...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

Tặng Vật Của Trời

tiểu thuyết của Nguyễn Thanh Hiện


ba mươi hai.
triết học của loài người. 
    Cho tới khi vị thần làng xuất hiện, chúng tôi mới biết đó là đình làng. Còn lúc bấy giờ, sau một ngày đường mệt lã, trời thì tối như mực, chẳng biết phía trước có xóm làng không, gặp  được một ngôi nhà cửa ngõ trống tuênh như thế thì cứ vào nghỉ cái đã, bất kể là của ai.
Vừa ịch xuống hè là nàng đã ngủ. Còn tôi thì quyết định trước khi ngủ phải  xem xét sơ qua đây là nơi nào. Vừa bước vào bên trong thì một tiếng động rất nhỏ vang lên, có vẻ như một con mèo vừa phóng qua đâu đấy, làm tôi hơi hoảng.  Sợ nàng lỡ giấc, tôi chẳng dám bật diêm, mà cứ mò mẫm bước đi trong bóng tối như thế. Nhà chẳng có thứ chi, ngoài những chiếc ghế gỗ nằm rải rác trong phòng, chốc chốc tôi đụng phải, và một cái bàn lớn kê sát vách cuối, mà lúc sờ thử lên bàn tôi nhận ra lư hương với đèn, nhang, nên mới biết đấy là bàn thờ. Nhà đang vắng chủ. Mới đầu, tôi cũng chỉ nghĩ được chừng ấy. Nhưng lúc nằm xuống cạnh nàng thì  có bao nhiêu là giả dụ nảy ra. Giả dụ đã có một sự cố gì ghê gớm lắm xảy ra nơi đây khiến người ta phải bỏ nhà ra đi. Nghĩ đến đó thì dừng lại, không dám nghĩ tiếp. Tôi trở người, úp mặt xuống hè, để ngủ, nhưng chẳng ngủ được. Nó là sự cố gì? Lại giả dụ nữa. Giả dụ có một vụ giết người đã xảy ra trong nhà. Giả dụ có ai đó đã treo cổ chết ở trong nhà. Giả dụ có một trận dịch nào đó giết chết tất cả những người trong nhà. Để trở thành ngôi nhà vắng chủ, ngôi nhà hoang, thì những giả dụ như vậy cứ tự động nảy ra trong đầu óc tôi. Để chấm dứt kiểu tự động chết người ấy, buộc tôi phải đánh thức nàng dậy để trò chuyện. Tự dưng anh cứ thấy cô đơn. Tôi phải nói dối, chứ chẳng lẽ  lại thừa nhận là mình đang sợ. Em cũng đang thấy cô đơn. Nàng nói. Và bật ngồi dậy. Chẳng rõ là nàng nói đùa hay nói thật, tôi cũng bật ngồi dậy, và bảo một người đang ngủ và một người đang thức lại cùng cảm thấy cô đơn là có vấn đề. Vấn đề gì? Nàng hỏi. Tôi nói vấn đề gì thì tôi không biết, nhưng nhất định là đang có vấn đề. Bỡi mục đích của tình yêu là tiến đến chỗ đồng nhất, tiến đến cái một. Nàng nói. Hóa ra là từ chỗ nói đùa, chúng tôi đã đưa đẩy sự việc đến chỗ nghiêm trang. Em cứ tiếp tục đi. Tôi bảo. Và nàng tiếp tục nói. Ngày xưa có người con gái đi tìm tình yêu vĩnh hằng, vào một đêm nàng lạc vào một nơi xa lạ, đang cố tìm hiểu đấy là  đâu thì có tiếng ai vọng lại từ thinh không, rằng kẻ nhiều tham vọng thì đau khổ nhất trần gian, nàng bảo mình chỉ có mỗi ước muốn có được một tình yêu vĩnh hằng chứ chẳng có tham vọng nào hết, chỉ muốn làm một hạt bụi cũng là tham vọng, lại có tiếng của thinh không, nàng hỏi làm sao có được một tình yêu vĩnh hằng mà không phải là tham vọng, cứ thế, cuộc trò chuyện với thinh không diễn ra giữa ánh sáng của những vì sao. Là em vừa mới nghĩ ra? Tôi hỏi. Nàng bảo không phải là nghĩ ra, mà trong cơn mơ bất chợt vừa rồi nàng  thấy mình trò chuyện với thinh không, đang trò chuyện  thì tôi đã đánh thức nàng. Tôi bảo nếu là tôi nằm mơ thì tôi sẽ thấy thế này. Ngày xưa có một người con gái đủng đỉnh bước giữa cuộc đời, bình thản và vô lo, xin chào hạt bụi, vào một hôm nàng đang đủng đỉnh bước thì  nghe có tiếng ai nói từ thinh không, xin chào thinh không, nàng liền đáp, và lập tức từ thinh không bước ra một hạt bụi…Hóa ra hạt bụi là thinh không? Nàng hỏi. Tôi phải lục lại trong trí nhớ những gì mình đã đọc được, từ khoa học cho đến tôn giáo, lịch sử, thơ ca… chỗ nào có nói đến thinh không và hạt bụi là tôi trích dẫn cho nàng nghe. Tôi vừa ngồi nhìn đám sao trời vừa trích dẫn những gì mình còn nhớ, còn nàng thì nằm dài ở vĩa hè mà nghe. Cho đến lúc tôi đọc một bài kệ của một vị thiền sư tôi chẳng còn nhớ tên, bài kệ nói về hạt bụi và thinh không, có lẽ là không đúng lắm, vì tôi cứ có cảm giác là mình đã nhớ lầm, “có thì có cả trăng sao, không thì đến cả đất trời cũng không”, lúc đọc đến chỗ đó thì nàng đã bắt đầu bước vào chốn thinh không, bỡi tôi đã bắt đầu nghe thấy tiếng thở đều đặn của nàng. Tôi định nằm xuống ngủ thì có tiếng nhạc ngựa vang lên đâu đó. Là thần làng đấy! Nàng ngồi bật dậy, bảo. Tôi hỏi làm sao biết. Nàng bảo là nàng đã dấu tôi, chính là thần làng đã trò chuyện cùng nàng trong giấc mơ vừa rồi. Ta sẽ nói cho các người biết làm cách nào ta đã trở thành thần làng. Vị khách giữa khuya của chúng tôi bước xuống ngựa, nói. Trong cảnh tĩnh lặng của đêm, dường  như tôi nghe được cả tiếng vẫy tai của ngựa. Đi giữa thinh không thì vạn dặm cũng chỉ là vài dặm, cho nên cả thần cả ngựa đều thung dung. Trong khi tôi nghĩ  thế thì thần làng phảy tay, bảo ngựa đi chơi  đâu đó, khi nghe gọi mới quày lại. Làm thế nào để có được tình yêu vĩnh hằng mà không phải là tham vọng? Nàng lại nhắc lại câu hỏi nàng đã kể với tôi. Hóa ra vị thần làng ấy còn giản dị hơn cả những giản dị của trần thế. Thần ngồi xen vào giữa tôi với nàng. Và cuộc chuyện trò giữa chúng tôi cũng giống như cuộc chuyện trò giữa những người cùng làng xóm. Hai người đương yêu nhau thế thì còn đi tìm chi tình yêu vĩnh hằng? Thần vỗ vai tôi, hỏi. Tôi nói con người là giống vật hữu hạn, cho nên luôn mơ về cõi vĩnh hằng. Cũng được thôi, nhưng ta nói cho các người biết, mãi mãi là chẳng nhìn thấy điều các ngừơi mơ ước. Thần làng nói. Nàng bảo là mình chưa hiểu. Ta là thần, là bất tử, nhưng các người có nhìn thấy ở ta thứ gọi là bất tử hay không? Thần lại vỗ vai nàng, nói. Nhưng làm cách sao để có được một tình yêu vĩnh hằng mà không phải là tham vọng? Tôi lại nhắc lại câu hỏi của nàng . Có lẽ lời giải đáp là câu chuyện kể về cuộc đời ba chìm bảy nổi của thần.
    …Bấy giờ thì triết học của loài người các người là chứa đầy hình ảnh của các vị thần. Có thể nói, mở miệng ra nói là con người nhắc đến các thần. Bấy giờ thì ta chỉ là một vị thần  nhỏ nhoi trong cõi vĩnh hằng, thần ngõ. Nếu không nói là hẩm hiu,  ta, kẻ canh giữ cảnh vào ra chỗ ở của con người, lắm lúc là chẳng còn trong trí nhớ của con người. Trong các cuộc tế lễ, loài người các người đã xếp ta vào danh mục những vị thần thứ yếu, cái danh mục mới nghe qua tưởng là dành cho con người : các bác. Giữa buổi trần thế đam mê và sùng bái các thần thì  cuộc tranh giành quyền lực giữa các thần diễn ra vô cùng gay gắt. Thần là bất tử, nên không thể bước qua xác chết của nhau, như trần thế, mà là bước qua sự thông thái của nhau. Bấy giờ thì vị thần làng của làng này, tiền nhiệm của ta, là kẻ có chữ nghĩa. Lặn lội tới tận nơi lưu giữ hồ sơ của các thần, tay tiền nhiệm của ta đã tự tay sửa lại chức tước thần làng của mình thành ra thần của các thần làng. Cõi vĩnh hằng bỗng xuất hiện một nguồn thông thái mới, có vẻ như muốn bao trùm lên sự thông thái của hết thảy các thần. Và cái tai họa ấy đã xảy ra. Vào một hôm, các thần còn đang bàn tán về nguồn thông thái mới, thì những ngọn khói đen ngòm từ ngôi làng này cuồn cuộn chảy vào cõi vĩnh hằng. Khi biết được ám khí là sinh ra từ việc làm ám muội, các thần đã quyết định ném tay tiền nhiệm của ta vào chốn lãng quên. Làng không có thần làng. Và triết học của loài người các người lại chuyển qua thời kỳ làm rách nát cõi vĩnh hằng. Chỉ có con người biết nghĩ ngợi, và chẳng có thần thánh nào hết. Nhiều nơi trên mặt đất người ta bắt đầu triệt phá những đình miếu thờ thần, triệt phá những hệ thống tư duy có liên quan đến các vị thần. Đả đảo các vị thần. Ở làng này, người ta cũng la toáng lên thế. Nhưng rồi bọn họ sẽ thay đổi cả thôi. Các vị thần rỉ tai nhau. Rồi rỉ tai ta, rằng làng thì phải có thần làng, rằng ta vốn thông thuộc đường ra lối vào làng này, nên thần ngõ có kiêm luôn thần làng cũng chẳng mấy vất vả. Thế là trong buổi con người chẳng còn tình nghĩa với các vị thần thì ta lại nghiễm nhiên trở thành vị thần cai quản của làng. Và dường như loài người các người là luôn nuối tiếc vĩnh hằng. Vào một hôm, ở trong làng, có kẻ mừng sinh con đầu lòng, vốc nắm muối vãi ra đầu ngõ, gọi tên ta bằng thứ đại từ quen thuộc : các bác. Cũng cảm động như thuở ta còn là thần ngõ mỗi khi con người gọi đến ta. Quả như các vị thần đã rỉ tai nhau, loài người các người lại chuyển sang một thứ triết học mới. Ai thích nói có thần thánh, thì cứ nói có. Ai thích nói không có thần thánh, thì cứ nói không có. Ở làng này, người ta rủ nhau đi mua gỗ mua gạch đá về xây lại cái đình làng đã phá năm xưa. Ta là thần làng, nói ta không mừng thì không phải. Nhưng ta đã là thần, nói ta mừng có đình làng mới, là cũng không phải. Hoan hô các vị thần! Lúc làm xong đình làng mới, người làng đã ôm nhau nhảy nhót, và hô to lên thế. Triết học của loài người các người quả là thay đổi xoành xoạch. Và ta cũng chẳng biết  tại sao ta chẳng có mưu đồ nào hết, chẳng có tham vọng nào hết, nhưng cuối cùng thì loài người các người cũng dành cho ta thứ biểu tượng của vĩnh hằng. 
(nguồn:gackhuevan2.tk)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét