tiểu thuyết của Nguyễn Thanh Hiện
ba mươi ba.
người hát rong.
Sáng ra mới biết ngôi đình làng chúng tôi nghỉ qua đêm là nằm ngay đầu con đường vào làng. Từ trong xóm nhà vang lên tiếng quát tháo của người lớn, tiếng khóc của trẻ thơ, tiếng chó sủa, heo kêu…
Vậy mà khi đêm thì dường như mọi thứ đều biến khỏi mặt đất. Còn điều bất ngờ này nữa. Đình làng, nhưng chẳng có vẻ gì là đình làng. Không hoành phi, liễn đối. Không cột khắc, kèo chạm. Nơi bàn thờ thần chỉ chơ vơ mỗi chiếc lư đồng, còn đèn nhang thì vung vãi khắp mặt bàn, như chuyện nhan khói là chẳng hề có ở đây. Dường như ngôi nhà là làm ra cho con người, chứ chẳng phải cho thần? Nàng nói với giọng hoài nghi, trong lúc tôi chỉ im lặng nghĩ ngợi. Chẳng giống những đình làng chúng tôi đã biết. Nhưng chẳng thể nói đây chẳng phải đình làng. Bỡi theo lời kể của thần làng, lúc triết học của loài người chuyển sang một khúc quanh mới, thì người làng này đã dựng lại ngôi đình này. Rồi ta sẽ kể cho các người nghe! Chẳng phải là thần làng quay lại với chúng tôi đâu. Một ông lão, có vẻ là khách đi đường, đã tạt vào đình làng, vừa ngâm nga, vừa nói với chúng tôi thế. Chắc ông cũng từ nơi xa mới đến? Nàng hỏi như để làm quen. Ta đi từ những cuốn sách cổ xưa, những con chữ, phong trần, cổ lục…Ông lão lại ngâm nga. Là kẻ hát rong của thời hiện đại ư? Nàng rỉ tai tôi. Giọng hát của ông lão như có sức khiến cho người nghe lập tức bị khuất phục. Sau này, nàng đã nói lại với tôi, rằng lúc bấy giờ, cũng như tôi, nàng lập tức nghĩ rằng, cũng giống với những người hát rong thời tiền homer, bọn họ là hát về sự tồn tại của các vị đã được chép vào thần phả, còn ông lão là hát về cái thế kỷ chúng tôi đang sống, cũng như tôi, lúc bấy giờ nàng cũng cho rằng ông lão chẳng phải kẻ bình thường. Có thể nói thế này, được không, thưa tiên sinh, những cuốn sách cổ xưa, những năm tháng, và nỗi buồn của những đêm trăng khuyết? Lúc bấy giờ nàng nói như để bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình mà cũng như để cho ông lão hiểu rằng chúng tôi đã hiểu ra ông đang muốn nói với đương đại một điều gì đấy. Quả bấy giờ chúng tôi đoán không lầm. Giữa cái thế kỷ thông tin đa phương tiện, một người ở phía bên này nói để một người ở phía bên kia mặt đất nghe, thì lại có một ông lão, đôi chân có vẻ không còn vững lắm, nhưng giọng nói thì như được sự mặc khải của trời đất, đi bằng đôi chân không còn vững lắm, để đến cái ngôi làng đêm đến thì như biến khỏi mặt đất ấy, để nói về những điều gì đó, có vẻ như là nỗi buồn của thề kỷ. …Ta đi từ những cuốn sách cổ xưa, năm tháng như một đứa bé chạy vòng quanh ngọn núi lớn, những địa chỉ, những tọa độ, là được khắc ghi thành những dấu tích, nhặt một viên sỏi khẽ lên vách đá, lần lữa thấy rong rêu, hóa ra năm tháng với rong rêu là sinh ra từ dấu tích, ta cũng chẳng rõ là ngẫu nhiên hay tất nhiên khi núi nằm chỗ cao hơn biển, và con sông nào thì cũng đổ ra biển, là ngẫu nhiên hay tất nhiên, là một ngày trước đấy, hay một thế kỷ, một thiên niên kỷ trước đấy, con nai con lạc mẹ cũng ngã xuống nơi con suối ấy, ngẫu nhiên với tất nhiên hóa ra là sinh ra từ dấu tích, có sắp bày và chẳng có sắp bày, ta cũng chẳng biết có phải là ta cũng ra đi từ dấu tích, vào những hôm mãi mê ngắm những thành quách nguy nga tráng lệ, ta chợt hiểu ra sự huy hoàng, phần vô tích vô hình của dấu tích, là được làm bằng những lời lẽ cao sang tuyển lựa từ mớ ngôn ngữ hỗn độn của con người, còn độ dài bền chắc của gạch đá trường thành là được tính bằng máu xương, vào những lúc mãi mê như thế ta đã hiểu ra niềm tự hào của nghìn năm sau là được làm bằng những tham muốn, những trầm uất, những kinh hãi của nghìn năm trước, ta cứ ngắm mãi những vật thể cao sang, dù là trên giấy, trên đất, hay trên đá, thân thể cường tráng của một bậc quân vương, hay dinh lũy uy nghi của một triều đại, ta cứ ngắm mãi chúng bằng thứ vật thể đang lưu chảy trong ta, cũng là lưu chảy trong những kẻ tạo tác của nghìn năm trước, và chợt hiểu ra năm tháng đã luôn bày ra những cuộc cãi cọ giữa tiếng khóc và nụ cười, vào những hôm mãi mê nghĩ về tiếng nói của muôn sinh, ta cứ thấy rối tung lên nhũng ý nghĩ kỳ dị tựa hồ những thế lực ám muội nào đó đã xâm nhập vào ta, tại sao con chim lại không nói được tiếng người, tại sao con người lại không nói được tiếng cá, ta gần như hụt hơi vì những câu hỏi như thế cứ nối đuôi nhau, từ ngày này sang ngày khác, từ đêm này sang đêm khác, có những đêm ta quyết không thèm nghĩ nữa, để ngủ, và chúng, cái đám câu hỏi bất tận ấy đã cơ cấu lại thành những giấc mơ, tại sao con cá lại không nói được tiếng cóc ếch nhái, và cái giấc mơ ấy lại cơ cấu lại ta, biến ta thành kẻ ăn nói lung tung, trong thứ giấc mơ có cóc ếch nhái, trong thứ giấc mơ giữa lúc đang thức ấy, ta đã đề ra những thuyết lý có hình thù của những cái bong bóng mưa, có nghĩa, vừa buột nghĩ, vừa nói ra, đã thấy sụp đổ tan tành, con người thuở đầu là nói bằng tiếng của cóc ếch nhái, nhưng tiếng cóc ếch nhái thì chẳng thể diễn đạt những giả dối, bèn chuyển sang nói tiếng nói của giun dế, nhưng tiếng giun dế thì chỉ để mô tả những cay đắng lầm than, mà con người là cần sự chiến thắng, tức, phải bước qua xác những kẻ khác, bèn chuyển sang nói tiếng của cọp, nhưng tiếng con cọp là chẳng thể nói ra trong những phút yêu đương, nên con người phải chuyển qua nói tiếng nói của chim, tự thuở ban đầu là con người nói được tiếng của muôn loài, tức, chẳng có thứ tiếng nói nào là chẳng nói được, nhưng chẳng có thứ tiếng nào là hợp với cái giống vật sở hữu lung tung thứ trên đời, cho nên trời đất quỉ thần, hay là mặt trời mặt trăng ai mà biết, mới đem chia ra, khoanh ra, ban cho mỗi một nơi một thứ giọng nói của con người, để từ đó con người có thể ca ngợi nhau đến mực nào cũng được, chửi bới nhau đến mực nào cũng được, vào những hôm cái giấc mơ có cóc ếch nhái cơ cấu lại ta thì ta cứ có cảm tưởng là ta đang nói bằng tiếng của cóc ếch nhái, bỡi ta sắp sửa nói ra một lời chân thành nào đó thì cứ nghe từ trong cổ họng mình phát ra những âm thanh tựa hồ tiếng của cóc ếch nhái, vào những hôm như thế, những hôm có cảm tưởng mình đang nói tiếng của cóc ếch nhái thì ta lại hứng thú trở lại với những dấu tích, bậc quân vương nào vừa bước ra từ trang sách cổ xưa, các người nghe đây, kẻ nào không theo ta là đồng đảng của lũ giết người, trang trước là lời hiệu triệu chống giết người của một bậc quân vương, trang sau là tiếng hô tiến quân, cuộc chống giết người đã được tiến hành trên khắp mặt đất, trang tiếp theo sau là lời chú của ai đó, chắc chẳng phải của một nhà chép sách quen tay, chữ nghĩa run rẩy tựa hồ như ai đó đã viết ra trong cơn giận dữ : khi con người kêu gọi chống giết người là khi con người sắp làm cuộc tiến quân giết người, hóa ra giết người với chống giết người là đều sinh ra từ dấu tích, tại sao là thế, những câu hỏi như thế là vẫn cứ vang lên thành dấu tích, tại sao con người hiểu được cả lịch sử của loài giống mình, hiểu được cả lịch sử của cái vũ trụ mình đang sống trong đó, nhưng lại chẳng hiểu về nhau, hay chưa chịu hiểu về nhau…
Câu trả lời cho những câu hỏi như thế là dường như còn bỏ ngõ, thưa tiên sinh. Nếu nàng không xen vào nói thì chẳng biết đến lúc nào ông lão mới ngừng hát. Có thể nói thế này không, thưa ông, có một người ra đi từ thời mông muội, cứ hát mãi hát mãi qua tháng năm, và chợt thấy mình bơ vơ giữa buổi văn minh chói lọi. Tôi không gọi ông lão bằng tiên sinh như nàng. Và coi cuộc hát của ông là một cuộc ra đi. Cái cách không tỏ ra mình đang vui khi có người hiểu mình là cách của một bậc cao thủ trong cuộc nhân sinh. Tôi thầm quả quyết đấy là một nhà hiền triết của thời hiện đại. Nhưng có phải là ông cũng cảm thấy là chúng tôi đang bơ vơ hay không? Tôi bắt đầu khai thác nhà hiền triết. Ông lão cũng đơn giản như chúng tôi. Hành trang cũng chỉ có mỗi túi vải trên vai ( Xin nhắc lại, chỉ trừ lúc ngủ, còn lúc nào thì trên vai tôi và trên vai nàng cũng sẵn sàng chiếc túi hành trang) Từ lúc bước vào đình làng ông lão vẫn đứng, đến lúc ấy, lúc ngừng hát, ông mới ngồi xuống chiếc ghế gỗ cạnh đấy, và cũng chẳng buồn tháo túi vải khỏi vai. Khi đã bơ vơ thì một người cũng bơ vơ, mà trăm người nghìn người cũng bơ vơ. Ông lão nói. Thì ra đây là một nhà hiền triết cởi mở. Tôi nghĩ. Nhưng có phải là tiên sinh đang hát về nỗi bơ vơ của mình hay không? Nàng hỏi. Trước là thế, còn giờ thì ta hát cho cái đám cưới lớn nhất đang diễn ra trên mặt đất này. Ông lão đáp. Lúc đầu tôi cứ nghĩ ông lão muốn nói đến xu thế mới của loài người đương đại, xu thế kết hợp. Có nghĩa giờ thì ông không còn thấy bơ bơ, bỡi con người trên mặt đất này là đang muốn làm một cuộc kết hợp mới, một cuộc toàn cầu hóa? Tôi nói. Ông lão liền đính chính cách hiểu của tôi. Ta hát là hát cho cuộc hôn nhân đang diễn ra giữa văn minh và man rợ. Phải nói bấy giờ cả tôi lẫn nàng phải gắng lắm mới dấu được niềm kinh ngạc. Thưa, văn minh nào và man rợ nào? Nàng hỏi. Ông lão chợt đứng lên. Khi ta hát thì các người sẽ làm người nghe hát. Ông nói. Và ra hiệu cho tôi với nàng hãy theo ông. Chúng tôi liền nối gót theo ông lão. Khi ra tới sân đình làng, ông lại dừng lại, nhìn vào bên trong, làm như thể đang quên điều gì đó, mà theo tôi, cả ông lẫn chúng tôi là chẳng có gì để quên. Vậy mà ông đã thấy mình đã quên. Chớ để vị thần làng của làng này nghĩ chúng ta là những kẻ không nhân nghĩa. Ông lão giảng giải việc chúng tôi quay trở vào đốt nhang nơi bàn thờ thần như là cách chào hỏi để ra đi. Cho đến lúc ấy chúng tôi mới quả quyết đấy là đình làng. Nhưng tiên sinh có nghĩ giữa vị thần làng với dân làng là có chuyện lủng củng nào đó hay không? Nàng đã nói ra niềm băn khoăn ám ảnh chúng tôi ngay tự lúc phát hiện ra cảnh nhang tàn khói lạnh ở một ngôi đình làng. Con người là lắm lúc cảm thấy mệt mỏi vì trên đầu mình có quá nhiều thế lực vô hình. Ông lão nói. Và bảo tôi với nàng hãy cùng ông vào làng một chuyến cho biết.
(nguồn;gackhuevan2.tk)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét