1. Iakov Dzugasvili
Iakov sinh ngày 30/3/1907, ở Bacu, từ cuộc hôn nhân đầu tiên của Stalin với Ekaterina Svanidze. Nhưng ngay sau khi chưa đầy tuổi, mẹ Iakov đã chết vì bệnh nặng.
Khi mà những người bên ngoại đưa Iakov đến chỗ cha ở Moscow, ông đón tiếp con trai chẳng chút mặn mà. Iakov gần như không nói bằng tiếng Nga, vì thế Stalin đã gọi anh là “bán hoang dại”.
Ngay từ năm 1925 Iakov đã dự định lấy vợ nhưng Stalin cấm anh lấy vợ và nói rằng anh cần phải tốt nghiệp đại học.
Sự lạnh lùng và áp lực của cha đối với Iakov đã làm anh quá bức bối và tìm đến cái chết. Anh tự sát trong phòng bếp, nhưng viên đạn đã không trúng đích. Stalin nổi giận tuyên bố với Nadezhda: “Mặc nó sống ở đâu nó muốn và ở với ai nó muốn”.
Iakov giữa vòng vây quân Đức |
Ngay trước chiến tranh Iakov Djugasvili đã tốt nghiệp Học viện pháo binh của Hồng quân công nông (RKKA ), trở thành quân nhân chuyên nghiệp và được đưa ra mặt trận hai ngày sau khi quân Đức bội ước, tấn công Liên Xô.
Khi Vitebxk đã thất thủ, Iakov Djugasvili bị bắt làm tù binh. Ngày 19/7/1941 Iakov được gửi thư cho bố. Anh viết rất ngắn gọn: “Bố kính mến! Con bị bắt làm tù binh. Con vẫn khoẻ và sắp tới sẽ được đưa đến 1 trong số các trại sĩ quan ở Đức. Giao tiếp bình thường. Con chúc bố khoẻ. Con gửi lời chào đến mọi người. Iakov”.
Mùa thu năm 1942 Iakov bị đưa đến Beclin, Đức. Tháng 2/1943 Iakov bị đưa đến trại tập trung Dacxenhauden, tới lán gỗ đặc biệt cùng con trai cựu thủ tướng Pháp Leon Blium và cháu họ của Churchill. Lúc ấy người Đức đã có ý định đánh đổi Iacop lấy thống soái Paulius (ông ta đã trở thành hàng binh ngày 31/1/1943).
Câu trả lời của Stalin đã trở nên nổi tiếng: “Tôi không đánh đổi một thống soái lấy một người lính”. Câu chuyện này đã bay khắp thế giới, Iakov chắc chắn đã biết về nó qua hệ thống truyền thanh trong trại.
Ngày 14/4/1943 Iakov Djugasvili đã chết trong hoàn cảnh chưa được làm rõ. Hoặc là anh bị bắn trong khi “có ý định bỏ trốn”. Hoặc là trước khi bị bắn anh đã kịp chạy tới hàng rào và chết vì bị điện cao thế giật khi chạm vào nó.
Từ trái sang: Con trai nhỏ Vasili Stalin, đồng đội Andrei Zdanov, con gái Svetlana, bản thân Thống soái Stalin và con trai lớn Iakov Dzugasvili (những năm 1930) |
2. Vasili Stalin
Vasili Iosifovist Stalin là con trai của I. Stalin và bà N. Allilueva. Theo lệnh của Stalin, Vasili-con cần phải được giáo dục theo tinh thần khắc kỷ, nghiệt ngã nhưng Vasili đã mau chóng biến thành một gã thiếu niên ưa phóng túng, tự do; lớn hơn một chút thì bị rượu mạnh và gái đẹp hớp hồn. Ngay từ năm 1939, khi mới 18 tuổi anh đã trở thành một phi công lái máy bay chiến đấu.
Năm 20 tuổi ra trận với cương vị là phi công lái máy bay tiêm kích. Vasili đã thực hiện 26 phi vụ chiến đấu, bắn rơi 2 máy bay Đức, được tặng thưởng nhiều huân chương... Năm 1942 được phong hàm Trung tá và tới năm 1950 hàm Thiếu tướng. Năm 1947 được chỉ định là Tư lệnh không quân quân khu Moscow. Nhưng vào ngày 1/5/1952 bị chính Stalin truất chức này vì phạm khuyết điểm không nắm vững thời tiết nên đã để một máy bay IL-28 nổ tung trong một cuộc thao diễn không quân.
Vasili Stalin trở thành một phi công lái máy bay chiến đấu. |
Sau khi Stalin chết, Vasili Stalin bị tống giam và chịu án 8 năm tù và lưu đầy tới Kazan do tội "tuyên truyền chống chính quyền Xô viết". Năm 1960 mãn hạn tù, nhưng bị cấm sống tại Moscow, Gruzin và không được mang họ cha.
Theo bản cáo trạng của Cơ quan mật vụ Xô viết cho biết: "Vasili Stalin đã tung tin cho rằng cha anh ta qua đời không phải với cái chết tự nhiên mà do bàn tay sắp đặt của những thế lực trên cao. Thêm vào đó anh ta có ý định tố cáo điều này với phóng viên báo chí nước ngoài như một sự vu khống đối với những người lãnh đạo Đảng và Chính phủ Xô viết. Anh ta đã trở thành kẻ thù của nhân dân".
Vasili Stalin đã từ giã cõi đời tại nơi lưu đầy vào ngày 19/3/1962.
Suốt trong nhiều năm, người vợ cuối cùng và bè bạn của ông đã dồn hết sức để minh oan và giúp ông thoát khỏi nhà tù. Mãi tới năm 1999 Vasili Stalin mới được xóa bỏ tội phạm là "kẻ thù của nhân dân" trở thành một công dân Nga bình thường để vài năm sau nữa, xương cốt của Vasili Stalin được di chuyển từ Cazan về Moscow, chôn cất cùng khu nghĩa trang với người mẹ của anh.
3.Svetlana Alliluyeva
Alliluyeva sinh ngày 28/2/1926, là con út và cũng là con gái duy nhất của Stalin và người vợ thứ hai Nadezhda Alliluyeva.
Sau khi cha mất năm 1953, bà đổi sang họ mẹ là Alliuyeva. Vào năm 1970, sau khi bỏ trốn khỏi Liên Xô và cưới chồng tại Mỹ, bà giữ tên Lana Peters cho đến khi qua đời.
Theo BBC, vụ bỏ trốn khỏi Liên Xô vào năm 1967 của bà Peters là một chiến dịch tuyên truyền táo bạo của Mỹ. Bà Peters đã viết bốn cuốn sách, bao gồm hai cuốn hồi ký bán rất chạy. Song bà từng thổ lộ không thể thoát khỏi chiếc bóng của cha mình.
Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2010 với tờ Wisconsin State Journal, bà Peters nói về người cha nổi tiếng: “Ông ấy đã phá hỏng đời tôi”. “Bất luận tôi đi đâu, ở đây (Mỹ), ở Thụy Sĩ, Ấn Độ hoặc Úc hay bất kỳ đâu, tôi luôn là một tù nhân chính trị với tên tuổi của cha mình”, bà Peters nói.
Khi được hỏi liệu bà có nghĩ rằng ông Stalin yêu thương bà, bà Peters trả lời có.
Ở tuổi 17, bà yêu một nhà làm phim và là nhà văn người Do Thái. Vì không tán thành mối tình này, Stalin đã gửi người đàn ông đến một trại lao động ở Siberia.
Stalin đã gọi con gái là “con chim sẻ bé nhỏ”. |
Bà Peters thành công khi chống lại sự phản đối của cha mình trong mối tình kế tiếp, một sinh viên cùng học tại Đại học Moscow mà bà cưới vào năm 1945 và ly hôn vào năm 1947 sau khi họ có một đứa con.
Cuộc hôn nhân kế tiếp của bà vào năm 1949 là với Yuri Zhdanov, con trai của Andrei Zhdanov, cánh tay phải của Stalin. Họ có chung một đứa con gái song sớm chia tay. Bà mất đi phần lớn đặc quyền sau cái chết của Stalin. Các quan chức Liên Xô đã từ chối cho phép bà lấy Brijesh Singh, một đảng viên Cộng sản Ấn Độ đến thăm Moscow.
Tuy vậy, họ bất đắc dĩ cho phép bà đưa tro cốt của ông này về Ấn Độ sau khi ông bị ốm và qua đời vào đầu năm 1967. Khi đến Ấn Độ, bà Peters lẩn trốn các mật vụ Liên Xô và xin tị nạn tại tòa đại sứ Mỹ ở New Delhi.
Bà Peters trở lại Moscow vào năm 1984, nơi bà lên án phương Tây và tuyên bố mình là con thú làm kiểng của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA), sau khi giới chức Liên Xô bắt đầu tái công nhận những di sản của Stalin và cho phép bà liên hệ với những đứa con mà bà bỏ lại quê nhà. Tuy vậy, bà trở lại Mỹ vào tháng 4/1986 và chối bỏ những tuyên bố chống phương Tây lúc trước.
Ngày 22/11/2011, bà đã qua đời tại bang Wisconsin, Mỹ vì căn bệnh ung thư ruột.
nguồn:bee.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét