Truyện ngắn của Trịnh Sơn
Đây là một câu chuyện lẫn lộn giả thật. Mọi người cần cân nhắc trước khi đọc .Truyện chỉ vài nghìn chữ mà khái quát được cả một thời ,tài!
Đã lên phường gần chục năm, nhưng người ở đây vẫn quen gọi xóm. Ngày xưa chỉ lơ tơ mơ chưa đầy trăm nóc nhà rải từ triền núi Diên xuống cánh đồng Thơm dọc lộ lớn, băng qua con đê là thấy biển. Biển không có bãi cát, lội qua bãi Quạ sình non, thò chân ra là xuống ghe liền nên hai chục năm đổ về trước, người ta vẫn chọn điểm vượt biên ở đây. Vừa kín đáo, vừa kín gió. Còn rừng thì hồi đó mênh mông cây gỗ, đóng cả đoàn tàu Nô-ê còn được huống gì mấy chiếc ghe nhỏ như cái giường vợ chồng son. Giờ thì rừng đã trọc, có một ngôi chùa mọc lên bên con suối nhỏ. Khách thập phương ghé thăm Phật thưởng thức non nước hữu tình ngày càng đông, thế là mọc theo bao nhiêu là hàng quán. Lâu lâu con nước lũ về, mà toàn là chọn lúc nửa đêm về sáng, hôm sau người ta thấy bao nylon và đủ thức rác treo hờ hờ trên đầu ngọn cây.
Lần này tôi về, không chỉ để thăm nhà mà chỉ vì muốn trốn cái náo nhiệt oi bức Sài gòn trong những ngày thất nghiệp. Xe đò thả ngay ngã ba vào xóm. Con đường lên núi đã trải nhựa phẳng phiu nhưng chưa có hành lang, vỉa hè gì cả. Nhà dân chỗ đập dỡ dang, nơi còn nguyên vẹn chườn mình ra sát mép đường. Chắc là đền bù giải tỏa chưa ổn. Tôi vác ba lô về gần tới nhà thì nghe thấy tiếng gọi sau lưng.
- Giàu có chức tước sao rồi mày !?
Một khuôn mặt trờ tới sát bên. Thằng Hân! Thằng bạn thời đồng ấu cho tới cấp ba đây mà.
- Sao mày biết tao về ? – Tôi làm bộ ngạc nhiên.
- Vậy mới là tao chớ. Lên xe.
Không để tôi kịp phản ứng gì. Nó lôi ba lô trên vai tôi xuống để sau tay lái chiếc honda cà tàng. Nhà tôi chỉ cách chỗ đứng này chưa đầy 100m nữa.
- Đằng nào cũng về. Nhà mày còn đó chớ có chạy đi đâu mà lo! – Thằng Hân chắc nịch với nụ cười hiền lành y chang ngày nào.
Nó chở tôi ra quán nhậu phía tây núi. Bà chủ quán tóc đã bạc nhiều. Trước, bà là cô giáo của cả đám con nít xóm này. Người của ngày xưa.
- Con chào cô.
- Ô…
Tôi cứ đứng im lặng nghiêm ngắn trước mặt cô giáo cũ.
- Thằng Sơn con ông Bảy Râu phải không? Ô…
Tôi nhớ như in tiếng “ô” đặc trưng của bà, giờ đã xen nhiều âm khàn hơn 30 năm trước. Ngày đó, mỗi khi khen/mắng học trò hoặc lúc đọc một đoạn Kiều (bà yêu Kiều lắm thì phải), thì luôn “ô” đầu câu, giữa câu, cuối câu bất cứ lúc nào có thể. Có khi, bà chỉ “ô” một tiếng mà chẳng nói gì. Bọn trẻ yêu bà như mẹ, có đứa nghịch ngợm gọi thân mật “bà giáo Ô” – bà nghe được chỉ cười hiền hậu. Riết, người ở đây quen với cái tên dễ nhớ dễ thương này, lâu dần họ quên luôn bà giáo Ô tên thật là chi.
- Dạ, thằng Sơn con ông Bảy Râu đây, cô ạ.
Người khác nghĩ sao khi bị gọi tên chỉ mặt cùng với tên cha/ông mình tôi không rõ, riêng với tôi, mỗi lần nghe ai nhắc kèm tên ba mình lại không kiềm được sự thổn thức tự hào bừng lên trong đầu. Ba tôi là ông cai xây dựng nhiều công trình của Mỹ ở Nha Trang, con út trong gia đình mười bảy người con của một kỹ sư đường sắt học Pháp về. Từ trẻ, ông đã thừa hưởng từ ông nội tôi hàm râu quai nón tuyệt đẹp – ai cũng nói vậy cả. Sau này, đọc lại nhiều cuốn sách cũ tôi mới nhìn thấy mặt ông nội mình, chứ lúc anh em chúng tôi ra đời, ông nội đã bỏ thế giới này đi lâu rồi. Giải phóng, ba tôi đi cải tạo, 5 năm về, vượt biên ở Hòn Khói, ghe chạy lạc rồi chết máy nửa chừng, trôi dạt cả chục ngày cũng thấy được đất liền. Ông kể, ai thấy đảo cũng mừng cả, như kẻ sắp chết vớ được cọc, dốc sức chèo tay vào bờ. Vừa cập đảo, đã thấy bộ đội biên phòng lăm le súng ống chờ sẵn. Ôi, Côn Đảo! Tôi được đẻ ra ở đây, tới năm 2 tuổi thì chính quyền cho đoàn chúng tôi về mảnh đất này. Kinh tế mới. Lại tiếp tục sống với rừng để nuôi giấc mơ vượt biển. Ba tôi là bậc thầy trong việc xẻ ván đóng ghe, sửa chữa máy móc và tập lái cho thanh niên thời ấy. Một chút ký ức thoáng lướt qua tâm trí, khiến tôi ngồi thừ ra. Thằng Hân nhắc:
- Cụng ly đi mày! Làm ăn sao rồi?
- Ừ, dzô.
Nhấp hết ngụm rượu gạo, tôi mới trả lời nó.
- Làm ăn con khỉ gì được chớ! Ở phòng trọ, ăn cơm bụi, è lưng ra cày cho người ta hưởng,… Nản lắm rồi…
- Nản sớm vậy? Mày không nghe “thất bại vì ngại thành công” hả? Năm này chưa được thì năm sau làm tiếp. Có sao đâu.
- Tao chỉ e “thất bại là bà ngoại thành công” mà thôi! Thôi, dzô đi. Còn mày thì sao?
Thằng Hân cụng ly nhưng không uống. Ánh mắt sáng linh lợi của nó vừa có vệt tối nào đó bay qua. Cái thằng giỏi văn, hết phổ thông lại thi bách khoa, học nghề lập trình. Ra trường, mở công ty phần mềm, cũng sáng chế cũng sản xuất rùm beng ồn ào một thời gian dài. Tự nhiên mất bóng. Về nhà, trông coi con, phụ vợ bán giày dép quần áo trẻ em ngay đầu xóm.
- Mày biết rồi đó, từ ông nội tao, đến ba tao, mẹ tao, chú tao, anh hai tao đều bị người ta gọi là ngụy quân ngụy quyền. Mà, cả cái xóm này có ai không “ngụy” chứ, nếu gọi theo cách của họ. Đi cải tạo người nhiều thì mười năm, kẻ ít thì cũng 5-7 năm, về tưởng yên ổn làm ăn, lại luôn bị theo dõi thập thò. Thấy mình có thịt cá ăn thì dèm pha “quân địa chủ”. Mình ăn rau muối thì lại bảo “đồ lười biếng, chống đối, không chịu lao động kiếm cái ăn”. Tao lớn lên, xã hội thay đổi nhiều, cái tư tưởng mạt thị ấy có giảm bớt đi nhưng chẳng hề biến mất.
Ông bố vợ tao là một cựu chiến binh, gia đình nghèo nát. Thằng con rể hết sức chu toàn cho nhạc gia, từ xây dựng lại nhà cửa cho khang trang nhất xóm, nuôi nấng đám em vợ theo đại học rồi xin cho việc làm tử tế. Đùng một cái, tao sẩy chân trong một vụ đấu thầu vì bị một thằng đại gia khác cạnh tranh đểu. Ông già vợ đã không hề động viên an ủi thằng con rể tiếng nào, lại còn lôi con gái về ở rịt bên nhà: – Ba đã nói mà con không chịu nghe, giờ vỡ mặt ra thấy chưa? Cái thứ ngụy cụt đầu ấy không bao giờ nên người được đâu… Bao nhiêu hằn học gì với thế sự, kể cả đường binh nghiệp của ông không được suôn sẻ, bị đồng chí của mình phe cánh hạ bệ – ông cũng ném vào thằng rể, ném vào cái lý lịch sui gia mà giờ đây – gần hết những cái tên ấy đã chầu trời hoặc ở một vùng đất nào xa xôi. Thằng Hân biết chuyện, chẳng nói gì nhưng tính tình trở nên cáu bẳn khác hẳn sự linh hoạt, dí dỏm thường trực trước kia. Nó chẳng bao giờ đặt chân vào ngôi nhà bên vợ được xây lên bằng tiền của nó. Hai vợ chồng gom góp vốn liếng còn lại, mở một cửa tiệm nho nhỏ cũng đủ sống qua ngày.
- Có khi, chính ông nhạc của mày cũng chẳng hiểu được cái nghĩa của từ “ngụy” nữa. May mắn là vợ chồng mày vẫn sát cánh bên nhau. Vậy là còn hạnh phúc chán! – Tôi không biết nói gì hơn – À, mà ông cụ nhà mày sao rồi ?
- Ba tao hả ? Từ ngày tao lụn bại, thêm sự cố từ phía sui gia như vậy, ba tao suy sụp luôn. Bây giờ chỉ còn cái xác không hồn, chẳng ra khỏi cửa một bước trừ phi phải đi cấp cứu vì lao phổi hoặc ngày chủ nhật ông muốn dự lễ nhà thờ.
- Tao muốn ghé thăm ông cụ. Ba tao mỗi lần gọi về, đều nhắc ông, “Sao bác Hoài không chịu qua Mỹ hả con?”…
Ba thằng Hân nguyên là Trung tá Đinh Văn Hoài – dạy võ bị nhiều năm ở trường sĩ quan Đà Lạt. Khi sự cố 75 đến gần, dù có nhiều cơ hội đi Mỹ tỵ nạn, ông khăng khăng không đi. Bị chính quyền mới đưa đi cải tạo gần chục năm. Thằng Hân ra đời khi ba nó vẫn còn trong tù, trong một lần má nó lên thăm, đút lót 1 cây vàng cho cán bộ quản giáo để họ cho ông Hoài ra đồng chăn trâu một buổi trưa – cái duyên sót lại để níu kéo người tù chính trị vượt qua bệnh tật, khổ ải, đòn roi để về sum họp gia đình. Ra tù, ông tạo dựng được một sự nghiệp đáng nể: một trang trại cả trăm hecta ngay chân núi Diên. Cây thuở ấy nếu còn tới giờ, hẳn đã xanh bao kín rừng kín núi. Trong xóm, ba tôi và ông thân nhau như anh em. Hai ông thường ngồi uống trà, hút thuốc rê kể chuyện đời. Lúc ấy, tôi với thằng Hân còn lon ton ngoài đồng ngoài bãi chơi trò đánh trận. Ba tôi nhiều lần khẩn khoản mời, thậm chí là van xin ông cùng vượt biển, nhưng ông nhất định “không là không”. Khi chính phủ Mỹ mở cánh cửa HO, ông Hoài có giấy mời gọi đàng hoàng, nhưng cũng chẳng hề hấn gì với suy nghĩ sắt đá ông đã gìn giữ từ ngày tao loạn. Ông làm kinh tế giỏi. Ông mở lớp dạy võ, dạy thuốc, dạy chữ cho thanh niên trai tráng trong xóm. Ông vận động mọi người kè đê đắp đập ngăn mặn, trồng lại rừng ngăn đá núi bắt đầu xói lở nhiều. Người ta gọi ông là Thầy Hoài một cách kính cẩn, từ cụ già tóc bạc cho tới đứa con nít vừa biết khôn.
Ông đổ bệnh từ khi nhà nước ra quyết định lấy không khoảng rừng mà bao nhiêu mồ hôi nước mắt ông còn ấm nóng với đất đai, cây cỏ. Dân tình lúc ấy nhốn nháo cả lên, họ bênh vực ông, săn sàng đứng sau lưng ông để chống đối lại cái sự ăn cướp giữa ban ngày ấy, nhưng ông trầm ngâm không nói không rằng câu nào. Lẳng lặng giao đất, giao trang trại cho Hợp tác xã “Tôi chỉ xin các người một điều, chỉ một điều duy nhất này, là hãy giữ rừng, đừng ham lợi trước mắt mà cả xóm này phải lãnh hậu quả về sau…”. Họ đã không giữ lời. Mấy tháng sau khi tiếp nhận, xe ủi xe cuốc cùng tiếng cưa máy ầm ồ gào thét suốt ngày đêm. Ông Hoài ôm ngực, hộc máu, phải đi cấp cứu. Ông chưa ra viện thì đã nghe tin lũ trên nguồn đột ngột tràn về xóm, bờ đê vỡ, một gia đình có bà mẹ quá với hai đứa con côi đêm ngủ mê chạy không kịp bị lũ cuốn mất xác. Bao nhiêu năm về sống ở mảnh đất hiền lành này, người ta mới lần đầu chứng kiến một cơn giận dữ của rừng núi ngàn năm.
Buổi trưa ông Hoài ra viện, vừa về đến nhà đã nghe tin bà con trong xóm đang kéo nhau lên phản đối Hợp tác xã tiếp tục phá rừng. Buổi tối, nhiều người lạ mặc thường phục ập vào chỉa súng, còng tay ông Hoài lên xe bít bùng chở đi mất. Mấy tháng sau, ông trở về mang thêm cái mác “Fulro” trên lồng ngực hóp háp thở khó nhọc, tiếp tục bị quản chế.
Thằng Hân tính tiền để về. Bà giáo Ô mới hỏi tôi:
- Con đang làm cho cơ quan nào? Ô, trên Bộ hay Sở, ô, nghe nói lớn lắm phải không?
- Dạ, con đang thất nghiệp, ăn bám bạn bè đây, cô ơi!
- Ô, học hành đàng hoàng như con mà còn thất nghiệp ô? Không làm ở đâu được thì, ô, về đây bán quán nhậu với cô. Sống cũng được lắm. Đừng lang bang xứ người làm gì. Ô…
Tôi tin, bà giáo Ô đang nói thật. Có thể, ngày nào đó tôi sẽ phải về đây mà tá túc trên chính mảnh đất cha anh mình đắp bồi bằng cả cuộc đời họ mà thôi.
Thằng Hân rón rén mở cửa phòng ba nó. Hình như, ông đang thiu thiu ngủ. Hơi thở nặng nề, ngắt quãng như thanh âm mệt mỏi phát ra từ một dây đờn cò sắp đứt. Chúng tôi dơm chân bước ra thì ông Hoài trở mình, chầm chậm lên tiếng:
- Hân hả con? Lại nhậu nữa hả?
Thằng Hân đỡ ông ngồi tựa lưng vào gối.
- Có thằng Sơn bạn con về ghé thăm ba đây.
- Đâu? Thằng Sơn nào?
- Dạ, con là thằng Sơn con ông Bảy Râu, bác Hoài ơi!
Không nén được cảm xúc trước sự gầy yếu đã xâm chiếm gần hết cơ thể người đàn ông mạnh khỏe, cường tráng, tốt bụng ngày xưa vẫn hay bế thốc mình lên vai đi chơi, tôi ngún nước mắt.
- Lại gần đây cho bác coi rõ mày chút nào. Ừ, hơi ốm nhưng mà khỏe mạnh là tốt. Mày cũng uống rượu hả? Bảy Râu với tao có ai biết uống rượu đâu mà đẻ con ra toàn là dân ăn nhậu say xỉn vầy hả…
Vừa nói, ông vừa nắn nhè nhẹ bàn tay tôi. Thằng Hân sợ ba nó nói nhiều sẽ mệt nên can.
- Tụi con lâu quá mới gặp nên uống mấy ly mừng thôi mà ba.
- Mày ra lấy nước. Để ba hỏi thăm thằng Sơn chuyện bác Bảy.
Tôi kể cho ông nghe về cuộc sống của ba mình ở Mỹ. Ông chăm chú, đôi khi môi nhoẻn cười, mắt ánh lên thứ ánh sáng của những con đom đóm lúc tàn đêm.
- Kể ra, ở bển sống cũng khỏe. An sinh xã hội người ta làm tốt hơn xứ mình, con hả. Nhưng, ba mày chắc là buồn lắm.
- Sao bác không đi, hả bác Hoài?
Ông lắc đầu. Có phải cái lắc đầu quen thuộc ông đã từng dành cho ba tôi ngày xưa?
- Bác thì coi như xong rồi. Còn thằng Hân, nó đang bất đắc chí, cứ ăn nhậu rồi đi kiếm chuyện với quá khứ. Cứ muốn đòi lại đất đai, cứ muốn dành lại công lý. Con ơi! Mình có thể làm giàu hoặc chết đói, có thể thay đổi cả thế gian này, nếu muốn, nhưng làm sao chối bỏ được nguồn cội, dân tộc, đất nước mình. Màu da chớ có phải màu áo đâu mà muốn thay thì thay. Có qua Mỹ, bác cũng chỉ là thằng lính già hết thời, ăn bám vào chế độ người ta ban phát. Nên mấy chục năm trước đã không đi, có khi cũng lung lạc cũng muốn đi, nhưng rồi vẫn quyết tâm ở lại.
- Chuyện người ta nói bác là Fulro, có thật không?
- Nếu tụi con là bác ngày mới về đây khai hoang lập nghiệp, xây dựng đời sống mới sau quãng dài thanh niên chìm trong chiến tranh, con có muốn gây thêm một cuộc đổ máu nào nữa không? Con có thể lại ôm súng bắn vào đồng loại đau khổ, đói nghèo của con được không?
Tôi ngồi với ông gần 2 tiếng đồng hồ. Hình như, lâu lắm ông chưa nói chuyện nhiều với ai. Ngày ấy, chàng thanh niên Đinh Văn Hoài đang học năm cuối trường thuốc thì được mời lên Trường võ bị Thủ Đức giảng dạy về các phương pháp cấp cứu, trị thương chủ yếu bằng lá cây, thảo dược trong rừng cho binh lính trước khi ra trận. Do có nhiều hiểu biết về Đông y, Dịch số, đưa ra nhiều thông điệp có ích cho mạng người trong chiến tranh lúc đó nên ông lại được mời lên Trường sĩ quan Đà Lạt giảng dạy. Ông dạy võ, dạy triết, dạy nghề thuốc, dạy tiếng Pháp tiếng Anh cho nhiều lớp sĩ quan mà sau này nhiều người trở thành tướng lĩnh. Cấp hàm Trung tá là họ phong cho ông như một sự kính trọng và biết ơn. Oái oăm thay, cái lon ông từ chối nhận nhiều lần này lại là cái họa về sau.
- Cả cuộc đời bác, chưa hề bắn một viên đạn nào, chưa biết giết một người nào, con ơi!
Đó là câu nói cuối cùng ông thả khỏi lồng ngực gầy tóp của mình. Tôi bước ra ngoài, thấy thằng Hân đang phả khói thuốc lên trời. Hai mắt nó ràn rụa nước. Nãy giờ nó đã nghe tất cả những lời ba mình nói. Đã nghe và đã khóc.
Tôi đi bộ lững thững về nhà. Hơn mười giờ đêm. Trăng treo nửa nón chênh chếch phía đông bắc ngọn núi Diên. Sương bắt đầu nhiều. Không khí trong lành đến lạ.
Người chị gái duy nhất của tôi còn trụ ở xóm này, vẫn ngồi chờ cơm.
- Sao trễ vậy Sơn? Chị lo.
- Em kẹt việc nên về muộn. Chị chờ từ chiều tới giờ à?
- Ừ. Lần này em về thăm nhà được lâu không?
- Chắc sáng mai em đi sớm rồi…
Chị buồn thấy rõ. Khi lên xe về đây, tôi đã nghĩ mình phải ở nhà ít nhất là nửa tháng. Leo núi Diên. Thăm bãi Quạ. Dạo đồng Thơm. Theo ghe đi câu biển… Để cái tâm mình chững chạc lại rồi mới tính tiếp. Nhưng, ngay giờ này, tôi biết mình không thể để thời gian trôi qua hờ hững như thế nữa khi cuộc đời mình đã lắm sự hững hờ chưa cắt nghĩa hết được. Sáng mai, lại con đường mới trải nhựa chưa có vỉa hè dẫn ra ngã ba quốc lộ, chuyến xe đò nào đó sẽ ghé lại đón gã thanh niên vác trên vai nằng nặng giấc xóm giềng đã mốc meo bởi thức trắng với thời thế chưa kịp lành lên thành phố chật chội. Lời ông Hoài còn gấp khúc trong tai: – Ai muốn phá thì mặc họ, cái giá phải trả không từ chối người nào cả, mình cứ xây. Nếu mình cũng phá thì xóm làng này, đất nước này mãi mãi chẳng nên hình. ./.
(nguồn:VănVN.net)
Bà Rịa, tháng 11/2011
VanVN.Net: Lạ, ông Bẩy Râu ba tôi chỉ từ nhà kỹ nghệ trở nên giầu có thì vượt biên bị bắt lại, lại vượt biên nữa, vượt biên bằng được, còn trung tá Đinh Văn Hoài thì đi tập trung cải tạo về lại chỉ cắm cúi làm ăn, khai khẩn tới hàng trăm hecta đất trồng rừng nhằm giữ nước cho đất sống của bà con lối xóm. Nếu đó là lòng yêu nước thì nó đã được thử thách hết sức nghiệt ngã, do một thời coi đã là ngụy thì lúc nào cũng ngụy và người ta đã nhân danh nó để cưỡng đoạt trăm hecta rừng của ông rồi phá trụi thùi lụi. Để đến nỗi dân xóm điêu linh vì lũ lụt tràn về. Nhưng lão Hoài vẫn không đi Mỹ, dù đã có hồ sơ diện HO. Truyện chỉ vài nghìn chữ mà khái lược được cả một thời, tài! |
Đêm qua, bác Hoài đã mãi mãi ra đi, từ xóm ven núi Diên ấy!
Trả lờiXóa