...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

Đoàn Chuẩn (1924 – 2001)

Đoàn Chuẩn (1924 – 2001) tên đầy đủ là Đoàn Đức Chuẩn là một nghệ sĩ chơi đàn guitar Hawaii(Hạ Uy cầm) nổi tiếng thời bấy giờ, song ông lại được nhớ đến nhiều hơn với vai trò là nhạc sĩ sáng tác nhạc nổi tiếng trong làng âm nhạc Việt Nam. Mặc dù với số lượng sáng tác rất ít ỏi nhưng hơn hai phần ba trong số đó đều trở thành những giai điệu bất hủ.
Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn sinh ngày 15 tháng 6 năm 1924 tại đảo Cát Hải, Hải Phòng; trong một gia đình đại tư sản.  Thời ấy ở miền Bắc truyền nhau câu: “Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét”. Đoàn Chuẩn chính là con trai chủ hảng nước mắn Vạn Vân - nhà doanh nghiệp Đoàn Đức Ban nức tiếng đó.
Ông Đoàn Đức Ban có 4 người con, con đầu là Đoàn Đức Trình, thứ đến là Đoàn Thị Tề, cả hai người này theo nghề của cha, Đoàn Chuẩn là con trai thứ ba trong nhà, sau cùng là bà Đoàn Thị My.

Là con trai thứ trong nhà, việc nhà đã có người anh cả gánh vác nên với điều kiện dư giả, lại được chiều chuộng của mẹ, Đoàn Chuẩn sớm trở thành một tay chơi nức tiếng vào loại bậc nhất của đât miền Bắc thời đó, có lẽ chỉ thua công tử Bạc Liêu ở trong Nam mà thôi.
Đoàn Chuẩn chủ yếu sinh sống và lớn lên Hà Nội cùng anh trai. Ông học trường trung học Louis Pasteur, thuở ấy ông đã có chiếc xe Ford Frégatte và chiếc Buick, thuộc loại sang nhất Miền Bắc. Lúc còn học, ông say mê cô nữ sinh cùng lớp tên là Nguyễn Thị Xuyên, nàng con nhà nghèo nhưng nhan sắc tuyệt vời; chưa qua lời tình tự nào, ông đã hối thúc thân mẫu xin cưới hỏi.
Năm 1942 ông lập gia đình cùng nữ sinh Nguyễn Thị Xuyên. Với dòng máu nghệ sĩ Ông sớm đưa vợ về quản lý trong hảng nước mắm gia đình, còn ông thì lang bạt khắp nơi với cây đàn Hạ Uy Cầm bên mình. Ông từng học đàn guitar với nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ và học guitar Hawaii với nhạc sĩ Wiliam Chấn. Với âm nhạc, ông bắt đàu với những cuộc tình văn nghệ chất ngất yêu thương trong lời ca nét nhạc.
Trong cao trào cách mạng, ông tham gia thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu. Kháng chiến toàn quốc, ông vào tham gia công tác văn nghệ ở Khu IV và bắt đầu sáng tác ca khúc. Ông đã viết Ánh trăng mùa thu từ năm 1947, tại làng Đống Năm, Đông Hưng, Thái Bình. Ca khúc này gắn với một kỷ niệm về làng Khuốc (đất Chèo). Và các bài Tình nghệ sĩ (1948) Lá thư (1948), Đường về Việt Bắc hay Tà áo tím (1949), Thu quyến rũ (1950).
Năm 1951, gia đình ông lại về Hà Nội. Ông viết tiếp Chuyển bến (1951), Gửi gió cho mây ngàn bay (1952), Cánh hoa duyên kiếp (1953), Lá đổ muôn chiều (1954), Tà áo xanh hay Dang dở (cuối 1954 đầu 1955), Vĩnh biệt (1955), Chiếc lá cuối cùng (1955), Một gói nho khô, một cánh păng-sê (1955), Để có những chiều tắt nắng (1955).
Gửi người em gái miền Nam (Xuân 1956) dường như là bài hát cuối cùng khép lại sự nghiệp sáng tác của Đoàn Chuẩn. Trong năm này, hãng nước mắm Vạn Vân và tất cả tài sản gia đình Đoàn Chuẩn bị nhà nước tịch thu. Năm 1957, gia đình ông chuyển về căn nhà nhỏ số 9 - đường Cao Bá Quát, Ông bắt đầu sống cuộc đời dạy nhạc để sống qua ngày.
Những tác phẩm của ông không được cất lên trên các phương tiện truyền thông trong nước, bị coi là nhạc vàng cùng với mọi bài hát mềm dịu, ủy mị không thích hợp với thời chiến, sự im lặng đồng thời là việc ông ngừng không viết thêm bài nào.
Ông có tất cả sáu người con. hai gái và bốn trai gồm Đoàn Chính, Doàn Đính, Đoàn Đức Liêm , út là Đoàn Châu
Đầu năm 2000, ông bị tai biến mạch máu não và hôn mê. Sau đó, ông tỉnh lại nhưng mất tiếng nói, chỉ có thể bút đàm cho đến lúc qua đời lúc 22 giờ, ngày 15 tháng 11 năm 2001.
Tất cả ca khúc của ông đều được ghi tên tác giả là "Đoàn Chuẩn-Từ Linh". Thực ra Từ Linh (? – 1992) không trực tiếp tham gia sáng tác, nhưng Đoàn Chuẩn ghi tên chung hai người để tôn vinh người bạn tri âm của mình, tôn vinh tình bạn đã góp phần tạo cảm hứng nghệ thuật. Từ Linh tên thật là Tạ Đình Thâu - một nhiếp ảnh gia. Cái tên chung mà người nhạc sĩ này đã chọn để sử dụng vẫn là một ẩn số đối với công chúng.
Tác phẩm của ông đượm nét nhạc léo lắt, réo rắt của tiếng suối, tiếng gió nhẹ nhàng mà xa xa. Nhạc của ông nói nhiều về mùa thu. Ông tự nhận mình là "tay mơ" trong sáng tác nhạc và cả trong tình yêu. Hát nhạc Đoàn Chuẩn đầu tiên có Ngọc Bảo, Anh Ngọc, Ngọc Long, Mộc Lan, Thái Thanh, Lệ Thanh, Minh Hiếu, Lệ Thu, Khánh Ly, Mai Hương, và .. vài chục năm sau, ca sĩ Ánh Tuyết đã làm sống lại những ca khúc bất hủ này trong một tâm trạng mới, một luồng cảm xúc mới và một hơi thở mới...

Tình bạn kỳ lạ giữa Đoàn Chuẩn và Từ Linh

Từ Linh, đồng tác giả với Đoàn Chuẩn trong nhiều ca khúc, là một người kín đáo. Cảm tưởng như Đoàn Chuẩn sôi nổi và hồn nhiên bao nhiêu thì Từ Linh lại âm trầm và giữ kẽ bấy nhiêu.
Người ta thường nói đến tình bạn thủy chung kỳ lạ của họ, nhưng chẳng ai biết họ đã tâm sự với nhau những gì và đã cùng sáng tác các tác phẩm rung động lòng người như thế nào.
Hình ảnh hàng xóm lưu giữ lại chỉ là hàng sáng Đoàn Chuẩn đi bộ qua nhà Từ Linh rồi cả hai đến một quán cà phê bình dân ở phố Phan Bội Châu.
Bà Chuẩn cho biết: “Từ Linh rất ít nói. Đến nhà tôi, ông nhà tôi cứ nói, cứ đàn, cứ hát, còn ông ấy ngồi im, nghe, uống cà phê, rồi về”.
Bà Chuẩn bảo : “Ông ấy có biệt danh Tư Lì mà. Sau ông Chuẩn bảo cái tên này không hợp với nhạc nên ông Chuẩn đặt lại là Từ Linh”.
Người ta nói ông Chuẩn quý bạn, muốn bạn nổi tiếng như mình nên đề tên bạn vào làm đồng tác giả chứ nhạc và lời của ông Chuẩn cả (?)
Lúc nhạc sĩ Đoàn Chuẩn còn sống, chúng tôi gặp, có hỏi, ông khi đó bị bệnh nên không còn nói được rõ lời nữa. Bà Đoàn Chuẩn bảo: “Tác phẩm phần lớn là của nhà tôi, ông Từ Linh chuyên về nhiếp ảnh”.
Những tác phẩm của Đoàn Chuẩn đều là nhạc tình, viết cho người con gái cụ thể mà ông yêu, không thể hai người đàn ông chung một tâm trạng như vậy được, không cùng chấp bút được ?
Sự thật về việc hai tác giả đồng sở hữu những bản tình ca rất riêng tư cho chị M, chị T … (Mà sau này người ta còn thấy ông Chuẩn vừa đàn vừa khóc) mãi mãi sẽ vẫn là câu hỏi.
Dường như cả hai ông thích để cho đời câu hỏi như vậy. Nhiều bản viết tay mới nhất của Đoàn Chuẩn (sau khi Từ Linh đã mất) vẫn đều ghi: nhạc Đoàn Chuẩn, lời Từ Linh.
Công việc sáng tác không chỉ là tác phẩm, không chỉ là nốt nhạc và câu chữ trong một bản nhạc, người nghệ sĩ cần một không gian sống và không gian làm việc thường trực, cần những mối chia sẻ về lý thuyết, những định hướng trong sáng tác, thậm chí đôi khi là cả cấu trúc, ngôn từ của một tác phẩm, hoặc về cách mà nghệ sĩ đưa tác phẩm đến với công chúng.
Những người có cá tính và thích sự riêng tư nhất, đôi khi lại là người có nhu cầu chia sẻ nhất. Chỉ có điều không phải với bất cứ ai anh ta cũng chia sẻ. Trường hợp các tác phẩm của Đoàn Chuẩn và Từ Linh, đóng góp của từng người đến đâu, câu hỏi này sẽ mãi mãi bí ẩn.
Anh An con trai ông Từ Linh nói: “Không có Từ Linh thì không có Đoàn Chuẩn. Hai ông đã là một rồi”. “Ban đầu ông Chuẩn chơi thân với bác tôi, sau chuyển qua thân với bố tôi”.
Những hình ảnh mà anh An nhớ mãi, đấy là trong bốn tháng bố anh ốm liệt giường, sáng nào ông Chuẩn cũng mang cháo sang cho bạn, ngồi nói chuyện cho ông Từ Linh nghe, ít nhất là hai tiếng, rồi mới về. Ông Từ Linh nằm trên giường, nói và viết đều khó khăn, bạn bè vốn không nhiều, chắc là ông đã rất vui.
Đoàn Chuẩn viết cáo phó đăng báo cho Từ Linh.
Anh An nhắc đến vòng hoa viếng bạn của Đoàn Chuẩn in dòng chữ: “Tạm biệt Từ Linh”.
Thường, người ta viếng đề là “vĩnh biệt”.
Từ Linh mất năm 1992, không lâu sau đó Đoàn Chuẩn bị tai biến, nói năng rất khó khăn và ông hầu như im lặng cho đến lúc qua đời.
Họ không chỉ là đồng tác giả trong âm nhạc. Gia đình Từ Linh còn giữ lại những giấy mời xem phim của rạp Đại Đồng trong đó đề giám đốc là Đoàn Chuẩn và phó giám đốc Từ Linh.
Đoàn Chuẩn quê ở Hải Phòng, gia đình có hãng nước mắm Vạn Vân nổi tiếng đóng tại đó. Gia đình Từ Linh là nhà xuất nhập khẩu, có cơ sở ở thành phố cảng và cũng thường xuống Hải Phòng bằng xe hơi riêng.
Rạp Đại Đồng, Từ Linh đảm trách nhiều công việc. Đoàn Chuẩn với chiếc xe hơi sang nhất Bắc Kỳ, bản tính lãng mạn đa tình, không biết kinh doanh và có lẽ là chẳng biết làm việc gì ngoài sáng tác nhạc, ông thường chí thú với các tác phẩm. Bà Đoàn Chuẩn cũng nói như vậy.
Anh An: “Cụ tôi sinh năm 1926 tên thực là Hà Đình Thâu. Tham gia đội thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu. Cụ ít nói. Tôi nhớ năm 1979 cụ đi vào Sài Gòn, mua được đài băng cối đem ra. Hai cụ ngồi nghe với nhau, mấy bài liền, thích lắm”.
Nói về bố, anh An chỉ kết luận như sau: “Bố mình phải sống như thế nào đấy mới có một người bạn chung thủy như vậy”.
“Mình vẫn nhận tiền bản quyền tác phẩm. Bốn/sáu. Mình bốn bên bác Chuẩn sáu. Ba rem mà”.
Có thời gian anh An theo học ký xướng âm và đàn bên nhà cụ Chuẩn, nhưng sau không theo nghề. Lúc nhỏ cũng suốt ngày dò đài để nghe nhạc thế giới.
Anh An nói thêm: “Lúc gần mất bố tôi viết bằng tay trái cho tôi mấy lá thư, nhưng tôi đau xót quá, thắp hương xin cụ, rồi đốt. Suy nghĩ của cụ lúc đó rời rạc. Ý là cả đời cho các con, mặc dù có chuyện này chuyện nọ, nhưng lúc nào cũng nghĩ cho con. Cái này cái nọ, chỉ là phù phiếm, đại khái là những chuyện riêng tư của cụ ấy mà. Tôi thì chỉ muốn giữ lại những cái gì nó vui, nó đẹp, còn cái gì gợi cái đau thương, mình bỏ đi”.
(nguồn:vinhan.net)
Tâm Nghĩa tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét