...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Tặng Vật Của Trời

tiểu thuyết của Nguyễn Thanh Hiện 

ba mươi mốt.
những người qui hoạch rừng. 
    Tôi còn thuật tiếp chuyến đi ấy, có nghĩa là đêm hôm ấy chúa sơn lâm đã không đến thịt tôi với nàng.
Nỗi sợ hãi của chúng tôi thực sự chấm dứt vào lúc ánh sáng của ngày đã xuất hiện một cách rõ ràng và đầy đủ, và các thứ mà trong đêm chúng tôi cho là thuộc về cọp là không còn nữa, và khi rán dõi mắt thật xa về phía trước thì chỉ thấy rừng cây tiếp giáp với rừng cây. Nhưng vào cuối ngày hôm ấy, thiếu chút nữa là chúng tôi đã đổ xuống ngay trên con đường rừng ấy. Dừng lại! Cả tôi lẫn nàng đều đang thả hồn vào cõi bình yên của một buổi chiều trong rừng già thì một tên lâm tặc nhảy xổ ra giữa con đường rừng ấy, bắt chúng tôi dừng lại. Nói là lâm tặc là để cho chuyến đi có vẻ bi tráng, hết gặp cọp lại gặp lâm tặc, chứ thật ra cho đến cuối chuyến đi  chúng tôi vẫn chưa thể kết luận anh ta và đồng bọn anh ta có phải là lâm tặc hay không. Chỉ là súng gỗ thôi. Nhưng khi anh ta nhảy xổ ra, chỉa súng vào chúng tôi, hô dơ tay lên, thì tôi quyết định phải chuẩn bị cho sự chết của mình. Quả tình, khi sự chết đột ngột xuất hiện thì làm cho con người ta cũng đột ngột trở nên dũng cảm. Tôi huých vào nàng, và nói đủ để nàng nghe, rằng để cho tình yêu chúng tôi đi  vào cõi vĩnh hằng thì không thể  để cho kẻ khác chạm vào chỗ trong trắng, tinh anh, và cao cả của tình yêu, nói tóm, là tôi nói vắn tắt đủ để nàng nghe, rằng chết thì chết chứ không thèm dơ tay. Vậy là chưa chết. Cái tay lâm tặc ấy tay vẫn giữ cây súng ở tư thế chuẩn bị bắn, và bảo chúng tôi đi về phía trước, tức, tiếp tục đi về hướng chúng tôi đang đi. Tôi và nàng đi đằng trước, anh ta lăm lăm tay súng đi đằng sau. Biết anh ta vẫn lăm lăm tay súng, bỡi chúng tôi lợi dụng lúc có  nhành cây sà trên đầu hay sợi dây vướn dưới chân, thì lập tức vờ ngã xuống, và quay người lại, cốt là để nhìn thử cái con người đang nắm  vận mạng của mình. Phải nói là ánh sáng cuối ngày mỗi lúc mỗi giảm đi, rừng cây như cứ ngã dần sang màu u ám nặng nề, thành ra cái khung cảnh trước giờ hành quyết có vẻ ảm đạm, thê lương. Tất nhiên là cả tôi lẫn nàng, trong hoàn cảnh ấy, chẳng dám mở miệng nói lời chi. Xin xỏ ư? Mà chúng tôi có tội tình chi, phải xin xỏ? Và kẻ ấy là ai, có quyền chi đối với chúng tôi, mà phải xin xỏ? Chỉ còn chờ anh ta nói ra một lời chi đó, thì chúng tôi mới biết số phận sống chết của mình. Nhưng không. Là mẹ đẻ của anh chàng lâm tặc ấy đã có chửa sự im lặng trước khi có chửa anh ta. Quân khát máu! Trong lúc nghĩ ngợi về thái độ lạnh lùng của tên đao phủ đang đi phía sau  mình, tôi có buột kêu lên trong suy nghĩ như thế. Hai người cho  xem giấy tờ! Lúc tay lâm tặc thứ hai ra cản đường, để xem giấy tờ của chúng tôi, thì trời đã tối hẳn. Rừng đêm như đang làm tăng thêm sự bí ẩn của cuộc đời. Có vẻ là dân thường thôi. Tay lâm tặc thứ nhất nói xong câu ấy thì  rời bỏ tư thế của một tên đao phủ. Có nghĩa, anh ta đã ném súng xuống vệ đường, và đi vào khu rừng già trước mặt. Những sự kiện ấy là có vẻ chẳng ăn nhập gì với nhau, và xảy ra quá nhanh, khiến  chúng tôi thêm rối rắm. Các người đi làm gì trong rừng? Sau khi dùng đèn pin rọi xem giấy tờ của tôi và nàng, tay lâm tặc thứ hai hỏi với giọng ôn tồn. Cây súng vẫn còn nằm dưới đất. Và ở khu rừng già phía trước bỗng rộ lên nhiều tiếng cười nói. Cái khung cảnh có vẻ hòa bình ấy khiến tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện thoát chết. Đi tìm con nước đầu nguồn con sông quê  của người mình yêu. Tôi lại nói ra điều mình vẫn nói trong các chuyến đi tìm chân lý. Khi yêu nhau  người ta còn dắt nhau lên trời nữa là lên rừng. Nhờ câu nói có vẻ cởi mở của tay lâm tặc mà chúng tôi đã gầy được một cuộc đối thoại vừa cổ điển, vừa hiện đại, vừa giải mã được những bí ẩn của đêm hôm trước, cuộc đối thoại có tính cách dân chủ xảy ra khá lâu giữa chúng tôi và cái thực thể trong thuật chuyện tôi cứ tạm gọi là đám lâm tặc. Nhưng vì sao lại ngăn cản sự đi lại của chúng tôi là những kẻ lương thiện? Chính là nàng, chứ không phải tôi, đã sơ ý tạo ra  gay cấn ngay khi mở đầu cuộc đối thoại. Các vị nói thế tức coi chúng tôi là không lương thiện? Tay lâm tặc dùng đại từ “các vị” để gọi tôi với nàng. Tôi phải lập tức nhảy vào cứu nguy. Chữ lương thiện nói ra đây là có ý bảo chúng tôi vốn là những người làm ăn bình thường, xin quí vị chớ hiểu lầm. Tôi dùng đại từ “quí vị” để gọi bọn họ. Dường lúc bấy  giờ thì tất cả bọn họ từ đám rừng già phía trước đã kéo đến chỗ chúng tôi. Từ trong đám người đang tụ tập ấy vụt lóe lên thứ ánh  sáng chúng tôi đã nhìn thấy trong đêm hôm trước. Và lập tức tôi đã hiểu ra đấy là ánh sáng của một thứ đèn rọi chuyên dùng vào một công việc nào đấy,  ánh sáng phát ra đã bị hạn chế đến mức tối đa. Chúng tôi là đang tạo ra một thế giới không có tiếng súng. Một tay lâm tặc khá cao to từ trong đồng bọn bước ra, nói, và cúi xuống vệ đường, nhặt cây súng tự nãy giờ vẫn nằm im ở đó. Nàng có vẻ lo lắng áp sát vào tôi, khi tay lâm tặc quay mũi  súng về phía chúng tôi. Trong lúc tôi và nàng đang hồi họp chờ một thế giới không có tiếng súng là sao, thì tay lâm tặc ấy đột nhiên chỉa súng lên trời, và bắt đầu nói mà như diễn thuyết về một nền hòa bình nào đó của nhân loại. Các vị nên hiểu đây là biểu tượng của không chiến tranh ( anh ta cũng dùng đại từ “các vị” để gọi tôi và nàng ),  chúng tôi có súng chẳng phải để bắn giết những người cản trở công việc của chúng tôi, cũng chẳng phải có súng để săn nai săn thỏ làm thức ăn, cũng chẳng phải có súng như kiểu những kẻ cướp có súng, các vị nên hiểu đây chẳng phải là vũ khí theo nghĩa thông thường, chúng tôi gọi là súng là để cho đồng đội chúng tôi biểu dương được tình đồng đội. Mới đầu tôi cứ tưởng đấy là kẻ cầm đầu, là người chỉ huy. Nhưng không phải. Tất cả bọn họ là bình đẳng. Bỡi một tên lâm tặc khác bước ra, giật lấy cây súng trên tay của tay đang diễn thuyết, đem trao cho tôi và nàng. Phải nói là chúng tôi phải cố lắm mới không bật cười to khi phát hiện ra đấy là súng gỗ.  Quí vị quả là những người đang tạo ra một thế giới không có tiếng súng, đã tạo ra  một nền hòa bình theo đúng nghĩa của nó. Tôi nói trong niềm cảm hứng có tính cách giới hạn, tức thứ cảm hứng chỉ đóng khung trong việc bọn họ dùng súng gỗ, thứ cảm hứng chỉ đột phát xảy ra khi nghe họ tuyên bố về một nền hòa bình như thế, và hoàn toàn chưa biết gì về bọn họ. Nhưng trong khi tạo ra một thế giới không có tiếng súng thì vì sao lại ngăn cản việc đi lại của người khác?  Nàng đã liều mạng trở lại câu hỏi ban đầu. Phải biết vì sao bọn họ lại ngăn chận chúng tôi chứ? Nhưng theo cách giải thích của một tay lâm tặc khác thì đấy chẳng phải là ngăn chận. Anh ta bảo cho đến lúc ấy thì chúng tôi vẫn đang trên con đường đi tới, có nghĩa vẫn tiếp tục đi theo hướng chúng tôi đang đi, chưa ai bắt chúng tôi phải quay lại cả. Cho đến lúc ấy thì chúng tôi biết bọn họ là một tập họp trên núi, một tập họp có tính đồng đội khá cao đang làm việc chi chẳng rõ, chỉ biết là bọn họ đang dùng một thứ đèn rọi mà đêm hôm trước chúng tôi cứ lầm tưởng là ánh mắt cọp. Loài người sẽ biết ơn quí vị, vì cho đến lúc này thì quí vị đã tạo ra được một nền hòa bình cho rừng cây ở trên núi. Tôi khoanh vùng nền hòa bình của bọn họ lại, và nói thế cốt để khai thác bọn họ là ai. Không ngờ câu ấy đã lập tức tạo ra cao trào của cuộc đối thoại. Các vị đã hiểu sai rồi, không phải hòa bình cho rừng cây, mà  là cho con người. Một người trong bọn họ nói lớn. Tôi phải nói lời xin lỗi, và xin bọn họ giải thích thêm về nền hòa bình ấy. Coi bộ còn dằng dai lắm, hãy ngồi hết xuống đi mà nói. Bọn họ nhao lên nói. Phải nói bấy giờ tôi có cảm tưởng là mình đang tham dự một đại hội gì đó ở trên rừng, lúc đầu là đại hội về hòa bình cho con người, nhưng về sau thì chẳng phải. Có lẽ tay lâm tặc cao to là người có trình độ nhất trong bọn họ. Trong lúc anh ta nói thì  những người khác chỉ xen vào hỏi chúng tôi đã rõ chưa. Một nền hòa bình cho con người không phải chỉ là không có tiếng súng, mà còn làm sao cho con người có cơm để ăn có áo để mặc,  ngay tự lúc có tổ chức nhà nước thì người ta đã nói đến những thứ đó, người đứng đầu nhà nước nào cũng nói đến những thứ đó, nhưng suốt mấy trăm nghìn năm lịch sử của loài người thì súng vẫn cứ nổ, và con người thì vẫn cứ thiếu đói. Các vị đã rõ chưa? Có ai đó xen vào hỏi chúng tôi. Và tay lâm tặc cao to, người diễn thuyết của đại hội, bắt đầu chuyển qua khúc gập ghình vó ngựa thác đổ đầu non, mà mãi về sau, mỗi lần nhắc lại, chúng tôi cứ thấy rờn rợn niềm sảng khoái man dã. Lũ chúng tôi, người tứ xứ, có xích lại gần nhau là do thiếu đói, hạt cơm lấy từ luống cày là chưa bao giờ no, phải tự cứu lấy mình, khi những cái bụng đói gặp nhau thì bỗng hiểu ra nghĩa lý cao sâu của câu “ tiền rừng bạc biển”, biển thì chẳng dám, bỡi lũ chúng tôi toàn bọn thuồng luồng ở cạn, ngoài chuyện đôi bò miếng ruộng hẩm hiu, lũ chúng tôi đứa thợ cưa, đứa thợ mộc, đứa đốn củi đốt than, cho nên chỉ còn con đường lên rừng, mới đầu là theo người ta lên rừng đãi vàng, lang thang góc núi đầu khe, lũ chúng tôi gặp nhau lúc đói khát, uống ngụm nước suối, thề sống chết có nhau, mới đầu chỉ là cây rìu cái rựa, chỉ khiêng vác bằng đôi chân đôi vai, nhưng theo đà văn minh nhân loại, lũ chúng tôi đã thay những rìu rựa chân vai  bằng máy cưa máy kéo, mới đầu chỉ là những súc gỗ lén xuôi sông suối,  nhưng theo đà văn minh nhân loại, chúng tôi đã gặp được các bậc hào kiệt bán buôn có tầm vóc quốc gia, quốc tế, hàng hóa đã có bò vàng bò xanh lên tận chốn non cao mà mang về, luật lệ chuyên chở là nằm trong những cái túi đầy ắp ngân lượng luôn đeo trên lưng các bậc đàn anh hào hoa phong các, đứa đốn củi đốt than lầm lũi khi có đồng tiền  rủng rỉnh trong túi thì bỗng hóa ra đứa có gương mặt sáng sủa văn minh. Là tiếng gầm của cọp… Nàng buột kêu lên. Các vị lại lầm rồi, đấy là tiếng nói của những kẻ đi tìm cơm áo, là tiếng nói chân chính nhất trong những tiếng nói chân chính của con người.  Bọn họ đã đứng lên để nói. Dường hết thảy đã nhao lên, nói.  Phải nói đấy là giây phút hiểm nguy trong chuyến đi ấy của chúng tôi. Có nghĩa, nếu tôi không kịp thời giải thích thì có thể bọn họ đã thịt tôi với nàng. Thì chẳng phải cứ hiểu một cách thông thường, thì nàng đã gọi bọn họ là cọp hay sao? Hóa ra trong giờ phút thập tử nhất sinh tôi lại trở thành tay tả cảnh tả tình rất giỏi. Nói gọn, là tôi đã tả lại nỗi sợ hãi của chúng tôi trong đêm hôm trước, nỗi sợ hãi chưa từng xảy ra trong cuộc đời tôi và nàng, khi cho rằng ánh đèn rọi là ánh mắt cọp, và tiếng máy cưa là tiếng gầm của cọp. Lẽ ra là bọn họ cười ầm lên. Nhưng không. Dường như có một nỗi xúc động lớn lao nào đó đang xảy ra trong những con người không phải là dễ hiểu ấy. Nhưng dẫu nói cách nào thì các anh cũng đã vi phạm luật lệ nhà nước ? Tôi chuyển cách gọi “quí vị” sang  “các anh” cho cuộc đối thoại có vẻ thân mật hơn. Vi phạm luật lệ nhà nước ở chỗ nào? Tay lâm tặc cao to hỏi. Tôi bảo chặt cây rừng đầu nguồn là vi phạm luật bảo vệ rừng, chặt cây rừng mà không xin phép, không theo kế hoạch  khai thác của nhà nước là vi phạm luật khai thác rừng . Đến lúc ấy bọn họ mới cười ầm lên.Và thay nhau nói. Có nhà nước nào lại cho phép đám khố rách áo ôm lũ chúng tôi đi khai thác rừng? Còn như  đốn cây to để cho cây nhỏ có chỗ thở mà lớn là theo đúng luật sống của cây rừng, là bảo vệ rừng. Và thứ gọi là  kế hoạch khai thác của nhà nước thì cũng là do một bọn người ăn cơm uống nước như lũ chúng tôi nghĩ ra mà thôi.  Dường sự có mặt của chúng tôi lúc ấy là  để cho những con người đang sống với núi cao rừng sâu có dịp trút ra những suy nghĩ vẫn cất kỹ trong lòng. Còn tôi với nàng, đến lúc ấy, chỉ còn muốn tiếp tục cuộc tìm kiếm chân lý của tình yêu, nên chẳng còn muốn tranh luận điều gì nữa. Cuối cùng, tôi chỉ hỏi vui có phải là do trộm gỗ của  nhà nước nên bọn họ đã phải làm việc vào ban đêm hay không? Mọi thứ trên mặt đất này đều sinh ra từ ánh mặt trời, nên lũ chúng tôi có trộm gỗ là trộm ánh mặt trời. Về sau, nàng cứ nhắc đi nhắc lại với tôi rằng phải ghi lời ấy vào kho tàng kiến thức nhân loại, và bên dưới phải ghi rõ đấy là lời của đám trộm gỗ nhà nước. Các vị phải quay lại thôi, vì chẳng thể ngang qua khu rừng lũ chúng tôi đang qui hoạch. Cuối cùng thì tay lâm tặc cao to, đại diện cho bọn họ, tuyên bố với chúng tôi thế. Mãi về sau, khi nhắc lại chuyến đi ấy, chúng tôi cứ thấy buồn cười. Chẳng phải buồn cười vì đám trộm gỗ nhà nước đã nhân danh là những người qui hoạch rừng. Mà buồn cười là đi tìm chân lý chi lại sợ đến gần vãi các thứ  ra trong quần khi gặp đám trộm gỗ nhà nước.

(nguồn:gackhuevan2.tk)

Related Posts Widget for Blogger

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét