...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

Ai đã ám sát cha đẻ đương kim tổng thống Philippines? (2)

Ngày 28/10, tòa án Philippines ra lệnh bắt 36 nghi phạm có liên quan tới vụ án. 19/11/1987, toà án nhận định: Người chủ mưu ám sát Benigno Aquino chính là cựu Tổng thống Ferdinand Marcos

Ngày 20/6, Benigno Aquino gọi điện thoại cho Tổng thống Ferdinand Marcos nói rằng vì sự an toàn và hòa bình của quốc gia, ông đồng ý trở về nước và tham gia chính sự. Tuy nhiên, Ferdinand Marcos gọi điện cho Benigno Aquino nói rằng, nếu như Benigno Aquino vì sự an toàn và hòa bình của quốc gia thì hãy tiếp tục ở lại Mỹ.
Ngày 20/7, lãnh sự quán Philippines tại Mỹ đã mang tới cho Benigno Aquino một bức thư của Thứ trưởng Ngoại giao Philippines lúc đó nói rằng lực lượng an ninh của Philippines cần thêm một chút thời gian để có thể tìm kiếm và tiêu diệt những kẻ thù của Benigno Aquino, bởi lẽ những dấu hiệu ngày càng chứng minh rõ ràng rằng, những kẻ thù của Benigno Aquino nhất định sẽ tìm cách sát hại ông. Bức thư này còn kiến nghị, nếu như Benigno Aquino nhất định muốn quay trở về nước thì sau 30 ngày nữa hãy quyết định.
Mặc dù vậy, Benigno Aquino vẫn quyết định quay trở về Philippines. Phu nhân Corazon khi đó cảm thấy vô cùng bất an đối với quyết định này. Corazon thừa biết tính cách của Tổng thống Ferdinand Marcos, tuy nhiên bà cũng biết rằng, một khi chồng bà đã quyết định là sẽ không thể thay đổi. Vì vậy, họ quyết định rằng bà Corazon và các con sẽ ở lại nước Mỹ, trở về Philippines chỉ có một mình Benigno Aquino.
Bà Corazon Aquino
Ngày 13/8/1983, Benigno Aquino bay từ Boston tới Los Angeles rồi tới Singapore và Đài Loan. Ngày 21/8, Benigno Aquino đáp chuyến bay 811 của hãng hàng không Đài Bắc về tới Manila dù ông biết rằng nguy hiểm đang đợi mình. Tại sân bay quốc tế Manila, hơn 35.000 người đang chờ đợi sự xuất hiện của Benigno Aquino.
Trước khi nói chuyện với những người ủng hộ mình, Benigno Aquino yêu cầu được gặp mẹ và em gái cùng với lãnh tụ phái đối lập lúc bấy giờ. Vì vậy, họ và lãnh tụ các đảng đối lập khác đều ngồi đợi ở phòng chờ của sân bay. Lúc bấy giờ, sân bay được bảo vệ rất nghiêm ngặt, đến các phóng viên cũng không thể tùy tiện ra vào.
Vào 12h55’, máy bay của Benigno Aquino đáp xuống đường băng số 8 của sân bay quốc tế Manila. Sau khi máy bay hạ cánh, 3 người lính mặc quần áo kaki bước lên máy bay. Họ áp sát Benigno Aquino, yêu cầu đưa ông xuống máy bay. Khi Benigno Aquino khựng lại một chút liền bị 3 người lính này kéo xuống cửa máy bay. Đột nhiên, một tên lính đi phía sau Benigno Aquino rút trong người ra một khẩu súng rồi bắn liên tiếp 3 phát vào đầu và lưng của ông.
Benigno Aquino ngã xuống ngay trên đường băng, máu từ đầu và ngực chảy ra không ngừng. Ngay khi phát hiện sự việc, cảnh vệ sân bay đã nổ súng giết chết tên lính mặc áo kaki. Sau đó, thông qua điều tra, cảnh sát mới biết rằng, kẻ ám sát Benigno Aquino chính là Rolando Galman, 33 tuổi, từng là một sát thủ chuyên nghiệp.
Ngày 24/8, Corazon được chính phủ Philippines cho phép cùng các con về nước để lo tang lễ cho chồng. Khi thi thể Benigno Aquino được đưa về nhà vẫn còn nguyên những vết máu do tên sát thủ gây ra. Mẹ của Benigno Aquino đã yêu cầu để dân chúng Philippines xem những kẻ sát thủ máu lạnh đã giết con bà ra sao. Cái chết của Benigno Aquino đã gây ra một sự chấn động lớn trong xã hội Philippines lúc bấy giờ. Các đảng đối lập và quần chúng nhân dân đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình đòi Tổng thống Ferdinand Marcos phải điều tra làm rõ về vụ ám sát, đồng thời trị tội thích đáng kẻ điều khiển đứng phía sau. Bên cạnh đó, một làn sóng phản đối Tổng thống Ferdinand Marcos lan ra khắp cả nước.
Để xoa dịu tình trạng căng thẳng, đồng thời chứng minh chính phủ không hề có bất cứ liên quan nào tới vụ ám sát Benigno Aquino, ngày 24/8, Tổng thống Ferdinand Marcos đã hạ lệnh thành lập một ủy ban đặc biệt điều tra vụ ám sát Benigno Aquino với chỉ thị “điều tra triệt để, làm rõ sự thật”. Ferdinand Marcos đã chỉ thị cho các bộ liên quan chi 500 nghìn pêsô để dùng vào việc thu thập chứng cứ và những thông tin tình báo liên quan đến kẻ điều khiển phía sau. Ferdinand Marcos còn hạ lệnh toàn bộ nhân viên tại sân bay quốc tế Manila không được rời khỏi nơi làm việc để thuận tiện cho ủy ban điều tra làm việc.
Tuy nhiên, vừa mới bắt đầu thì ủy ban này đã gặp khó khăn khi 3 trong số 5 ủy viên từ chối tham gia điều tra. Ngày 12/9, thành lập mới được 3 tuần thì ủy ban điều tra này đã tuyên bố dừng công việc điều tra vô kỳ hạn. Ngày 14/10, Tổng thống Ferdinand Marcos ký một mệnh lệnh mới quyết định giải tán ủy ban điều tra thành lập ngày 24/8. Ngày 22/10, Marcos lại thành lập một ủy ban mới tiếp tục tiến hành công tác điều tra.
Trong vòng một năm, ủy ban điều tra mới đã thu thập được một lượng chứng cứ rất lớn và có nhiều tiến triển trong công tác điều tra. Tuy nhiên, do ý kiến trong nội bộ ủy ban này không thống nhất nên vào ngày 23 và 24 tháng 10 năm 1984, ủy ban này đã nộp lên cho Tổng thống Ferdinand Marcos hai bản báo cáo khác nhau.
Cả hai bản báo cáo đều có chung một điểm, đó là việc ám sát Benigno Aquino có liên quan tới lực lượng quân đội của Philippines, hung thủ là một binh sỹ hộ tống Benigno Aquino xuống máy bay chứ không phải là một phần tử Đảng Cộng sản như Tổng thống Ferdinand Marcos đã nói. Điểm khác biệt giữa hai báo cáo này chính là, một báo cáo thì cho rằng, người chịu trách nhiệm bảo vệ sân bay lúc đó là chuẩn tướng không quân Luther, là một trong số những người lên kế hoạch ám sát ông Benigno Aquino, bởi lẽ không có sự tham gia của Luther, sẽ không thể có một âm mưu như vậy xảy ra ở sân bay.
Trong khi đó, một báo cáo khác lại cho rằng, người tham gia lên kế hoạch ám sát chính là trung tướng Fabian Bell - tham mưu trưởng bộ đội vũ trang và thiếu tướng Olivas - tư lệnh quân phòng vệ Manila và cả Luther - người chịu trách nhiệm bảo vệ an toàn cho sân bay. Sau khi nhận được báo cáo, xuất hiện trên truyền hình, Ferdinand Marcos tuyên bố mình đồng ý với kết luận của báo cáo thứ hai và yêu cầu tòa án đặc biệt nhanh chóng thẩm tra những người có liên quan.
Tới ngày 12/1/1986, tòa án Philippines tuyên bố kết luận về vụ ám sát Benigno Aquino. Bản báo cáo dài 190 trang nói: Vô số những “bằng chứng chắc chắn” cho thấy, người giết chết Benigno Aquino là một “phần tử Đảng Cộng sản” tên là Galman. Việc Galman trở thành binh lính bảo vệ sân bay là điều hoàn toàn ngẫu nhiên. Mọi công dân Philippines đều có nghĩa vụ quân sự, tuy nhiên, lực lượng bảo vệ sân bay đã không thẩm tra rõ động cơ của Galman khi nhập ngũ là không làm tròn nhiệm vụ. Việc binh lính bắn chết Galman ngay tại sân bay chỉ là “thực hiện nhiệm vụ” chứ hoàn toàn không có sự chuẩn bị trước. Do vậy, toàn bộ 36 nghi phạm bao gồm cả tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Fabian đều được trả tự do.
Kết luận này của tòa án đã làm dấy lên một làn sóng phản đối dữ đội. Mọi người ai cũng cho rằng, Ferdinand Marcos đã thao túng tòa án và chính phủ đang muốn che giấu trách nhiệm của mình. Thậm chí, sau khi phiên tòa kết thúc, bà Corazon còn tuyên bố trong buổi họp báo rằng Ferdinand Marcos chính là nghi phạm lớn nhất trong vụ án này.
Cựu Tổng thống Ferdinand Marcos
Dưới áp lực của chính phủ Mỹ, Tổng thống Ferdinand Marcos buộc phải tổ chức tuyển cử sớm vào ngày 17/2/1986. Đảng đối lập đã đưa bà Corazon lên làm ứng cử viên cho chức vị tổng thống. Tuy nhiên, sự gian lận của Tổng thống Ferdinand Marcos trong lần bầu cử này một lần nữa lại làm dấy lên sự phản đối đối với nhà độc tài.
Tới ngày 22/2, Bộ trưởng quốc phòng Juan Ponce Enrile và Fidel Ramos - tham mưu trưởng - đã phát động chính biến, tuyên bố thoát ly khỏi chính phủ của Ferdinand Marcos và ủng hộ bà Corazon - phu nhân thượng nghị sỹ Benigno Aquino. Ferdinand Marcos chỉ huy quân đội bao vây trụ sở Bộ Quốc phòng, ra lệnh cho Enrile và Ramos phải đầu hàng.
Tuy nhiên, nhân dân Manila, dưới sự tổ chức của đảng đối lập, đã lập thành một bức tường 5 vạn người dũng cảm ngăn chặn sự tấn công của quân đội Tổng thống Ferdinand Marcos. Chính phủ Mỹ yêu cầu Ferdinand Marcos từ chức.
Ngày 26/2/1986, Ferdinand Marcos và vợ bị buộc phải rời khỏi Philippines và tới Mỹ lánh nạn. Ngay một ngày sau đó, ngày 27/2, phu nhân của Benigno Aquino - bà Corazon - tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Ngày 6/6, bốn tháng sau khi lên nắm quyền, bà Corazon đã quyết định thành lập một ủy ban đặc biệt với người đứng đầu là thẩm phán tòa án nhân dân tối cao xét xử lại vụ án của chồng. Sau ba tháng liên tục điều tra, đến ngày 31/9, toàn án Philippines tuyên bố bản án ngày 12/1/1986 là không có hiệu lực.
Ngày 28/10, tòa án Philippines ra lệnh bắt 36 nghi phạm có liên quan tới vụ án. 19/11/1987, toà án nhận định: Người chủ mưu ám sát Benigno Aquino chính là cựu Tổng thống Ferdinand Marcos, lên kế hoạch ám sát ông Benigno Aquino chính là trung tướng Fabian - tham mưu trưởng bộ đội vũ trang và thiếu tướng Olivas - tư lệnh quân phòng vệ Manila và cả Luther - người chịu trách nhiệm bảo vệ an toàn cho sân bay. Cho đến lúc này, vụ án về cái chết của thượng nghị sỹ Benigno Aquino mới được làm sáng tỏ.
Ngày 10/1/1988, chính phủ Philippines yêu cầu chính phủ Mỹ dẫn giải cựu Tổng thống Ferdinand Marcos - kẻ chủ mưu ám sát ông Benigno Aquino - về Philippines. Tuy nhiên, khi đó Ferdinand Marcos đang mắc bệnh nặng, phải nằm viện điều trị, do vậy, chính phủ Mỹ đã kiến nghị Philippines tạm hoãn việc dẫn độ Ferdinand Marcos về nước. Song, tới ngày 3/1/1989, Ferdinand Marcos đã qua đời tại một bệnh viện ở Hawai, kết thúc một cuộc đời đầy tai tiếng của vị cựu Tổng thống độc tài.
Hà Phương
0

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét