...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

Thám hoa Nguyễn Danh Thực

 Lưu Thị Ngọc Tuyết
 
Nhắc đến Đại Bái là người ta nhớ tới làng nghề thủ công gò đồng truyền thống nổi tiếng của huyện Gia Bình. Không những thế, đây còn là một vùng khoa bảng đất Kinh Bắc. Dưới thời phong kiến, Đại Bái có nhiều người đỗ đạt, làm quan lớn trong triều đình, trong đó tiêu biểu nhất là Thám hoa Nguyễn Danh Thực.

Nguyễn Danh Thực sinh năm Tân Mùi (1631), hiệu Hải Sơn Tự, quê ở xóm Dinh, tổng Bình Ngô, huyện Gia Định, trấn Kinh Bắc (nay thuộc xã Đại Bái, huyện Gia Bình), trong một gia đình có truyền thống Nho học. Ngay từ nhỏ ông nổi tiếng thông minh, hiếu học, lại nhận được sự chỉ bảo tận tình của cha. Năm ông mười ba tuổi, cha mất sớm, mẹ ông một mình tần tảo nuôi con ăn học.
Năm Mậu Tý (1648), ông thi đỗ khoa Sĩ vọng (khoa thi do triều đình mở không thường xuyên), sau đó được làm việc tại bộ Hộ. Năm Kỷ Hợi (1659) đời vua Lê Thần Tông, ông tham dự kỳ thi Đình và đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ, cấp bậc Đệ tam danh (tức Thám hoa). Sau khi thi đỗ, ông được triều đình cử làm Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu Bồi tụng Ngự sử đài Đô Ngự sử Nhập thị Kinh diên Hải Sơn tử phụng mệnh nhuận sắc tại Hàn Lâm viện. Vốn xuất thân là quan văn nhưng lại được giữ nhiều chức vụ quan trọng cả về văn và võ trong triều. Năm 1663, ông được phong tước Nam, sau đó làm Đô cấp sự trung Hình khoa. Sang năm 1664, được cử làm Tham chính xứ Thanh Hoá. Đến năm 1668, Nguyễn Danh Thực được cử đi đánh dẹp nhà Mạc ở Cao Bằng. Sau khi dẹp yên dư đảng nhà Mạc, ông được phong làm Đốc đồng năm Kỷ Dậu (1669), rồi Phó đô ngự sử, cuối năm đó được phong Binh bộ hữu thị lang. Năm 1675, được phong Lại bộ hữu thị lang.
Mặc dù giữ các chức vụ cao trong triều, nhưng Thám hoa Nguyễn Danh Thực nổi tiếng là vị quan thanh liêm, công minh được người đương thời đánh giá là một nho sĩ thẳng thắn, chính trực. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép về vụ án năm 1664 như sau: “Bấy giờ có Giám sát ngự sử Lê Liêu cùng đỗ một khoa Sĩ vọng với Danh Thực, vốn quen biết nhau. Đến khi Liêu có tang cha, về để tang, làm nhiều điều trái lễ trái phép, có người kiện đến nha môn, Danh Thực xét được tình trạng, lấy công nghĩa xử án, kính phải lên bắt tội, vương thượng khen là không thiên vị người quen thân, nên đặc cách thưởng và thăng”. Sau khi xét xử vụ việc trên, tiếng vang đồn đi khắp trấn, bọn tham nhũng khắp nơi cũng phải dè chừng, nhân dân vô cùng phấn khởi. Ông được triều đình thăng làm Hồng lô tự khanh, ban thưởng 100 quan tiền.
Ngoài ra, Nguyễn Danh Thực rất quan tâm đến việc giáo dục, khoa cử của nước nhà. Ông đã dâng sớ đề nghị Chúa Trịnh mở mang, tu sửa Quốc Tử Giám ở kinh đô, dựng thêm nhà học ở các trấn. Việc thi cử của đất nước được chấn chỉnh. Ông được triều đình cử làm Giám khảo các khoa thi (1685, 1688, 1691) những khóa thi này kết quả rất khách quan và nghiêm túc, tuyển chọn được nhiều người tài cho đất nước. Ông nổi tiếng là người văn hay, chữ đẹp. Vì thế, ông được nhiều địa phương mời đến soạn viết văn bia.
Tại Viện Hán Nôm, hiện nay còn lưu giữ một số thác bản văn bia do Thám hoa, Tham tụng Nguyễn Danh Thực soạn: Bái Thượng đình bi ký dựng năm Cảnh Thịnh thứ nhất (1663). Tấm bia ghi nhận công lao của bà Nguyễn Thị Ngọc Chỉ đã cấp tiền sửa chữa ngôi đình Bái Thượng; bia Diên Phúc tự bi dựng năm Nhâm Dần, triều Vĩnh Khánh (1662); bia Thần Phật tự bi dựng năm Chính Hòa (1693). Tại vùng đất Thanh Hóa, (ông làm chức Tham Chính từ năm 1664) ông đã được nhân dân nhờ soạn viết nhiều văn bia thờ tự ở các di tích. Trong đó tiêu biểu là bia Phụng sự bi ký (Thọ Xuân, Thanh Hóa) dựng năm Chính Hòa thứ 7 (1686) để tưởng niệm bà Hoàng Thái hậu Phạm Thị Hậu, vợ vua Lê Thần Tông.
Nguyễn Danh Thực làm quan trải qua bốn triều vua Lê: (Lê Thần Tông, Lê Huyền Tông, Lê Gia Tông và Lê Hy Tông). Từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều. Ông mất năm 1693, khi đang giữ chức Tham tụng Binh bộ Thượng thư, được thăng Lại Bộ Thượng thư, tước Hải Quận công.
Hiện nay tại làng Đại Bái còn lưu giữ một số hiện vật và các câu chuyện dân gian về Thám Hoa Nguyễn Danh Thực. Tương truyền con đường cái Dinh vào làng là con đường do ông góp tiền của xây dựng. Trên nền cũ ngôi nhà của ông ở trước kia, dân làng đã dựng lên một ngôi nhà thờ ông. Hiện nay cần có sự quan tâm thích đáng đối với các di tích lịch sử liên quan đến Thám hoa Nguyễn Danh Thực nhằm đánh giá đúng công lao của người con xuất sắc đất Đại Bái, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống hiếu học và khoa bảng của quê hương. Hậu duệ dòng họ Nguyễn ở Đại Bái (Gia Bình) nối tiếp truyền thống hiếu học và khoa bảng đất Kinh Bắc, gắng sức học tập và gây dựng nghề truyền thống của cha ông xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, khang trang.

(nguồn:bao bawcninh.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét