...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

Cuộc đời ba chìm bảy nổi của con gái Stalin

Con gái của Stalin “phản bội” Liên Xô! Vào lúc bấy giờ, đây là tin tức chấn động toàn thế giới! Cuộc trốn chạy lúc đó của Lana khiến phương Tây hoan hỉ, và được xem như là đã “lật ngược thế cờ” cho nước Mỹ trên công luận quốc tế.
Rời bỏ nước Nga
Năm 1953, sau khi Stalin qua đời, tất cả những thứ vật dụng lẫn tài liệu liên quan tới Stalin tại nhà của Lana đều bị tịch thu. Trong số đó, chỉ có một bộ phận tài liệu được trả về bằng những bản photo. Cũng trong năm ấy, Lana đổi từ họ cha sang họ mẹ là Alliluyeva. Trong thời gian này, chính quyền Liên Xô vẫn đối xử rất tốt với Lana, những người bạn học của cô từ thời đại học cũng rất quan tâm, săn sóc cô.
Tới đầu những năm 60 của thế kỷ 20, Lana quyết định kết hôn một lần nữa. Người chồng thứ ba của bà tên là Brijesh Singh - một đảng viên Đảng Cộng sản Ấn Độ. Brijesh Singh tới Moscow để làm việc và trị bệnh. Các quan chức Liên Xô đã từ chối cho phép bà lấy Brijesh Singh, song điều đó không hề ngăn cản hai người chung sống với nhau. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân thứ ba chưa kéo dài được bao lâu thì Brijesh đã qua đời vì bệnh tật.
Lana tới Mỹ
Năm 1967, chính quyền Liên Xô buộc phải chấp nhận cho Lana đưa tro cốt của chồng bà về Ấn Độ. Tại Ấn Độ, Lana ở tại quê của chồng bà trong suốt ba tháng. Tuy nhiên, sau ba tháng sống tại đây, thay vì phải lên máy báy trở về Moscow thì Lana lại tới đại sứ quan Mỹ tại New Delhi để xin tị nạn chính trị.
“Vào những năm 60 của thế kỷ trước, đã có rất nhiều người quyết định rời khỏi Liên Xô. Tôi quyết định làm theo cách của họ. Khi đó, đại sứ quán Mỹ tại New Delhi cách chỗ tôi ở rất gần” - Lana nhớ lại về quyết định rời bỏ nước Nga của  mình.
Nguyên nhân khiến Lana rời bỏ Liên Xô, theo bà nói, là cách thức tồi tệ mà chính quyền Xô Viết đối xử với người chồng đã chết của bà - ông Brijesh Singh. Để thể hiện sự phản đối của mình, Lana thậm chí còn đốt hộ chiếu Liên Xô, lên án cộng sản và cha mình - người mà bà gọi là "ác quỷ về cả đạo đức và tinh thần”. Thủ tướng Nga lúc đó là Alexei Kosygin chỉ trích Lana là người “không vững vàng về đạo đức” và “bệnh hoạn”.
Con gái của Stalin “phản bội” Liên Xô! Vào lúc bấy giờ, đây là tin tức chấn động toàn thế giới! Cuộc trốn chạy lúc đó của Lana khiến phương Tây hoan hỉ, và được xem như là đã “lật ngược thế cờ” cho nước Mỹ trên công luận quốc tế. Lúc bấy giờ, để cứu vãn tình thế, chính phủ Liên Xô cho đăng tải một thông tin nói rằng Lana đã có thị thực của Ấn Độ, cô có quyền ở nước ngoài bao lâu cũng được.
Tuy nhiên, ban đầu, Lana cũng không được phép tới Mỹ. Đầu tiên, Lana từ Ấn Độ bay tới Thụy Sỹ. Sau một thời gian sống tại đây, bà mới chuyển tới sống tại Mỹ. Một thời gian ngắn sau đó, Lana cho xuất bản cuốn hồi ký đầu tiên của mình, được viết vào năm 1963 với nhan đề “Hai mươi bức thư gửi một người bạn”. Cuốn hồi ký của con gái Stalin đã trở thành một cơn sốt lúc bấy giờ và đem lại doanh thu lên tới 2,5 triệu đô la Mỹ.
Sau này, nhiều người Nga chỉ trích bà rằng với cuộc chạy trốn, bà đã vô tình bỏ lại những đứa con của mình trong nước. Tuy nhiên, Lana nói rằng: “Khi đó, con trai tôi đã kết hôn, còn con gái cũng đã 17 tuổi, đã lên đại học. Chúng đâu còn là những đứa trẻ sơ sinh. Chúng đều đã trưởng thành. Tại Mỹ, những người bằng tuổi chúng đều đã có cuộc sống độc lập, cha mẹ không còn đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của chúng nữa”.
Tại Mỹ, Lana có cuộc hôn nhân thứ tư với một kiến trúc sư người Mỹ tên là William Wesley Peters vào năm 1970. Cũng kể từ đó, Lana mới chính thức đổi tên thành Lana Peters và giữ tên đó cho tới khi qua đời. Sau khi kết hôn không bao lâu, hai người có với nhau một cô con gái được đặt tên là Olga. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân giữa hai người cũng không hạnh phúc như mong muốn ban đầu. Họ quyết định ly dị nhau vào năm 1973. “Chúng tôi vừa gặp nhau đã yêu nhau ngay. Tuy nhiên, Peters rất nghe lời chị anh ấy. Chị của Peters cho rằng tôi chắc chắn phải thừa hưởng những món tiền khổng lồ do cha để lại. Vì vậy, đến khi phát hiện ra rằng sự thực không như vậy, chị ta đã tìm mọi cách để đuổi chúng tôi đi. Khi đó, trong người tôi không có tiền và tôi đã mang con gái mình tới London…” - Lana nhớ lại kết cục buồn của cuộc hôn nhân thứ tư của mình.
Cuối đời cô quạnh
Sau khi mang Olga tới London, trong suốt những năm 1970, Lana và con gái phải sống trong cảnh nghèo khó tại London. Do cuộc sống khó khăn, lúc này, Lana liên tục viết thư gửi cho những đứa con của mình ở Liên Xô. Trong bức thư gửi về, bao giờ bà cũng ghi rõ địa chỉ và số điện thoại mới nhất của mình để các con liên lạc. Tuy nhiên, những bức thư của bà cứ như muối bỏ biển, thư gửi đi mà chẳng bao bao giờ Lana nhận được hồi âm.
Một lần, con trai cả Losif đã nhận được một bức thư có số điện thoại của bà, liền gọi điện thoại cho Lana. Sau này, Losif thừa nhận rằng việc ông gọi điện thoại cho mẹ là do sự sắp xếp của chính quyền Liên Xô lúc bấy giờ.
Nên nhớ rằng, vào thời điểm đó đang là Chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và phương Tây, muốn gọi điện thoại tới London là điều hoàn toàn không dễ dàng gì. Sau khi nhận được điện thoại của con trai cả, Lana quyết định mang con gái trở về Liên Xô. “Tôi quyết định trở về Liên Xô là vì con gái. Khi đó, bao nhiêu tiền của tôi đều đã tiêu hết sạch. Trong khi ở Liên Xô thì việc giáo dục đều là miễn phí”.
Năm 1984, sau nhiều năm lưu lạc, Lana trở về Liên Xô. Chính phủ Liên Xô cấp cho Lana nhà ở, xe riêng và khoản tiền trợ cấp hằng tháng. Tuy nhiên, họ cũng cử người giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của bà. “Khi tôi về tới nơi, hộ chiếu Mỹ của tôi lập tức bị tịch thu” - Lana nhớ lại - “Ban đầu, họ chỉ thị cho tôi biết tôi nên làm gì, không nên làm gì”.

Chỉ sau một thời gian ngắn sống tại Nga, do những thù hận trong dòng tộc, Lana lại quyết định rời bỏ nước Nga một lần nữa. Và lần này, Lana tuyên bố rằng bà sẽ không bao giờ trở về quê hương nữa. Quả thực, sau khi tới nước Mỹ lần thứ hai, Lana không bao giờ liên lạc với những đứa con của mình ở Nga nữa. Cô con gái Olga sau khi trưởng thành cũng nhanh chóng rời bỏ Lana. Và người phụ nữ cả một đời long đong, lận đận phải sống những năm cuối đời trong sự cô quạnh, buồn tẻ tại Wisconsin.
Trong thời gian này, Lana viết thêm ba cuốn sách nữa, trong đó có một cuốn hồi ký thứ hai. Và cũng như cuốn hồi ký đầu tiên, cuốn hồi ký thứ hai của bà cũng bán rất chạy. Song, bà từng thổ lộ không thể thoát khỏi chiếc bóng của cha mình. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2010 với tờ Wisconsin State Journal, bà nói về người cha nổi tiếng: “Ông ấy đã phá hỏng đời tôi. Bất luận tôi đi đâu, ở đây (Mỹ), ở Thụy Sĩ, Ấn Độ hoặc Úc hay bất kỳ đâu, tôi luôn là một tù nhân chính trị với tên tuổi của cha mình”.
Những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời, Lana sống trong sự chăm sóc của cô con gái Olga. Hiện tại, Olga đã đổi tên thành Chrese Evans, sống tại Portland, Oregon với nghề bán hàng trong siêu thị. Cho tới ngày 22/11/2011 thì bà Lana Peters qua đời vì bệnh ung thư đường ruột. Tuy nhiên, mãi một tuần sau đó, báo giới Mỹ mới loan báo tin này.
Cuộc đời của Lana có rất nhiều thăng trầm gắn với những biến động lớn trong lịch sử. Trong một cuốn sách của mình, Lana đã tự khái quát về cuộc đời của bà rằng: “Tôi chưa bao giờ có cuộc sống của một người bình thường. Điều đó dường như được viết ngay trên trán của tôi. Mọi người đều biết tôi là ai và tôi là người thế nào. Đó là số mệnh và tôi buộc phải chấp nhận nó”.
Đại Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét