Một nhà nghiên cứu tại Huế vừa công bố phát hiện nhiều chứng cứ lưu giữ tại Hoàng cung triều Nguyễn tại Đại nội Huế khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với Biển Đông.
Theo đó, trung tuần tháng 7- 2011, nhà nghiên cứu Phan Thuận An (trú TP Huế, TT-Huế) đã công bố thêm một tài liệu quý hiếm, đó là hình ảnh “Biển Đông trên Cửu Đỉnh” (với 2 chữ Đông Hải và hình ảnh biển Đông được khắc ở 1 trong 9 đỉnh bằng đồng) đang được bảo lưu ở Hoàng cung triều Nguyễn tại Đại nội Huế. Trước đó, nhà nghiên cứu này cũng đã phát hiện 2 châu bản bản gốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với đảo Hoàng Sa.
Từ biển Đông trên Cửu Đỉnh
“Vấn đề biển Đông đã và đang trở thành một vấn đề thời sự không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực và một số nước trên thế giới, được đưa ra thảo luận và tranh cãi hằng ngày trong các cuộc hội thảo, hội nghị quốc gia và quốc tế với hình thức đối thoại song phương hoặc đa phương. Là một nhà nghiên cứu, là người con dân Việt, tôi rất trăn trở trước tình hình trên”- nhà nghiên cứu Phan Thuận An tâm sự.
Sự trăn trở đó, cứ ám ảnh và thôi thúc ông phải làm một việc gì đó để góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Ngược dòng lịch sử, ông tìm đến bộ Cửu Đỉnh được đặt trong Hoàng thành Huế. Những bức ảnh tư liệu về bộ Cửu Đỉnh được các nhà nghiên cứu Pháp chụp từ những năm 30 lại hiện về trong tâm trí ông.
Cửu Đỉnh là một bộ tác phẩm nghệ thuật bằng đồng gồm 9 cái đỉnh lớn được Bộ Công đúc tại Kinh đô Huế vào năm 1836 dưới thời Minh Mạng và được đặt thành một hàng ngang trước sân Thế Miếu, nơi thờ các vua triều Nguyễn. Trong số Cửu Đỉnh, đỉnh lớn nhất có trọng lượng 2.600 kg và đỉnh nhỏ nhất là 1.900 kg.
Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, đáng chú ý nhất trên Cửu Đỉnh là 153 hình ảnh được thể hiện xung quanh các đỉnh. Ở mỗi đỉnh, đúc nổi 17 cảnh vật, được phân bổ theo một biểu đồ chung: chia làm 3 hàng ngang, mỗi hàng gồm 1 chủng loại. Tại mỗi hình ảnh đều có chữ chỉ tên từng cảnh vật… Nếu ở Cao Đỉnh có hình ảnh biển Đông (Đông Hải) thì ở Nhân Đỉnh có biển Nam (Nam Hải) và ở Chương Đỉnh có biển Tây (Tây Hải).
Nếu ở Nhân Đỉnh có hình ảnh sông Hương thì ở Tuyên Đỉnh có sông Hồng và Huyền Đỉnh có sông Cửu Long. Nếu ở Nghị Đỉnh có cửa biển Thuận An (Thuận An Hải Khẩu) thì ở Thuần Đỉnh có cửa biển Cần Giờ (Cần Giờ Hải Khẩu) và ở Dụ Đỉnh có cửa biển Đà Nẵng (Đà Nẵng Hải Khẩu)… Hầu hết, các hình ảnh ở Cửu Đỉnh đều biểu hiện những cảnh vật rất thật và quen thân với dân tộc Việt Nam.
Hình ảnh và 2 chữ Đông Hải trên Cao Đỉnh và bộ Cửu Đỉnh người Pháp chụp năm 1931. |
Ông Phan Thuận An cho biết, nhà nghiên cứu mỹ thuật Huỳnh Hữu Uy đã nhận định một cách sâu sắc về Cửu Đỉnh: “Đây là một cuộc triển lãm… xây dựng trên đời sống trí tuệ và tâm linh của cả một dân tộc mà cho đến ngày nay, giá trị ấy càng được xác định hơn. Tâm hồn của đất nước truyền thống biểu hiện tài tình… để ca ngợi Tổ quốc hoa gấm, nước biếc non xanh giàu đẹp, vững bền”.
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An nhấn mạnh: “Bộ Cửu Đỉnh là một bản kiểm kê tài sản quốc gia vào những thập niên đầu thế kỷ thứ XIX. Trong những tài sản quý báu nhất của đất nước được thể hiện trên Cửu Đỉnh, có phần lãnh hải của Tổ quốc, mà cụ thể là biển Đông, biển Nam và biển Tây”.
“Các hải phận của nước ta cũng đã được triều đình nhà Nguyễn bấy giờ quan tâm một cách đặc biệt. Hình ảnh biển Đông được thể hiện trên Cao Đỉnh (Gia Long), biển Nam trên Nhân Đỉnh (Minh Mạng) và biển Tây trên Chương Đỉnh (Thiệu Trị) là 3 cái đỉnh to cao nhất và quan trọng nhất, tượng trưng cho 3 ông vua đầu tiên của triều đại. Dù đã trải qua 165 năm (1836- 2011) với bao cơn bão táp của thiên nhiên và của thời cuộc, Cửu Đỉnh vẫn còn đứng vững giữa lòng đất nước. Bộ tài liệu bằng đồng này cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin cần thiết, trong đó có những hình ảnh khẳng định chủ quyền của dân tộc về lãnh hải nói chung, biển Đông nói riêng”- ông Phan Thuận An nhấn mạnh.
… đến những châu bản liên quan tới Hoàng Sa
Trước đó, nhà nghiên cứu Phan Thuận An cũng từng phát hiện 2 châu bản thời Bảo Đại liên quan đến đảo Hoàng Sa còn được cất giữ cẩn thận ở phủ thờ Ngọc Sơn công chúa- nơi mà gia đình ông đang sống (số nhà 31-Nguyễn Chí Thanh, Huế). Hai châu bản này đã được ông công bố năm 2009.
Nội dung của tờ châu bản thứ nhất là: Vào ngày 2-2-1939, Khâm sứ Trung kỳ Graffeuil gửi cho Tổng lý Ngự Tiền Văn phòng (nay gọi là Chánh văn phòng) Phạm Quỳnh một văn thư đề nghị tâu xin Hoàng đế Bảo Đại truy tặng huy chương Long tinh của Nam triều cho ông Louis Fontan, người vừa qua đời trong ngày hôm ấy. Trước đó, ông này giữ chức vụ Chánh Cai đội Hạng nhất của động lính Khố Xanh trú đóng tại đảo Hoàng Sa. Trong thời gian ra công tác tại đảo Hoàng Sa, ông đã bị nhiễm bệnh rất nguy hiểm, rồi chết tại Nhà thương lớn ở Huế (nay là BV T.Ư Huế). Ngay sau khi ông lâm chung, văn thư vừa nêu liền được tống đạt.
Tờ châu bản đề ngày 15-2- 1939 nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa. |
Sau khi nhận được, Tống lý Ngự tiền Văn phòng Phạm Quỳnh giao cho quan chức dưới quyền trực tiếp của mình là Thương tá Trần Đình Tùng trách nhiệm sao y nguyên văn một bản để đính kèm vào tờ phiến đệ trình lên vua. Ngày 3-2-1939, tờ phiến và bản sao văn thư ấy được Ngự tiền Văn phòng dâng lên vua Bảo Đại. Trong tờ phiến, ông Tổng lý đề nghị vua ban thưởng “tứ hạng Long tinh” cho viên chức người Pháp ấy.
Đây là một thái độ coi trọng những người thuộc chính quyền bảo hộ có công phòng thủ đảo Hoàng Sa của Nam triều. Đọc xong tờ phiến và văn thư đính kèm, vua Bảo Đại chấp nhận đề nghị, và phê hai chữ “Chuẩn y” và ký tắt hai chữ “BĐ” (Bảo Đại) bằng viết chì màu đỏ. Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, tờ châu bản này cũng khẳng định thêm một lần nữa rằng trước khi cuộc thế chiến thứ 2 bắt đầu và quân đội phát xít Nhật tấn công xâm chiếm vùng Châu Á- Thái Bình Dương thì đảo Hoàng Sa đã thuộc chủ quyền của Việt Nam và ngay sau khi cuộc chiến tranh chấm dứt thì đảo đó vẫn trở lại thuộc chủ quyền của nước ta như cũ.
Nội dung của tờ châu bản thứ hai, bản gốc ghi ngày 27 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 13 (15- 2- 1939) là một bản tấu của Tống lý Ngự tiền Văn phòng Phạm Quỳnh dâng lên Hoàng đế Bảo Đại xin phê chuẩn việc tặng huy chương Long tinh hạng 5 cho đơn vị lính Khố Xanh vì họ đã có nhiều công lao trong việc dẹp loạn ở miền núi và lập đồn phòng thủ ở đảo Hoàng Sa. Bản tấu này cũng được nhà vua chuẩn y. Tờ châu bản này cũng là một chứng cứ quan trọng về sự thực thi liên tục chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa. Hiện 2 châu bản này đã được ông Phan Thuận An hiến tặng cho Bộ Ngoại giao Việt Nam lưu giữ.
Như vậy, với những châu bản và hiện vật hình ảnh biển Đông trên Cửu Đỉnh mà nhà nghiên cứu Phan Thuận An đã phát hiện và tìm thấy đã đóng góp thêm những chứng cứ cụ thể và hùng hồn về chủ quyền của Việt Nam đối với biển đảo. Ghi nhận sự đóng góp đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn thư, lưu trữ cho nhà nghiên cứu Phan Thuận An.
(theo giaoduc)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét