...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

ĐƯỜNG ĐỜI




 Đường đời đầy bất trắc, luôn biến động, không ngừng nghỉ. Con người nằm trong guồng quay đó. Chính cuộc sống đã dạy cho chúng ta nhận biết góc khuất, đường cong, lên thác, xuống ghềnh. Chỉ cho ta cách ứng phó trên mọi nẻo đường, chọn kế sách mưu sinh để tồn tại và phát triển. Nếu chỉ một mình ta thật đơn giản trong việc nuôi thân. Song lại khốn khó về tinh thần, nhất là lúc về già.
   Có những người tích tụ phúc đức nhiều trong quá khứ và hiện tại , nên vận khí tốt.Tạo hóa cho họ “ được hưởng lộc ” nhiều và dầy cả dòng tộc. Thật quý và hiếm.
    Còn lại thông thường thì trời đất: Chẳng cho ai tất cả. Không lấy hết của ai bao giờ. Được cái này có thể sẽ mất cái khác ...


    Tôi chỉ giới hạn trong phạm vi hẹp. Nơi tôi ở là tỉnh lẻ. Vậy mà có những việc diễn ra cứ như trong tuồng cải lương hay tiểu thuyết. Đó là chuyện ông năm Bồng, vốn dân gốc rạ.Thời trẻ trốn cha mẹ theo cách mạng làm chiến sỹ công binh của quân giải phóng MN. Hết chiến tranh ông về làng cũ làm ruộng … Những lúc nông nhàn ông làm thợ hồ vừa để kiếm thêm tiền vừa đi cho biết đó biết đây. Năm trước ông vô Sài Gòn làm thợ xây nhà ở Linh Xuân, quận Thủ Đức. Sau giờ làm ông và các bạn kéo vô quán uống vài chai bia giải mỏi. Cậu bé tật nguyền bán vé số nài nỉ ông mua. Sẵn có năm tờ mười ngàn, ông mua luôn năm tờ vé số. Phát cho bạn nhậu mỗi người một tờ. Nhưng họ không nhận mà bảo ông “ Đã là số thì không nên cho. Cho chắc gì đã trúng. Trời kêu ai nấy dạ. Nếu ông trúng số đừng quên chúng tôi là được ”. Ông ngồi nhậu mãi đến gần tám giờ tối , định ra về thì đứa nhỏ bán vé số chạy lại nói:“ Ông ơi ông trúng số độc đắc ”. Ông mừng quýnh lên xe về nơi trọ quên cả đi dép. Ông không quên lời hứa với bạn nhậu. Đã tặng họ và cậu bé bán vé số mỗi người một trăm triệu đồng …
     Trúng số độc đắc thì bạn sẽ thế nào ? Riêng ông Bồng,đơn giản là về quê với gốc rạ như cũ.  Ông tính toán kỹ trong chi tiêu. Việc đầu tiên là ủng hộ tiền cho các quỹ khuyến học, qũy CCB, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo. Tài trợ số tiền lớn tu sửa đình, chùa của làng.  Phát tiền và gạo cho những hộ nghèo khó, già cả cô đơn trong làng …  Sau đó ông sửa chữa lại nhà, nơi thờ cúng khang trang. Xây lại mồ mả ông bà cha mẹ. Mua nhà cho vợ chồng cậu con trai thứ lập nghiệp ở Sài Gòn. Ông mở cửa hàng mua bán vật liệu xây dựng. Vợ ông vẫn trồng rau khi vắng khách mua hàng. Ông trở thành “ người nổi tiếng ” của làng … Ông nói với các con: “ Tọa thực sơn băng” . Nếu không làm, ngồi ăn thì của núi cũng hết.  Nhưng …( khổ vì chữ nhưng này đây ) cô con gái nghe lời chồng, hiến kế cho ông mua xe hơi  6  chỗ ngồi, ông không chịu. Sau cô ta lại bảo : “  Ba nên mua xe tải nhẹ để chở hàng …”. Ông thấy có lý nên mua xe tải theo ý con gái. Con rể  là tài xế. Vào một buổi tối chàng rể của ông có hơi men mà vẫn lái xe. Chiếc xe đã lao xuống ruộng lăn mấy vòng mới ngừng. Cậu con rể bị thương phải cưa  chân, tàn phế suốt đời !...
   Nhớ lại trước đây người cựu chiến binh năm Bồng, khi đó quá nghèo khổ, túng thiếu mọi bề  Nay vợ đau, mai con ốm. Chạy vạy tối ngày nợ nần đầy đầu. Việc khất nợ, hẹn nợ, trốn nợ đã là việc thường ngày. Lúc nào cũng lo âu, rất sợ tiếng gọi cửa. Gần như cùng đường …Năm Bồng ngửa mặt lên trời kêu than khẩn cầu: Trời ơi, hãy cho tôi giầu có dù chỉ một ngày rồi chết cũng cam lòng. Thương tình kẻ khốn khó “ trời ” đã ban cho ông trúng mấy năm liền về cây bạch đàn bán được giá. Đời sống khá hơn trước nhiều…
    Có người, vận khí tốt không cần cầu cạnh để  làm quan, người ta cũng đưa họ lên, vì được dân tín nhiệm. Đó là Phúc đức tốt nên phùng thời, gặp vận. Những người như thế thường “ vì dân, không vì quan ”. Họ như cái gai trước mắt những quan tham. Thiên hạ có câu “ Quan đần thì dân khổ. Quân không đần thì quan khổ”. Tuy nhiên, họ biết dừng đúng lúc. Hết quan hoàn dân. Họ tồn tại mãi trong lòng dân.     Có những người biết phận mình, đường đời nhiều thác ghềnh hiểm nguy, đầy gai chướng, dọn sạch, san bằng là điều không tưởng, dù muốn hay không họ vẫn phải đi trên con đường đó cho đến khi phải thở bằng máy ô xy.  Nên họ phải chuẩn bị đôi giày tri thức bền chắc, con dao kỹ năng hiệu quả, đạp lên gai chướng mà đi, gặp cây cản đường cần chặt thì chặt,  cần đi vòng thì vòng, thẳng đường mà tiến. Có xa  nhưng chắc chắn tới đích, họ không đi đường tắt. Cho dù ai đó cho họ là khờ, là thần kinh. Họ sống bình dị “ tri túc thường lạc ”, hòa đồng với mọi người. Được bà con xóm làng quý trọng…
   Cũng có người đường đời trải thảm cho họ đi bằng mọi cách. Kể cả đi bằng gối hay bò miễn sao đến đích danh vọng, giàu có và quyền lực. Song  nghiệp ác quá lớn! Nên trời không cho họ mãn ý. Đã khiến họ phải đau khổ, khóc vụng, than thầm vì sự hoang đàng, tiêu xài phá gia chi tử của con cháu. Dư luận bàn tán xôn xao về ông X là UVTW Đảng, quan đầu tỉnh. Nhưng con trai lại mê cá độ bóng đá thua vài tỷ. Bị xã hội đen đòi nợ, nếu không trả sẽ lấy mạng. Ông X đành “ đưa con vào trại giam, để nhờ CA bảo vệ  tính mạng”. Nhưng rồi cũng phải “ nhả ra ” trả nợ cho quý tử.  Có ông tránh tiếng ( trốn kê khai và minh bạch nguồn gốc tài sản ) đã nhờ em vợ mua nhà ở Sài Gòn. Khi đứng tên mua nhà, trên pháp lý là tài sản của em vợ. Thế là “ của thiên trả địa ”. Tiền đã giết chết tình !. Ông quan cao cấp dưới một người trên vạn người. Trước khi về hưu đã “ thương thảo ” cho con trai về làm phó bí thư huyện ủy rồi lên bí thư. Nhân tính không bằng trời định. Cậu con trai của ông đã chết ngạt trong xe hơi cùng với cô gái 21 tuổi, là tiếp viên nhà hàng!.( chuyện này cả tỉnh biết cho dù cố bưng bít).  Có người khi đương chức dương dương tự đắc cứ nhìn lên trời, hạ mục vô nhơn. Khi hết thời về vườn chắng ai thèm chơi. Suốt ngày hết ngồi lại nằm xem ti vi, làm bạn với chó mèo ! Hàng ngày bóc lịch mong chờ thời gian họp chi bộ thường kỳ để có cơ hội “ nhai lại ” những gì đã nghe trên truyền hình. Trong khi người khác hàng ngày cập nhật tin tin tức trên In tơ nét. Ông ta bảo tin đó không chính thống!...
   Những người muốn nhanh để đến trước người khác, mưu cầu quyền lực, lợi lộc, họ tìm con đường ngắn nhất. Đường tắt. Xem đó là khôn lanh, sáng tạo, bí quyết thành công, không cho ai biết. Nhiều người “ đi đường tắt, vào cổng sau ” và họ đã thành công. Thành công của họ đôi khi phải hãm hại người khác, kể cả bạn đồng liêu…Tuy nhiên “ Phúc bất trùng lai. Họa vô đơn chí ”. Nào ai lường trước được đường tắt có những gì. Khi gặp loài dây leo quấn vào chân làm ngã, thế còn may vẫn đứng dạy đi tiếp. Vô phúc ngã xuống vực thẳm có khi tan xương nát thịt. Cái  khôn lanh, ranh ma tưởng hơn người hóa ra vào cửa thân bại danh liệt. Nhiều người phải trả giá quá đắt bằng chính mạng sống của họ ! Nhưng không ít người vẫn thích đi “ đường tắt ”…

LQT 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét