Tương truyền, vào năm Bính Tý (1276), có lần hoàng đế Trần Thái Tông bảo trước với người hậu cận: “Đến tháng tư sang năm ta tất chết" và điều này quả nhiên ứng nghiệm!
Trần Thái Tông (1218 – 1277) là vị vua đầu tiên của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông ở ngôi hơn 32 năm, làm Thái thượng hoàng 19 năm. Còn Trần Thánh Tông (1240 - 1290) được xem là một vị vua nhân hậu, hòa ái đối với mọi người từ trong ra ngoài. Ông thường nói rằng: "Thiên hạ là của ông cha để lại, nên để anh em cùng hưởng phú quý chung". Bởi vậy, trong nội cung khi ăn uống nô đùa không có phân tôn ti trật tự, chỉ lúc nào có việc công, hay buổi chầu, thì mới phân thứ tự theo lẽ phép.Trần Thái Tông xem bói ứng nghiệm!
Sử sách chép rằng, một lần Trần Thái Tông đến ngự đường, chợt thấy một con rết bò trên áo ngự, sợ quá ông lấy tay phủi đi, con rết rơi xuống đất, phát ra tiếng kêu, nhìn lại thì hoá ra một chiếc đinh sắt. Ông bói thì biết có điềm gì đó sẽ xảy ra vào năm Đinh.
Tượng vua Trần Thánh Tông ở đền Trần. |
Sách Đại Việt sử ký toàn thư thời Hậu Lê đã viết: Vế sau lời chiêm đoán của vua Trần Thái Tông đoán không sai chút nào. Đúng mùng một tháng Tư năm Đinh Sửu (1277), ông băng hà. Tương truyền, vào năm Bính Tý (1276), có lần ông bảo trước với người hậu cận: “Đến tháng tư sang năm ta tất chết”. Quả ứng nghiệm! Nếu Trần Thái Tông hành nghề “xem số cho người”... hẳn rất đắt khách.
Trần Thánh Tông 3 lần chỉ đạo đánh thắng quân Nguyên Mông
Mùa xuân năm mậu Ngọ (1258), Thái tử Trần Hoảng là con trai của vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh) lên nối ngôi, lấy hiệu là Thánh Tông.
Những ngày chưa tại vị, Thánh Tông đã theo vua cha chỉ đạo cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Vì thế, sự tôi luyện và thực tế chiến đấu chiến trường là kinh nghiệm xương máu giúp vua Trần giữ nước và xây dựng đất nước Đại Việt hùng mạnh.
Thành tựu chủ yếu trong quá trình trị vì của Trần Thánh Tông là lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Vua luôn giữ vững tinh thần độc lập, cố giữ sự giao hảo với "thiên triều", nhưng không chịu cúi mình, không nghe theo các yêu cầu của họ... Năm 1275, Trần Thánh Tông sai sứ sang nói với hoàng đế nhà Nguyên rằng: "Nước Nam không phải là nước man di mà đặt quan giám trị, xin đổi quan Đại lỗ hoa xích làm quan Dẫn tiến sứ".
Vua nhà Nguyên không cho, lại bắt vua Trần sang chầu. Thánh Tông cũng không chịu. Từ đấy, vua nhà Nguyên thấy dùng ngoại giao để khuất phục nhà Trần không được, quyết ý cử binh sang đánh Đại Việt. Nguyên Thế Tổ cho quan ở biên giới do thám địa thế Đại Việt, Trần Thánh Tông cũng đặt quan quân phòng bị. Sau khi nhà Nguyên diệt Nam Tống (1279), Đại Việt càng đứng trước nguy cơ bị xâm lăng từ đế quốc khổng lồ này.
Năm 1277, Thượng hoàng Trần Thái Tông mất. Mùa đông ngày 22 tháng 10 âm lịch năm sau (tức 8 tháng 11 năm 1278), Trần Thánh Tông nhường ngôi cho con trai là hoàng thái tử Trần Khâm - tức vua Trần Nhân Tông - lên làm Thái thượng hoàng, khi ông 42 tuổi, nhưng vẫn trực tiếp chỉ đạo chống giặc.
Nǎm 1284, Trần Thánh Tông là người có sáng kiến tổ chức hội nghị phụ lão ở điện Diên Hồng, để được nghe tất cả người già trong nước cùng hô to câu trả lời: Đánh! Quyết đánh! Các sử gia về sau cho rằng, "Trần Thánh Tông là người biết giữ được cái nghĩa người xưa nuôi người già để xin lời hay. Chúng ta giờ đây thấy rõ tư tưởng trọng dân và vâng theo lòng dân của hai cha con nhà vua thanh niên ấy". Cả hai cha con vua Trần Thánh Tông cùng nhau chỉ đạo kháng chiến, nhưng thế giặc vô cùng mạnh. Kinh thành Thǎng Long bị giặc chiếm, hai vua phải đi thuyền nhỏ tránh ra Quảng Ninh, rồi lại theo sông Nam Triệu, vượt biển Đại Bàng vào Thanh Hoá. Nhưng sau đó, quân ta đã xoay đổi được thế trận, giành thắng lợi lớn ở Tây Kết, Chương Dương, Hàm Tử, để tháng 6 nǎm đó, được trở về kinh sư.
Giặc Nguyên thua to nhưng vẫn chưa chịu từ bỏ ý đồ xâm lược. Chúng vẫn ồ ạt kéo sang và lần thứ ba thì hoàn toàn thất bại thảm hại. Những danh tướng như Thoát Hoan, Ô Mã Nhi, Tính Cơ, Lệ Ngọc v.v... đều bị bắt sống. Trần Thánh Tông lần này lại nêu cao một cử chỉ cao thượng. Ông cho phép dẫn bọn Ô Mã Nhi lên thuyền ngự "cùng ngồi nói chuyện với chúng và uống rượu vui vẻ"...
Năm 1289, sau khi chiến tranh kết thúc, ông lui về phủ Thiên Trường ở ẩn. Ngày 25 tháng 5 năm Trùng Hưng thứ 6 (tức 3 tháng 7 năm 1290), Thượng hoàng Trần Thánh Tông qua đời tại cung Nhân Thọ. Ông làm vua 21 năm, làm Thượng hoàng 12 năm, hưởng thọ 51 tuổi, được táng ở Dụ Lăng.
Hiện nay, để nhớ công vị vua này, ở trung tâm thành phố Hà Nội có phố mang tên Trần Thánh Tông.
(nguồn: Đất Việt.ĐVO).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét