...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011

Đêm Ấy Ở Côn Sơn : Cảm Nghĩ Của Tôi

tạp văn của Lưu Xuân Thanh

Nét rất riêng của nhà thơ Văn Trọng Hùng là thường : nói với vong linh tiền nhân …Những hồn Ma .Không phải ma thường mà " Vua ma ,đại trí, đại dũng ma" Trong loại bài này: “ Đêm ấy ở Côn Sơn ”. Khiến tôi xúc động! Rất buồn!….Bình thơ là việc của nhà văn, nhà thơ ,nhà giáo. Tôi chỉ là gã nông phu nhà quê,thích Dịch, Thư. Song không thể không ghi lại cảm nghĩ của tôi về kiếp số nhân sinh của các nhân vật trong bài thơ…


Nguyễn Thị Lộ là nạn nhân. Bà cũng là căn nguyên dẫn đến cuộc hành quyết đẫm máu “ tru di tam tộc Nguyễn Trãi” vào ngày 16 tháng 8 năm 1442. Chỉ sau 12 ngày vua Lê Thái Tông chết bất đắc kỳ tử tại vườn Vải (Lệ chi viên), nay thuộc xã Đại Lai, huyện Gia Bình, Bắc Ninh. Theo sử cũ, cuối tháng 7 vua Lê Thái Tông đi tuần phía Đông kinh thành. Thời gian này Thị Lộ về thăm Nguyễn Trãi. Ông được vua Lê Thái Tông giao cho cai quản xứ Đông .Nguyễn Trãi nghênh tiếp Vua tại chùa Côn Sơn, nơi ông ở . Thái Tông  gặp Thị Lộ. Vua đã cùng bà hồi cung. Ngày 4 tháng 8 năm 1442 tới Lệ chi viên vua nghỉ lại. Cả đêm vua thức cùng Nguyễn thị Lộ rồi đột tử. Triều đình buộc tội Thi Lộ mưu sát vua…
LỆ CHI VIÊN là một vụ án thảm khốc nhất trong lịch sử VN thời phong kiến. Nghi án đó đã tốn bao giấy mực, tiền bạc của giới sử học, văn học…. Người dân bình thường đời sau nhớ tới Nguyễn Trãi phần nhiều theo truyền thuyết “ Rắn báo thù”vụ án “Lệ chi viên”! Chẳng phải ai cũng nhớ tới một vong thần nhà Hồ, vì nợ nước, thù nhà mà theo Lê Lợi đánh quân xâm lược nhà Minh. Để thành anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.Ham đọc như tôi, song trí nhớ kém; ngoài “Bình Ngô Đại cáo” nhớ lõm bõm vài câu thì chẳng nhớ trọn vẹn bài thơ nào của ông trong Quân trung từ mệnh tập, Quốc âm thi tập. … Đêm ấy ở Côn Sơn của thi sĩ Văn Trọng Hùng, bài thơ hay, chứa nhiều tâm sự, khiến tôi thương xưa, buồn nay...! Là chất xúc tác giúp tôi nhớ lại những gì đã biết. Những điều chưa biết lại vô vàn. Đã thôi thúc tôi, lữ khách độc hành về xứ Bắc, để tìm lý giải những khúc mắc … Mối quan hệ giữa Lê thái Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn thị Lộ là mối quan hệ vua, tôi, chồng vợ, trong phạm vi “tam cương, ngũ thường ”. Vua Lê thái Tông là một ông vua trẻ ham chơi hơn học. Con người ấy tham sắc như tất cả những ông vua khác (đàn ông phần nhiều đều thế cả). Có chăng chỉ thua tiền nhân “Lê Ngọa triều ”. Vua muốn là được. Đã có 100 cung nữ, lập 5 bà phi, vậy mà khi thấy Nguyễn thị Lộ xinh đẹp, giỏi văn chương ( từng giao du, đồng lứa tuổi với mẹ mình ) đã phong chức “ Lễ nghi học sĩ ” cho vào nơi cung cấm để ngày đêm được kề cận, giảng giải sách thánh hiền cho vua (ĐVSKTT trang 578 có lời bàn: Nữ sắc hại người lắm thay.Nguyễn Thị Lộ chỉ là người đàn bà mà thôi .Thái Tông yêu nó mà phải chết, Nguyễn Trãi lấy nó mà cả họ bị diệt ! Chẳng phải nên răn lắm ư?! ). Thật nghiệp chướng …!
            Khi Nguyễn Trãi được minh oan
            Thị Lộ vưà cười vừa khóc
            Nàng không dám trở về rừng trúc
            Mà cùng những oan hồn lang thang ở Thăng Long
            Cả kinh thành đèn được đốt nhiều hơn
            Trăm họ mừng vui bàn tán… 
 Nguyễn Trãi vì giang sơn (cũng không thể trái ý vua), năm 1438 đành chấp nhận sinh ly, đưa người thiếp mình yêu vào cungVua. Ông hy vọng Nguyễn thị Lộ sẽ hướng vị vua trẻ lấy nhân nghĩa cại trị non sông. Để trăm họ được nhờ, giang sơn bền vững. Ông đã không thất vọng, không hổ thẹn với vong linh Lê Lợi và muôn dân. Nhưng rồi ông vua 20 tuổi chết bất đắc kỳ tử, gây bao thảm họa. Đã chết vong hồn Nguyễn thị Lộ cũng không yên. Chỉ trong tình trạng tột cùng đau đớn Thị Lộ mới “vừa cười vừa khóc ”. Cười, mừng oan đã được rửa, cười ai oán những “ mẫu nghi, thiên tử chém đầu ba họ để rồi hơn hai mươi năm sau ra chiếu chỉ giải oan là xong! ” Những oan hồn, không người nhang khói, đã bao năm vẫn không siêu thoát, phiêu bạt lang thang..!  Khóc cho chồng, cho quyến thuộc, cho thân phận tài sắc vẹn toàn, suy cho cùng cũng chỉ là “ vợ thứ ba, trong năm người vợ của Nguyễn Trãi ”. Được vua ưa thích triệu vào cung, phải sống xa chồng... Để rồi đoản mệnh. Bây giờ đã là oan hồn mà cũng không dám về “Rừng trúc ”. Nơi ấy có vong linh chồng mình trú ngụ (Trúc là biểu thị cho bậc quân tử, giờ đây bà đâu xứng…). Người ta, khi sống không toại nguyện với nhau đều hy vọng kiếp sau, hoặc gập nhau dưới cửu tuyền. Khi đã chết, chút hy vọng như bao người khác cũng không dám, có dám cũng khó thành ! Thi sĩ Văn đã đưa cái bi thương của kiếp phù vân đến tột cùng. Ngầm nhắc nhở “ mọi thứ đều trả giá  ”…!
 Tôi, đã đến Côn Sơn dâng hương tưởng niệm danh nhân Nguyễn Trãi. Đến Tam Sơn, Bắc Ninh đốt nhang, cúi đầu mặc niệm hậu duệ đời thứ 17 của Người, cố tổng bí thư Đảng CS Đông Dương Nguyễn Văn Cừ. Đã từng đứng ở “ lệ chi viên ” trầm mặc, thương cho thân phận trầm luân của bà Nguyễn thị Lộ, của những kiếp người. Tôi cũng liên tưởng tới hai bà công chúa Huyền Trân, Ngọc Hân. Xua nay hồng nhan, bạc mệnh quả chẳng sai !.…Cái đáng trân trọng ở Thị Lộ đã “ không dám về …Không dám nhìn ánh sáng ”. Vì những nơi đó ánh hào quang cho bà vinh hoa, phú quý, đã khiến bà tử nạn, kéo theo bao người chết oan! Tình đã không trọn vẹn. Bà tự thẹn với chồng, tội lỗi với gia tộc …. Người ta bàn tán về đạo vua tôi, chồng vợ,  khen, chê đều có lý cả. Bà để lại cho đời sau sự tiếc thương hay phỉ báng tùy theo quan điểm mỗi người. Song tên tuổi bà luôn tồn tại cùng danh nhân Nguyễn Trãi.
            Nàng đi về phía những làng xa
Phải chăng Nguyễnthị Lộ muốn về lại cố hương (thôn Hải Triều, xã Tân Lễ, Hưng Hà, Thái Bình). Hay bà muốn đầu thai làm một nữ lưu bình thường mà hạnh phúc như bao phụ nữ VN khác!?. Cả hai, đối với bà đều vô vọng! Con đường thứ ba, thi sĩ đã chọn cho bà ….! Thi sĩ để cho Thị Lộ tự vấn:
Sao đã yêu một bậc tài hoa
Lại không xa được một quân vương lỗi đạo
Phải danh vọng làm ta không tỉnh táo
Hay ta đã quá yêu mình?
 Vâng, trên thế gian từ cổ chí kim, đã mấy ai “ tỉnh táo” trước danh vọng?. Bởi vì Danh vọng thường đi với Quyền và Lợi. Nó là thứ bùa mê. Biết có thể dẫn tới họa diệt thân mà vẫn trăm mưu ngàn kế đoạt cho được. Ôn Như Hầu đã chua chát:
Mồi phú quý nhử làng xe mã
Bả vinh hoa lừa gã công khanh
Nguyễn thị Lộ, một mỹ nhân có học, nhưng phải lo toan kiếm ăn cho mình và gia đình từ nhỏ sau khi cha mất. Khi gặp “ bậc tài hoa ” Nguyễn Trãi, qua ứng đối thơ văn … Nguyễn Trãi đã mê cô gái bán chiếu tài sắc .Ông thu nạp làm thứ thiếp. Sau lại được ngày đêm ra vào cung cấm để cận kề “một quân vương lỗi đạo”. Theo tôi, chẳng có quân vương không lỗi đạo!…. Con người, ai cũng có những khát vọng. Địa vị càng cao khát vọng càng nhiều. Đặc biệt khát vọng trong phòng ngủ. Tôi cảm thông với thân phận vợ lẽ của bà, ở tuổi hồi xuân …Tới một lúc nào đó bản năng gốc hồi sinh thì “ tam cương ngũ thường ” cũng không thể ngăn cản dục vọng của bà. Cũng có thể với vua Lê thái Tông ban đầu chỉ là phận vua tôi, tình của người dì đối với con của phi tần mình đã có mối giao hảo thuở trước. Với thời gian mọi sự đều có thể đổi thay …Đó là “ ta đã quá yêu mình”. Thật ra ai mà chẳng yêu mình rồi mới yêu các thứ khác. Nhưng quá yêu mình lại là ích kỷ, nguyên nhân của mọi lỗi lầm. (Trời đất và nhân sinh nếu quá đều dẫn tới thảm họa, tiêu vong ! Đó là quy luật phản phục của âm dương tiêu tức. Cực thịnh ắt phải suy) Nguyễn thị Lộ là viên ngọc quý, được quan quá yêu, vua quá thích. Hào quang của kiếp trầm luân đã đốt cháy! Viên ngọc đẹp và quý có tỳ vết! Bị đập nát không chút thương tình …
                        Thị Lộ
                                    khuất dần vào cõi u linh
 Cõi u limh Nguyễn thị Lộ “khuất dần vào” là địa ngục, nơi đầy đọa chúng sinh khi sống đã tạo nghiệp ác. Cõi u linh vừa gần gũi vừa xa xăm, mơ hồ. Bà vui hay buồn khi gặp lại nhiều người quen, có cả những kẻ đã sát hại bà! …Thiên đường, chắc chắn vắng vẻ, buồn. Vì nơi ấy toàn bậc thánh thiện. Kẻ nào “ ngụy thánh” cũng bị lật tẩy, xô xuống chín tầng địa ngục. Đâu phải như trần gian!. Địa ngục đông vui, cho dù có bị hình phạt bỏ vào vạc dầu sôi …. Bà cam chịu và an phận… (Trong 5 bà vợ của Nguyễn Trãi chỉ có Nguyễn thị Lộ là không có con. Tương truyền bà có con nuôi là nữ sĩ Ngô Chi Lan người làng Phù Lỗ, huyện Kim Hoa, Trấn Kinh Bắc, là vợ của Phù Thúc Bình làng Phù Xá cùng huyện…Được vua Lê Thánh Tông, vời vào hầu thơ, được phong Gia nữ học sĩ, dạy văn chương, nghi lễ cho cung nữ. Ngô Chi Lan mất năm 41 tuổi. Trước đây Quy Nhơn có trường nữ trung học Ngô Chi Lan. Sau 1975 đổi là trường Trưng Vương …).
Ở Côn Sơn đêm ấy vẫn lặng yên
Nguyễn Trãi chong đèn đọc sách
Về khuya mưa như trút nước
Lê Lợi đến thăm
Nguyễn Trãi đã đi nằm!
Nguyễn Trãi không lên thiên đường, chẳng xuống địa ngục. Thể xác ông đã hòa vào sông núi. Linh hồn ông vẫn an nhiên, tự tại, ở Côn Sơn. Nguyễn Trãi chong đèn đọc sách, như thuở ông cáo lão từ quan... Cái tĩnh của bậc trí, dũng, đã xong tất cả những gì phải làm cho dân cho nước. Nước mắt trăm họ khóc ông lúc bị hành hình, mừng vui khi ông được giải oan. Đã động đất trời “ mưa như trút nước ” rửa đi tất cả oan khuất một đời. Trả lại ông những gì vốn có…
Dẫu là gì đi nữa Nguyễn Trãi vẫn là một con người .Vâng ,con người ấy cũng như đa phần các đấng mày râu khác trên thế gian: ham sắc dục!.. Đôi lúc tôi nghĩ nếu Nguyễn Trãi và Vua không quá yêu mê đắm Thị Lộ.! Dẫn đến thảm án Lệ chi viên. Chưa chắc Nguyễn Trãi đã trở thành bất tử trong lòng dân chúng .Bởi vì một trong những trò ảo diệu, của người Á đông(cũng có thể cả hành tinh), ở mọi thời đại: luôn tàn nhẫn, ác độc với người sống ! Rất tốt với người chết Ngoài quan niệm nghĩa tử nghĩa tận của người phương Đông ...Trong sâu thẳm của số đông, luôn lo sợ cái vô hình (GS Hoàng Phương gọi là “tập mờ”. Ông đã chứng minh bằng toán học cao cấp: vận mệnh, âm dương, địa linh….Nói trắng ra là sự tồn tại linh hồn ). Tốt với người chết là sám hối tội lỗi để tự trấn an (nói theo thời thượng  “hối lộ” linh hồn xem như trả xong cho cái ác)…
Lê Lợi đến thăm / Nguyễn Trãi đã đi nằm!. Đây là hai câu kết của bài thơ. Tác giả để cho người đọc có nhiều cách hiểu, cách nào có lẽ cũng đúng. Với riêng tôi cuộc viếng thăm do Lê Lợi chủ động từ Lam Kinh ra Côn Sơn. Đó là sự hoán đổi, khi xưa Nguyễn Trãi đã từ Đông Quan lặn lội vô xứ Thanh phò Lê Lợi đánh quân Minh xâm lược. Mặt khác cho thấy chẳng có gì trường tồn, vạn vật đều biến đổi theo thời gian. Chúng sinh bình đẳng dưới nấm mồ. “Đã đi nằm ” tất cả đều đã muộn.. Thôi cứ coi đây, cuộc gập gỡ của anh hùng, hào kiệt để cảm thông và tha thứ theo lẽ nhân hòa …. Lê Lợi chủ động nói với Nguyễn Trãi: “Tôi đến thăm ông, dù có muộn! Sinh thời tôi và ông là phận vua tôi, tôi biết ông đã cúc cung tận tụy chẳng tiếc thân mình phò tôi dựng nghiệp. Nghiệp Đế thành, nghi ngờ các ông có ý khác nên giết Phạm văn Xảo, Trần Nguyên Hãn phải tự vẫn. Ông bị bắt giam rồi được thả vì vô tội. Từ đó tôi không còn trọng dụng ông như trước. Khi ông xin cáo lão, tôi đã cho ông từ quan về ở ẩn tại Côn Sơn...Ta cũng nói thật, ông học rộng tài cao. Khi binh đao loạn lạc trọng dụng bọn ông để lập nghiệp đế vương là ý trời ! Đất nước thanh bình, loại các ông là mầm họa. Lệ chi viên chỉ là cái cớ để trừ hậu họa của con cháu ta mà thôi. Các triều đại trước đã làm như thế .Chắc sau này cũng thế .Sao ông chẳng tự trách mình, đã ở ẩn. Sao không học Trương Lương, quay lại chốn quan trường làm chi để chết vì quá cao đẹp, quá trong sáng?!!!”…
 Nguyễn Trãi là bậc thông thiên văn địa lý, nhân đức, biết thời thế. Trong đám tang Lưu Nhân Chú trước đây. Sau khi nhận lời vấn an của hậu bối (con trai của bạn đồng khoa ẩn sĩ Lưu Thúc Kiệm là Lưu Thúc Khiêm đang chức Đài quan),ông chỉ tay lên trời rồi cúi nhìn xuống đất, im lặng . Nhằm nhắn tới ẩn sĩ Lưu :Thiên Địa Bỉ  Càn trên Khôn dưới .Càn thăng ,khôn giáng. Thiên địa bất giao, bỉ, quân tử dĩ kiệm đức tị nạn ,bất khả vinh dĩ lộc. Nghĩa là trời đất không giao hòa, tượng trưng cho sự bế tắc .Người quân tử lấy tiết kiệm làm đức để tránh tai nạn hiểm nguy . Không mưu cầu vinh hoa , lộc vị (nên  ở ẩn ,không trở lại quan trường).  …Vậy mà vận mệnh, sự cộng nghiệp kiếp nhân sinh, không cho ông thoát nạn! . Đức đã không thắng được số. Nguyễn Trãi từ hòa nói với LêLợi: "Duyên giữa ta và ông đã hết, hãy theo quy luật của đất trời. Ông hãy trả lại sự tĩnh lặng của Côn Sơn. Ông và ta đều hiểu nghiệp bá vương làm gì có vạn tuế . Âý vậy mà sinh thời, ta cùng các triều thần đều phải tung hô vạn tuế, vạn, vạn tuế! Chính ông cũng thường cầu xin đấng tối thượng siêu nhiên cho triều đại của mình trường tồn mãi mãi . Trong lòng luôn ôm ấp ảo tưởng đó. Nên ông, các con ,cháu , đã gây bao nghiệp ác !". Ôi! Nghiệp chướng cũng là nhân duyên của kiếp người !…..
                                    Bắc Ninh trọng Xuân Mậu Tý 08                                                                                                

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét