...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

Nâng Ly Lần Cuối

Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm
 
 
Nicanor Parra trong đám tang của Pablo Neruda, 1973.
 
NICANOR PARRA
(1914~)
 
Sinh ngày 5 tháng 9 năm 1914 tại San Fabián de Alico, thuộc phía nam của Chile, Nicanor Parra là một tài năng rất đa diện và hiếm có. Ông là nhà vật lý học, nhà toán học và là một trong những nhà thơ lớn và quan trọng nhất của Châu Mỹ Latin. Ông học ngành kỹ sư ở trường đại học Chile, Vật lý ở trường đại học Brown, và sau đó là Vũ trụ học ở trường Oxford. Trong nhiều năm, ông dạy toán và là giáo sư vật lý ở trường đại học Chile. Có thời gian ông còn dạy cả về môn vũ dân gian. Về già, ông còn thử nghiệm một số lãnh vực nghệ thuật mới, trở thành một điêu khắc gia và một nghệ sĩ tạo hình nổi tiếng. Cuộc triển lãm của ông về điêu khắc và những bài thơ phản-thơ tạo hình (visual antipoems) ở Santiago và Madrid vào năm 2001-02 được đánh giá là rất thành công.
 
Với tập thơ đầu tay được xuất bản vào năm 1938, Parra đã được độc giả và giới phê bình chú ý; nhưng ông chỉ thực sự khẳng định được vị thế độc đáo của mình trong nền thơ Chile và châu Mỹ Latin nói chung với tập Poemas y Antipoemas (“Thơ và Phản-thơ”) được xuất bản vào năm 1954. Với tập thơ ấy, Parra được xem là hình ảnh tiêu biểu nhất, thậm chí, là cha đẻ của phong trào phản-thơ (antipoetry) trên thế giới. Xin lưu ý là, như nhiều nhà nghiên cứu đã từng nhấn mạnh, trước đó, năm 1926, nhà thơ người Peru Enrique Bustamente Ballivan đã xuất bản một tập thơ có tên gọi Antipoemas (“Phản-thơ”) và khái niệm phản-thơ này cũng đã xuất hiện trong tác phẩm Altazor của Vicente Huidobro vào năm 1931, tuy nhiên, chính Nicanor Parra mới là người đầu tiên thực hiện và đi đến tận cùng kỹ thuật và phong cách sáng tác này.
 
Bài thơ “Nâng ly lần cuối” dưới đây nằm trong tập Russian Songs (1967) được David Unger dịch và in lại trong Nicanor Parra, Antipoems: New and Selected (New York: New Direction Publishing, 1985), David Unger biên tập và Frank MacShane giới thiệu.
 
Phan Quỳnh Trâm
 
 
 
Dù muốn hay không
Chúng ta chỉ có ba lựa chọn:
Quá khứ, hiện tại, và tương lai.
 
Và thậm chí không được ba nữa
Bởi triết gia bảo chúng ta
Quá khứ đã trôi qua
Nó chỉ thuộc về chúng ta trong ký ức:
Từ đoá hồng đã bị tuốt hết những cánh hoa
Không còn cánh hoa nào để ngắt.
 
Chỉ có hai quân bài
Trên cỗ:
Hiện tại và tương lai.
 
Và thậm chí không được hai nữa
Bởi ai cũng biết
Hiện tại thì không tồn tại
Nhưng nó đang trên đường trở thành quá khứ
Và nó trôi qua...
                             như tuổi trẻ vậy.
 
Nói tóm lại
Chúng ta chì còn tương lai;
Tôi xin nâng ly chúc mừng
Bởi ngày đó không bao giờ đến
Nhưng lại là thứ duy nhất
Chúng ta thực sự có.
 
 
-----------------
Dịch từ bản tiếng Anh “The Final Toast” của David Unger, trong Nicanor P
nguồn:tienve.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét