...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

Ai đã ám sát cha đẻ đương kim tổng thống Philippines? (1)

 Ngày 21/8/1983, chính khách nổi tiếng nước Cộng hòa Philippines - Benigno Aquino - bị ám sát bằng nhiều phát súng tại sân bay quốc tế Manila.

Việc ông Benigno Aquino bị ám sát đã tạo nên một cơn chấn động trong toàn bộ xã hội Philippines, làm lung lay sự lãnh đạo kéo dài hơn 20 năm của nhà độc tài Ferdinand Marcos.
Cái chết của Benigno Aquino cũng giúp vợ ông - bà Corazon Aquino - trở thành tổng thống thứ 11 và là nữ tổng thống đầu tiên của Philippines ba năm sau đó. Và cũng chỉ tới lúc này, người ta mới được biết sự thật về vụ ám sát vị thượng nghị sỹ danh tiếng này…
Benigno Aquino sinh ngày 20/11/1932, tại thị trấn Concepcion tỉnh Tarlac thuộc Philippines. Ông nội của ông - Servillano Aquino - là một tướng quân trong lực lượng chống lại chủ nghĩa thực dân Tây Ban Nha ở Philippines, rất có uy tín trong xã hội được người ta gọi là Anh hùng dân tộc.
Cha của Benigno Aquino - Benigno S. Aquino, Sr - là một thành viên nổi bật trong quốc hội Philippines sau thế chiến thứ hai. Mẹ của ông từng là hiệu trưởng một trường nữ đại học của Philippines. Nhờ lớn lên trong một gia đình đặc biệt như vậy nên ngay từ nhỏ, Benigno Aquino đã nổi tiếng là một người thông minh và tài năng.
Benigno Aquino
Đến năm 1954, ở tuổi 22, Benigno Aquino kết hôn với Corazon - người phụ nữ kém ông 1 tuổi, người sau này sẽ trở thành Tổng thống thứ 11 của Philippines. Cũng giống như Benigno Aquino, Corazon sinh ra trong một gia đình vào loại “danh gia vọng tộc” ở thủ đô Manila.
Corazon tốt nghiệp tại trường Đại học Mount Saint Vincent của Mỹ, sau đó trở về Philippines tiếp tục theo học trường Đại học Luật. Tuy nhiên, khi vẫn chưa tốt nghiệp thì Corazon đã kết hôn với Benigno Aquino.
Một năm sau ngày cưới, mới 23 tuổi, Benigno Aquino đã tham gia ứng cử vào chức thị trưởng thành phố Concepcion thuộc tỉnh Tarlac và trở thành thị trưởng trẻ nhất trong lịch sử hiện đại Philippines. Tháng 3/1957, Benigno Aquino trở thành trợ lý đặc biệt của đương kim tổng thống lúc đó. Tháng 7/1959, Benigno Aquino ứng cử chức vụ phó chủ tịch tỉnh Tarlac. Tháng 8/1961, được thăng chức lên làm chủ tịch tỉnh Tarlac.
Năm 1963, ở tuổi 31, Benigno Aquino ứng cử chức thượng nghị sỹ của Thượng viện. Tới năm 1964, do bất đồng quan điểm với Ferdinand Marcos - chủ tịch Thượng viện lúc bấy giờ, Benigno Aquino đã trở thành người đứng đầu phái đối lập với Ferdinand Marcos trong Đảng Tự do. Sau đó, Ferdinand Marcos rời bỏ Đảng Tự do và gia nhập Đảng Quần chúng Philippines và được cử làm ứng cử viên Tổng thống của đảng này.
Mâu thuẫn giữa Benigno Aquino và Ferdinand Marcos sau đó ngày càng quyết liệt. Benigno Aquino không ngừng đưa ra ánh sáng những chuyện hủ bại và phạm pháp của Ferdinand Marcos trong suốt thời gian nắm giữ chức chủ tịch Thượng viện. Điều này khiến Ferdinand Marcos vô cùng căm giận Benigno Aquino.
Ngày 10/11/1965, Ferdinand Marcos tham gia trúng cử chức Tổng thống thứ 6 của Philippines kể từ khi giành được độc lập. Khi đó, Benigno Aquino được bầu làm tổng thư ký của Đảng Tự do, trở thành đối thủ chính trị của Ferdinand Marcos.
Tháng 6/1967, Benigno Aquino một lần nữa ra tranh cử chức Thượng nghị sỹ và trở thành người có số phiếu cao nhất trong số 8 người trúng cử. Sự thắng lợi của Benigno Aquino khiến Tổng thống độc tài Ferdinand Marcos nổi giận.
Sau khi biết rằng, uy tín và thế lực của Benigno Aquino đang lên, lại được sự ủng hộ của Mỹ, Ferdinand Marcos cho rằng, Benigno Aquino chính là đối thủ lớn nhất của mình. Ngày 21/8/1971, khi các thành viên Đảng Tự do của Benigno Aquino đang họp tại Plaza Miranda thuộc quận Quiapo, Manila thì một quả bom phát nổ khiến 19 người chết và 195 người bị thương. Benigno Aquino may mắn thoát chết.
Sau khi sự việc xảy ra, những chứng cớ mà Đảng Tự do điều tra đã chứng minh vụ nổ bom ngày 21/8 là do Tổng thống Ferdinand Marcos ra lệnh. Mục tiêu của Ferdinand Marcos là muốn Đảng Tự do rối loạn và tê liệt, không thể tham gia cuộc chạy đua vào nghị viện vào tháng 1/1972. Tuy nhiên, thủ đoạn thâm độc và vi phạm pháp luật của Tổng thống Ferdinand Marcos khiến người dân ngày càng đồng tình với Đảng Tự do và quay lưng lại với chính đảng đang cầm quyền của Tổng thống Ferdinand Marcos.
Kết quả là Đảng Tự do đã giành thắng lợi lớn trong cuộc đua vào Thượng viện năm 1972 với 6/8 ghế. Năm 1972 cũng là năm cuối cùng mà Tổng thống Ferdinand Marcos được giữ chức vụ Tổng thống theo quy định của hiến pháp Philippines. Lúc bấy giờ, kinh tế Philippines rất lạc hậu, quan chức chính phủ tham nhũng và sa đọa.
Trong khi đó, Benigno Aquino liên tục chỉ trích những sai lầm thiếu sót của Tổng thống Ferdinand Marcos trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị và quân sự; tuyên bố chính cương Đảng Tự do khiến mọi người ngày càng chú ý.
Người dân Philippines đều tin rằng, Benigno Aquino giờ đây đã trở thành đối thủ ngang ngửa của Tổng thống Ferdinand Marcos.
Ngày 21/9/1972, Tổng thống Marcos tuyên bố đặt Philippines dưới chế độ quản chế quân sự, giải tán quốc hội, thủ tiêu các chính đảng, bãi miễn Phó Thủ tướng. Cùng lúc đó, Ferdinand Marcos tổ chức một cuộc bắt bớ trong phạm vi toàn quốc và Benigno Aquino là một trong những người đứng đầu trong danh sách. Ngày 23/9, Benigno Aquino bị bắt tại một khách sạn. Thời gian sau đó, lực lượng an ninh của Ferdinand Marcos còn bắt 1.360 người phản đối chế độ độc tài của ông ta.

Khi Benigno Aquino bị bắt, những người cầm quyền không hề nói nguyên nhân, cũng như không tuân thủ bất cứ trình tự pháp luật nào. Cho mãi tới tháng 8/1973, chính quyền Ferdinand Marcos mới tuyên bố 3 tội danh của Benigno Aquino gồm: Tội mưu sát, tội sử dụng vũ khí trái phép và tội âm mưu tổ chức chính biến quân sự. Tháng 2/1975, Benigno Aquino gửi đơn kháng cáo lên thẩm phán tòa án quân sự Philippines đồng thời tuyệt thực liên tục 42 ngày để đòi sự công bằng.
Ngày 10/6/1977, tòa án quân sự tuyên án tử hình Benigno Aquino với các tội danh trên. Luật sư của Benigno Aquino gửi đơn lên tòa án tối cao Philippines yêu cầu tạm dừng chấp hành phán quyết của tòa án quân sự. Dư luận quốc tế cũng phản ứng một cách kịch liệt với phán quyết nói trên. Dưới áp lực đó, Tổng thống Ferdinand Marcos đành phải nhượng bộ và ra lệnh xét xử lại vụ án của Benigno Aquino.
Để thay đổi hình tượng của mình trong mắt người dân Philippines, chuẩn bị cơ sở cho chế độ độc tài của mình, Ferdinand Marcos đã cho thành lập lại quốc hội và tuyên bố trong vòng 1-2 năm, sẽ tiến hành bỏ phiếu trong cả nước. Đồng thời, Ferdinand Marcos cũng tuyên bố nới lỏng lệnh quản chế quân sự đối với các buổi mít tinh và tự do ngôn luận.
Benigno Aquino và lãnh tụ các đảng đối lập quyết định nhân cơ hội này tham gia hoạt động vận động tranh cử ở Manila. Kết quả, số phiếu bầu ở khu vực Manila của Benigno Aquino cao hơn hẳn so với Tổng thống Ferdinand Marcos. Địa vị bị đe dọa, Tổng thống Ferdinand Marcos lập tức ra lệnh cấm tổ chức mọi cuộc mít tinh, hội họp tuyên truyền trước khi cuộc bầu cử được tổ chức.
Kết quả sau khi bỏ phiếu, chính đảng của Ferdinand Marcos vẫn giành thắng lợi. Mặc dù vậy, Tổng thống Ferdinand Marcos cảm thấy rằng Benigno Aquino vẫn là một sự uy hiếp, một đối thủ cạnh tranh nguy hiểm đối với chiếc ghế tổng thống của mình dù ông đang ngồi trong ngục tối.
Ngày 10/3/1980, bệnh tim của Benigno Aquino đột nhiên phát tác, cần phải tiến hành phẫu thuật để điều trị. Dưới áp lực của đảng đối lập và chính phủ Mỹ, Tổng thống Ferdinand Marcos đành phải ra lệnh thả Benigno Aquino để ông sang Mỹ tiến hành phẫu thuật tim. Cuộc phẫu thuật đã may mắn thành công. Sau khi sức khỏe hồi phục, Benigno Aquino thông báo với Tổng thống Ferdinand Marcos ông chuẩn bị về nước.
Tuy nhiên, ông nhận được hồi đáp từ phía Ferdinand Marcos rằng, ông có thể ở lại nước Mỹ, bao lâu cũng được. Dù đang ở nước Mỹ, song Benigno Aquino chưa từng có ý định rút lui khỏi chính trường và luôn theo dõi mọi động tĩnh xảy ra tại quê nhà. Benigno Aquino liên hợp với các đảng phản đối Ferdinand Marcos thành lập Đảng đối lập thống nhất do cựu nghị sỹ Laurel làm chủ tịch nhưng thực tế người lãnh đạo là Benigno Aquino.
Ngày 20/1/1981, Tổng thống Ferdinand Marcos tuyên bố kết thúc chế độ quản chế quân sự; ngày 7/7, thông qua chế độ phổ thông đầu phiếu, thay đổi hiến pháp, quyết định học theo chế độ quốc hội của Pháp. Tổng thống do nhân dân bầu trực tiếp, nhiệm kỳ kéo dài 6 năm. Sự thay đổi cục diện chính trị trong nước buộc Benigno Aquino phải đưa ra quyết định có trở về nước hay không.
Đám tang tưởng niệm
Tháng 6/1981, Benigno Aquino nhận được thông tin, Tổng thống Ferdinand Marcos đang bệnh rất nặng. Bạn bè của Ferdinand Marcos đang tìm cách đem tiền bạc của Ferdinand Marcos sang Thụy Sỹ, đội du kích đảo Luzon đang chuẩn bị hành động, rất có thể sẽ xảy ra một cuộc đối kháng đẫm máu trong phạm vi cả nước.
Từ trước tới nay, Benigno Aquino là người phản đối các hoạt động bạo động, chủ trương sẽ thông qua cuộc đấu tranh ở quốc hội để lật đổ chế độ độc tài của Ferdinand Marcos. Benigno Aquino cho rằng thời điểm quan trọng này là lúc ông phải về nước, tổ chức lại đảng đối lập với Ferdinand Marcos và tham gia cuộc bầu cử quốc hội dự định tổ chức vào năm 1984.
Vì vậy, để tránh một cuộc bạo động đẫm máu, Benigno Aquino đã quay trở lại Philippines, bất chấp lời khuyên can của mẹ ông lẫn sự đe dọa của lực lượng đối lập. Tư lệnh lực lượng vũ trang chính quyền Ferdinand Marcos tuyên bố, nếu như Benigno Aquino xuất hiện tại Manila thì sẽ bị giết ngay lập tức.
Thực tế, cảnh báo này đã được phát đi từ rất lâu trước đó. Ngày 10/5/1983, khi Benigno Aquino gặp gỡ vợ Tổng thống Ferdinand Marcos và nói rằng mình có ý quay trở lại Philippines thì đệ nhất phu nhân Philippines lúc bấy giờ đã khuyên ông hãy khoan trở về. Bởi lẽ ở Philippines lúc bấy giờ có một lực lượng ám sát chuẩn bị sát hại ông để trả thù. Vợ của Ferdinand Marcos còn nói rằng, nếu như Benigno Aquino trở về Philippines thì ngay cả lực lượng quân đội cũng không thể bảo vệ được an toàn cho ông. (Còn nữa)
(nguồn:nguoiduatin.vn)
Hà Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét