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi…"
Nhận hay phủ thì tất cả cũng đã qua đi, chỉ còn lại những dư âm về mối tình thơ một thời…                 
Lê Văn Sâm
( nguoiduatin.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét