...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

Bỏ tiền tỷ xây nghĩa trang cho người dưng

 Tới thôn Hưng Mỹ, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam có một nghĩa trang chôn cất hàng trăm con người xấu số đã nằm xuống gần 30 năm về trước. Điều đặc biệt ở đây là nghĩa trang này lại do một đôi vợ chồng người địa phương bỏ tiền túi ra xây dựng.
Nghèo tiền nhưng không nghèo tình
Anh Diệp Công Nghĩa (SN: 1969) - người đã tự nguyện bỏ tiền túi ra xây dựng nghĩa trang này kể: Vào năm 1987, anh và vợ là Hoàng Thị Ta (SN: 1970) được cha mẹ đẻ cho một lô đất hoang ở phía Tây thôn Hưng Mỹ (xã Bình Triều). Thời gian đầu, vì hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn nên vợ chồng anh chị đã tự dựng một căn chòi lá đơn sơ ở tạm bợ.
Vợ chồng anh Nghĩa, chị Ta thắp hương cho người xấu số đang nằm dưới đất

Theo lời anh Nghĩa thì lúc mới về, vợ chồng anh chị vẫn không biết lô đất mà mình đang ở vốn là một cái nghĩa địa hoang không người hương khói. Vì vậy, cứ đêm xuống, cảnh vật trở nên hiu hắt, vắng lặng đến lạ lùng, thi thoảng vọng ra từ  trong sâu thẳm là tiếng hú, tiếng côn trùng hoang dại. Và hằng đêm trong mỗi giấc ngủ chập chờn, anh Nghĩa vẫn thường thấy những giấc mơ đặc biệt hiện về trong tâm thức. Sau đó qua hỏi những người cao niên, anh chị mới biết được điều này. Thời gian đầu, vợ chồng anh làm nghề mua đậu, mè về ép ra dầu đem bán. Dù kinh tế không dư giả gì nhưng nghĩ là những người xấu số, nằm dưới đất lạnh lẽo nên anh Nghĩa đã bàn bạc với vợ là sẽ dành một số tiền ít ỏi để xây dựng thành một nghĩa trang.
Theo quan niệm của anh Nghĩa thì chết không phải là hết mà đó là thuận theo quy luật tự nhiên. Con người cũng như cái cây, con thú trên rừng, có sinh ra, lớn lên rồi sẽ chết đi. Sống được gia đình, xã hội che chở nên khi sang thế giới bên kia, họ cũng cần được mọi người xây dựng cho ngôi nhà để tránh mưa, tránh nắng. Nếu làm cho người chết được toại nguyện, linh hồn được siêu thoát thì họ sẽ trở về phù hộ độ trì cho những người đang sống. Đặc biệt, sau khi có một "ngôi nhà" chu đáo, người chết sẽ không quay về quấy nhiễu hoặc ám ảnh người đã giang tay giúp đỡ họ. "Mình có nhà ở rồi, dù là tạm bợ nhưng còn hơn những người vô danh đang nằm dưới đất kia phải lạnh lẽo", anh Nghĩa tâm sự. 
Xây nghĩa trang hàng tỷ đồng
Nghĩ là làm, dù kinh tế còn khó khăn nhưng từ năm 2002 đến năm 2005, vợ chồng anh Nghĩa, chị Ta đã tự bỏ tiền, thuê người di dời những ngôi mộ vô danh ra một lô đất mới rồi xây dựng thành một khu nghĩa trang khang trang, sạch sẽ. Và từ đó cho đến nay, khi kinh tế có phần khá giả hơn vợ chồng anh Nghĩa lại không quên trích ra một số vốn để quy tập những nấm mồ vô danh về sống chung nơi nghĩa địa này. Nhìn lại khu nghĩa địa với hàng trăm ngôi mộ khang trang, sạch sẽ, chúng tôi thấy cảm phục tấm lòng của đôi vợ chồng ăn ở đức hạnh. 
Chị Ta chia sẻ việc làm từ thiện của vợ chồng mình với PV
Chị Ta chia sẻ: "Ngày chưa lập được nghĩa địa này, trong lòng tui luôn có cái gì đó day dứt và lo lắng. Những đêm mưa gió không sao ngủ được vì sợ nước bẩn chảy vào sẽ làm ảnh hưởng đến giấc ngủ ngàn thu của những người ở thế giới bên kia. Bây giờ thì lòng mình thấy thanh thản lắm, tự nhiên mọi việc làm ăn và mọi chuyện trong gia đình đều thấy suôn sẻ”.
Hỏi về những người vô danh nằm dưới những ngôi mộ kia? Anh Nghĩa nói: "Lúc vợ chồng tui ra đây ở thì những ngôi mộ này đã có rồi. Nghe các cụ có tuổi ở đây kể thì những người xấu số nằm dưới đất kia qua đời từ những năm 1940-1941. Họ là những người đơn thân độc mã ở khắp các tỉnh miền Trung từ Quảng Nam đến Quảng Bình vào đây làm lao canh cho các đồn điền cao su thời Pháp thuộc.
Nhưng cũng không ít những cụ bô lão trong vùng cho rằng: Tất cả những người vô danh đã chết là dân tản cư từ TP.Hội An vào đây từ năm 1945. Trên đường đi, vì gặp phải nạn đói, dịch bệnh nên họ đã phải nằm lại nơi này. "Thuở ấy ít người, nên khi chết những người khác chôn vội, rồi lấy cây, đá khắc chữ sơ sài... Sau đó những người chôn này chuyển đi nơi khác và từ đó không thấy ai nhắc đến hoặc người thân đến tìm", anh Nghĩa nói.
Mỗi ngôi mộ mà vợ chồng anh Nghĩa, chị Ta xây dựng có giá trị hàng chục triệu đồng. Và bao quanh khu nghĩa trang tình thương là hệ thống tường rào thép gai cao từ 1,5m đến 2m. Tổng số tiền vợ chồng anh Nghĩa đầu tư cho cõi âm gần một tỷ đồng. Anh Nghĩa cho biết, hằng năm vào dịp cuối năm, gia đình anh vào quét vôi, dọn cỏ, đốt nhang cho từng ngôi mộ.
Ngoài ra, anh còn lấy ngày giỗ của ông bà, bố mẹ mình làm một đại giỗ chung cho tất cả những người vô danh, đó là ngày 18/11 âm lịch. Ngày giỗ anh mời người thân, hàng xóm, bạn bè đến dự. Mặc dù không họ hàng thân thuộc, nhưng ngày này bà con xung quanh đều tranh thủ ghé vào thắp nén hương cho những người xấu số để những nấm mồ nằm dưới đất được ấm lòng. Không chỉ thế,  cứ đến ngày mùng 1 và 15 hàng tháng, những người hàng xóm đều thấy ngọn đèn và nén hương của tình người, của nghĩa tử là nghĩa tận sáng lung linh bởi tấm lòng cao thượng của đôi vợ chồng thương nhân.
Ở hiền gặp lành
"Từ khi làm được những ngôi nhà cho những người vô danh xấu số, vợ chồng chúng tôi thấy lòng nhẹ nhõm và thanh thản thoải mái khác thường. Từ đó mọi việc kinh doanh đều thuận lợi, con cái chúng đều ngoan và học hành thành đạt. Đặc biệt phần mộ liệt sĩ của cha tôi nằm lại ở rừng hoang nay đã tìm được và đưa về nhà thờ phụng. Còn mẹ tôi, nay đã già trên 90 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn, khỏe mạnh. Tất cả những điều đó làm tui nghĩ đến việc ở hiền gặp lành", anh Nghĩa chia sẻ.
Một góc nghĩa địa vô danh mà vợ chồng anh Nghĩa đã bỏ ra hàng tỷ đồng để xây dựng nên
Theo tâm sự của chị Ta thì hiện đứa con đầu của vợ chồng anh chị là cháu Diệp Tùng Tín (SN: 1988) đang đi du học ở một trường Đại học danh tiếng của Nhật Bản. Cháu thứ hai là Diệp Tùng Việt (SN: 1990) đang làm việc cho công ty có tiếng ở thành phố Đà Nẵng với mức lương rất cao. Còn lại là cháu út- Diệp Tùng Nhân (SN: 1993) cũng mới đi du học qua Nhật vào tháng 3/2011 vừa rồi. “Lúc các cháu còn ở nhà, đứa nào cũng ủng hộ việc cha mẹ xây nghĩa trang cho những người vô danh. Và vào ngày lễ, rằm, giỗ, các cháu cũng theo cha mẹ ra thắp hương lên các ngôi mộ để cầu cho linh hồn đang nằm yên nghỉ dưới đất được siêu thoát”, anh Nghĩa nói.
Vừa qua gia đình vợ chồng anh Nghĩa đã được chính quyền địa phương công nhận là gia đình văn hóa vì đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của xã hội và làm công tác từ thiện cho cộng đồng. Chị Ta vui vẻ tâm sự: "Giờ chỉ có vợ chồng tôi ở nhà kinh doanh. Lương tâm thanh thanh thản vì mình đã làm được việc thiện với lại thuận vợ thuận chồng nên mọi việc đều rất tốt đẹp. Thời gian rảnh rỗi, chồng tôi đi sưu tầm và chơi cây cảnh còn tôi thì ghé thăm anh em, làng xóm xem có ai khó khăn thì giúp đỡ".
Quang Huế -  Nguyên Dũng
(nguồn:nguoiduatin.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét