Trần Bình
Từ bao nhiêu năm qua Trung Quốc đã dày công chứng tỏ đang theo đuổi chánh sách gọi là "Hòa bình Trỗi
dậy - peaceful rise strategy". Song những động thái hung hăng của TQ tại biển Đông và khu vực Đông Á gần đây đã dấy động dư luận thế giới. (...) Vậy thì đâu là động lực của các động thái gây hấn của TQ gần đây?
Thế giới đang trải qua một thời kỳ với những biến chuyển trọng đại trên cả hai mặt kinh tế và chính trị.
Gần một thập niên trước, các nhà kinh tế của Goldman Sachs ghép bốn nền kinh tế đang phát triển Brazil, Russia, India, và China thành "BRIC" với dự đoán các nền kinh tế này sẽ khống chế thế giới. Năm 2010, Trung Quốc trở thành cường quốc có nền kinh tế lớn thứ 2, Bazril - 7, India - 10, Russia - 11. Trung Quốc cũng đã vượt qua Đức ở vị thế là quốc gia có nền xuất khẩu lớn nhất thế giới (1).
Trước trình trạng suy thoái kinh tế của các nuớc phát triển, đặc biệt Hoa Kỳ, các nhà kinh tế kỳ vọng vào sự phát triển của các nước đang phát triển, dẫn đầu bởi Trung Quốc, Ba Tây và Ấn sẽ giúp thế giới sớm thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, và góp phần cho sự phát triển bền vững trong trường kỳ. Song, mối quan ngại và nỗi hoài nghi của thế giới cũng lớn dần theo sự lớn mạnh của Trung Quốc vì những mối giao dịch đầu tư ra nước ngoài thiếu minh bạch và nhất là lối hành xử hung hãn gần đây của quốc gia này với các nước láng giềng.
Tháng 11/2010, tiến sĩ Okonjo-Iweala, giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo Trung Quốc "phải minh bạch trong các hoạt động đầu tư, hoặc phải gánh chịu hậu quả vì những cuộc thương thảo không sáng tỏ ở hậu trường" (2). Trên bài bình luận tháng 6/2011, Arthur Herman, New York Post, nhận xét "Trung Quốc trông không giống một siêu cường đang lên mà giống như một kẻ bắt nạt mất kiểm soát" (3)
Dư luận dân chúng quanh thế giới?
Tuy rằng Kết quả của cuộc điều tra tháng 3/2011 do BBC thực hiện với 28 ngàn người tham dự tại 28 quốc gia cho thấy 50% có quan điểm tích cực đối với sự phát triển của TQ và 33% có quan điểm tiêu cực, song số người tin rằng "Sự lớn mạnh của Trung Quốc (TQ) về kinh tế là điều không tốt" tăng mạnh khi so sánh với cuộc điều tra năm 2005, đặc biệt tại các nước phát triển có quan hệ mậu dịch lớn với TQ. Số người có quan điểm tiêu cực về TQ hiện chiếm đa số tại Hoa Kỳ, Pháp, Canada, Đức, Ý, và tăng nhanh tại Anh và Mexico (4).
Đối với người dân Hoa Kỳ, sự lớn mạnh của TQ còn là sự thách thức và nỗi ám ảnh. Theo cuộc điều tra tháng 2/2011 do Gallup thực hiện, có đến 52% dân Mỹ cho rằng TQ hiện là nước có quyền lực kinh tế dẫn đầu thế giới so con số 32% của Hoa Kỳ, dẫu rằng nền kinh tế của Hoa Kỳ (GDP) hiện vẫn vượt trội TQ hơn hai lần theo số liệu của IMF và WB (5).
Từ một góc độ khác, sự lớn mạnh của Trung quốc diễn ra trong bối cảnh các nền kinh tế mới nổi (emerging markets) và các nước Châu Á đã đạt được những bước phát triển rất khả quan trong những thập niên gần đây. Vào đầu thu năm 2004 trên chương trình PBS The Charlie Rose Show, ông Lý Quang Diệu đã tiên đoán Châu Á sẽ tiếp tục phát triển, trở thành trung tâm kinh tế và quyền lực lớn của thế giới trong những thập niên tới. Tháng 11/2010, giáo sư Peter Petri, đại học Brandeis, Massachusetts, Hoa Kỳ, nhận định rằng trong vòng hai mươi năm tới, Trung Quốc và các nước châu Á sẽ thay thế ngôi vị của Hoa Kỳ và châu Âu. Vào năm 2030, thị trường chứng khoán và nền ngoại thương châu Á sẽ lớn hơn các nước phương Tây khoảng 20% (6).
Khu vực Châu Á Thái Bình Dương vốn nằm trung vòng ảnh hưởng chi phối của Hoa Kỳ từ nhiều thập niên qua. Song ảnh hưởng này bị xói mòn nghiêm trọng trong những năm gần đây do sự phát triển kinh tế và mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, trong khi Hoa kỳ phải tối mặt đối đầu với hai trận chiến Irag, Afghanistan, và các khó khăn kinh tế.
Tuy nhiên, thời gian gần đây Hoa Kỳ đã có nhiều nỗ lực phục hồi ảnh hưởng tại khu vực chiến lược quan yếu Châu Á, và sự chuyển hướng của chính sách này có thể thấy rõ qua phát biểu của các nhân vật quan trọng trên chính trường Hoa Kỳ. Trong buổi hội thảo về an ninh hàng hải trên biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tổ chức tháng 6/2011 tại Hoa Kỳ, ông John McCain khẳng định "Khu vực biển Đông là nguồn quan trọng về công việc làm và tài nguyên thiên nhiên có lợi cho nhiều người Mỹ. Tuy nhiên, có lẽ xét rộng hơn là yếu tố chiến lược. Trung tâm địa chính trị thế giới hấp dẫn đang chuyển sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương - một khu vực, trong đó nhiều nước đang trỗi dậy cùng một lúc về sự giàu có và sức mạnh" (7).
Đối với các nước trong khu vực, mối bang giao với Hoa Kỳ và TQ ngày càng phức tạp. Về phương diện kinh tế, quan hệ giữa các nước Châu Á và TQ ngày càng gia tăng và gắn bó. Kim ngạch mậu dịch giữa 11 quốc gia ASEAN và TQ tăng 12 lần trong giai đoạn từ 1995-2008, và tỷ phần giao thương giai đoạn 2000-2008 giữa hai bên tăng từ 4% lên 11.3%, trong khi đó, tỷ phần mậu dịch giữa Hoa Kỳ và ASEAN giảm từ 15% xuống 10.6%. Từ năm 2008, kim ngạch mậu dịch của TQ với ASEAN đã vượt Hoa Kỳ, chiếm vị trí thứ ba, sau Nhật và EU.
Song về phương diện bang giao quốc tế, các quốc gia khu vực không khỏi lo âu trước sức bành trướng và tham vọng của TQ. Vì thế, các nước này một mặt cố duy trì mối giao hảo với TQ, và mặt khác hoan nghênh sự quay trở lại của Hoa kỳ, như theo phân tích của John Roberts tháng 1/2010, nhân dịp TQ và ASEAN thành lập khối tự do mậu dịch: "sự mong muốn duy trì mối bang giao tốt đẹp với Hoa Kỳ của một số nước ASEAN không phải chỉ vì thị trường tiêu thụ khổng lồ của nước này, mà còn là vì Hoa Kỳ là sức đối trọng kinh tế và chính trị đối với TQ" (8). Đây cũng là quan điểm của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Robert gates, phát biểu nhân dịp tham gia Hội nghị An ninh Châu Á hàng năm, do Viện Nghiên cứu Chiến lược tổ chức tháng 6/2011 tại Singapore: "Một trong những điều gây ấn tượng và ngạc nhiên nhất trong chuyến thăm viếng Á Châu lần này là sự mong muốn khắp khu vực được tăng cường mối quan hệ quân sự với Hoa Kỳ, và sự mong muốn này mạnh mẽ hơn rất nhiều so với lần viếng thăm 20 năm trước đây" (9).
Sự hợp tác gần đây giữa Hoa Kỳ với Việt Nam và các nước khu vực trong chiến lược đối phó với TQ về vấn biển Đông là một trong những biểu hiện của chiều hướng nói trên.
Những mối giao dịch đáng quan ngại:
Mối quan ngại của thế giới đối với sự trỗi dậy của TQ được Đại sứ Hoa kỳ tại TQ giai đoạn 1991-1995, Stapleton Roy, sinh ra tại Trung Quốc và đã từng chứng kiến cuộc cách mạng văn hoá bày tỏ: "Điều đáng sợ là khi Trung Quốc giàu mạnh hơn, quốc gia này liệu sẽ có ý thức đúng đắn về trách nhiệm của họ đối với cộng đồng thế giới".
TQ đầu tư và chi viện nước ngoài nhằm đẩy mạnh phát triển và phát huy thanh thế là hoạt động bình thường cũng như mọi cường quốc khác. Song, vấn đề là TQ có tuân thủ các qui ước quốc tế khi thực thi các hoạt động kinh tế?
Theo như các sự kiện tường thuật từ loạt bài thứ năm bàn về chính sách ngoại giao của Trung Quốc trên tờ The Newyork Times dưới chủ đề "Những mối giao dịch đáng quan ngại - Uneasy engagements" thì các mối giao dịch đi ngang về tắt của TQ đã gây không ít nỗi ngờ vực và quan ngại trong cộng đồng quốc tế.
Song, phải chăng việc sử dụng ngoại viện và đầu tư một cách vụ lợi và nhập nhằng là đặc sản của TQ hay là tình trạng chung của các nước giàu mạnh? Sharon Lafraniere và John grobler đã trả lời câu hỏi này qua bài viết Trung Quốc viện trợ sang Châu Phi, với sợi dây thòng lọng - China Spreads Aid in Africa, With a Catch (10):
"Phải nói rằng cho đến những năm gần đây, các nước giàu có cũng không phải là tấm gương tốt về chính sách ngoại viện. Nhiều dự án đã bị dấy bẩn vì tham nhũng hoặc nhằm làm lợi cho các công ty của nước viện trợ. Song từ 10, 15 năm qua, các nước này đã rất nỗ lực lành mạnh hóa các chương trình viện trợ.
Chính sách ngoại viện của TQ trái hẳn với khuynh hướng chung về lối hành xử của đất nước này đối với các qui ước quốc tế. Chánh sách ngoại viện hết sức mờ ám khiến người ta tự hỏi - TQ đang giấu giếm điều gì?".
Bates Gill, giám đốc Học viện Hòa bình Thế giới Stockholm, The Stockholm International Peace Institute giải thích nguyên nhân của lối hành xử này là vì "TQ đã quen với sự mập mờ, sự kiểm soát và lối quan hệ trực tiếp cấp chính phủ" (11).
Một số nhà quan sát và bình luận lại cho rằng mặc dù TQ đã đã không tuân thủ các tiêu chuẩn trong các mối giao dịch, song cũng chính nhờ vào ngoại viện và đầu tư của TQ mà các nước nghèo, chẳng hạn như các nước Châu Phi, mới có được hệ thống cơ sở hạ tầng mở rộng như ngày hôm nay. "Lãnh tụ các nước đang phát triển đón nhận TQ vì sự dễ dàng về tín dụng và không kèm theo các đòi hỏi cải cách chính trị, kinh tế như các nước phát triển khác"
Song, đối với những ngưòi chỉ trích thì hậu quả của lối giao dịch "cửa hậu" này là tình trạng cạnh tranh kinh tế bất chánh, không công bằng, và là mầm móng của nạn tham nhũng. Một số trường hợp điển hình của những mối giao dịch thiếu quang minh chánh đại này đã được nhóm này nêu ra:
- Bắc Kinh đã bí mật cung cấp học bổng (không thông qua Bộ Giáo dục) cho con em của chín lãnh tụ nước Namibia, trong đó gồm con gái của Tổng Thống Hifikepunye Pohamba; con trai Bộ trưởng bộ Quốc phòng, là cơ quan mua vũ khí của TQ, và con trai Bộ trưởng bộ Di trú, nơi cấp giấy phép thường trú cho công nhân Trung Quốc (12).
- Cũng tại Namibia, nhà chức trách điều tra vụ công ty quốc doanh TQ hợp đồng bán máy scanner cho cơ quan an ninh chính phủ với những khoảng tiền "lại quả" nhiều triệu mỹ kim. Cuộc điều tra này gây sự chú ý của dư luận vì không bao lâu trước khi xãy ta vụ xì căn đan, chính người con trai Chủ tịch TQ Hu Jintao đã điều hành công ty. Một vụ đìều tra khác khiến tướng Martin Shalli chỉ huy lực lượng quốc phòng Namibia bị cách chức vì nhận hối lộ 700 ngàn mỹ kim từ một công ty buôn vũ khí của TQ (13).
- Các giao dịch gỗ lậu xảy ra tại nước Madagascar, Châu Phi, được phóng viên môi trường của BBC, Richard Black tường thuật tháng 10/2010. Kết quả điều tra của tổ chức Nhân chứng thế giới và Cơ quan Điều tra Môi sinh, ước tính đến "98% gỗ khai thác lọt qua TQ, và phần còn mới đến Hoa Kỳ và các nước Châu Âu" (14).
- Qua bài viết Những Xung đột từ các cuộc Khai thác Khoáng sản của TQ tại Peru, Nam Mỹ, trên The New York Time số ngày 14/8/2010, Simon Romeo tường thuật cuộc đình công của công nhân Peru, vùng mỏ Shougang, chống đối việc công ty TQ xa thải 1300 công nhân, thay thế bởi các công nhân TQ, khiến công ty TQ phải nhượng bộ, cho rút công nhân TQ về nước (15).
- Tại Philippines, hợp đồng trị giá 329 triệu USD với công ty quốc doanh TQ, ZTE Corporation, phải hủy bỏ vì bị dính líu đến việc "lại quả". Tháng 1/2009, Ngân hàng Thế giới cấm 4 công ty quốc doanh TQ tham gia đấu thầu sau khi điều tra biết được các công ty này có những hành vi phi pháp nhằm đạt được hợp đồng các dự án ngân hàng tại Philippines (16).
- Vụ công ty TQ trúng thầu khai thác mỏ Aynak, Afghanistan, trị giá 3.4 tỷ USD khiến Bộ trưởng Bộ khoáng sản Mohammad Ibrahim Adel phải mất chức vì bị tố giác nhận hối lộ (17).
Với những mối giao dịch "phòng sau - back room" phổ biến như vậy, Tom Lynch, nhà nghiên cứu của Học viện Quốc phòng Quốc gia - The National Defense University Institute for National Strategic Studies, khu vực Nam Á đã kết luận:
"Những truờng hợp tương tự như vụ Aynak cũng đã từng xảy ra nhiều nơi khác trên thế giới. Điều này cho thấy TQ là nhà đầu tư tài nguyên thiên nhiên không đáng tin cậy, hiếm khi đóng góp cho cộng đồng địa phương như đã hứa hẹn, và thường để lại những mảnh đất đầy vết tích của tàn phá môi sinh" (18)
Đằng sau các động thái của Trung Quốc:
Từ bao nhiêu năm qua Trung Quốc đã dày công chứng tỏ đang theo đuổi chánh sách gọi là "Hòa bình Trỗi dậy - peaceful rise strategy". Song những động thái hung hăng của TQ tại biển Đông và khu vực Đông Á gần đây đã dấy động dư luận thế giới. Zakaria, qua bài "Những Sai lầm trong Chánh sách Ngoại giao của Bắc kinh - Beijing's foreign policy blunders", CNN tháng 6/2011, viết "Trong vùng biển phía nam, Bắc kinh gây hấn với Việt Nam, Philippines và Nhật Bản. TQ cũng làm Nam Hàn nổi giận vì không hề lên án Bắc Hàn trong vụ đánh chìm tàu chiến của Nam Hàn" (19) F5/5. Vậy thì đâu là động lực của các động thái gây hấn của TQ gần đây?
- Zakaria cho rằng những thành công về kinh tế, ngay cả trong bối cảnh ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu, khiến TQ trở nên "cả tin và thậm chí ngạo mạn".
- Trên bài bình luận "US hay China: A sẽ thắng thế kỳ 21 - China vs. USA: Who will win the 21st Century", Zakaria nhận định chìa khoá để mở cánh cửa thế kỷ 21 là "Sáng kiến và Năng lượng - Ideas and energy", vì hầu như nước nào cũng có khả năng sản xuất hàng hoá nên cần có sáng kiến để phân biệt hơn kém, và vì ai cũng tiến nhanh, nên ai cũng cần năng lượng để sản xuất (20).Ngày nay, dầu vẫn là nguồn năng lượng quan trọng nhất cho sản xuất, và TQ là nước đang rất đói dầu. Từ một nước xuất khẩu dầu năm 1992, ngày nay TQ là nước tiêu thụ lượng dầu lớn thứ hai chỉ sau Hoa Kỳ. TQ chiếm gần 40% số lượng dầu tiêu thụ tăng lên trong giai đoạn 2004-2007 (21). Cùng chạy đua với TQ, các nước kinh tế mới nổi thuộc nhóm "BRIC" cũng tiêu thụ khối lượng dầu rất lớn: India - thứ 4, Russian - 6, và Brazil - 8. Biểu đồ dưới đây cho thấy TQ đã đầu tư năng lượng trên khắp thế giới để bảo đảm nguồn cung ứng nguyên, nhiên vật liệu cho sản xuất (22).
- Arthur Herman, trong bài viết "Bắc Kinh Tham chiến - Beijing belligerence" trên NewYork Post ngày 19/6/2011 lại cho rằng "Nỗi sợ mất kiểm soát ở trong nước đã góp phần thúc đẩy cuộc phiêu lưu và sự kiêu căng của Trung Quốc với các nước ngoài, và Việt Nam cũng chỉ là trường hợp mới đây nhất". Những cuộc bạo động không ngừng gia tăng, lên đến 127 ngàn vụ trong năm 2008, và TQ cũng đang gặp khó khăn trong trấn áp các lực lượng chống đối trên internet (23).
- Song, Tetsuo Kotani, thuộc Viện Okazaki, Tokyo, trong bài viết "Vì sao TQ muốn Biển Nam China - Why China Wants South China Sea" lưu ý rằng "Mặc dù mọi chú ý đổ dồn vào nguyên do TQ đang thèm khát nguồn hải sản và năng lượng, nhưng nếu không hiểu được tầm quan trọng của vùng biển nam TQ đối với chiến lược nguyên tử của TQ, thì không thể hiểu được ý vì sao TQ lại muốn mở rộng lãnh hải". Tetsuo so sánh nỗ lực thống trị vùng biển đông của TQ tương tự với chiến lược nguyên tử của Liên Xô cũ ở vùng biển Okhotsk thời kỳ chiến tranh lạnh, tức là tạo ra một lá chắn nguyên tử trên biển đáng tin cậy, mở rộng tuyến phòng ngự và địa bàn căn cứ tấn công địch. "Để hoả tiễn JL-2 có thể tấn công Los Angeles, Hoa Kỳ, tàu ngầm loại 094 của TQ phải tiến sâu vào vùng biển Philippine, nơi Hoa Kỳ và Philippine thường thao diễn lực lượng phòng vệ chống tàu ngầm" (24).
Cuộc đọ sức ở Biển Đông và Khu vực Châu Á Thái Bình Dương:
Tuy nhiên, theo phân tích của Tetsuo, TQ sẽ gặp nhiều thách thức trong chiến lược khống chế biển Đông. Thứ nhất, khác với vùng biển Okhotsk của Liên Xô, khu vực biển Đông là đường hàng hải quốc tế được thế giới thừa nhận. Hơn thế nữa, kế hoạch biển Đông của đầy tham vọng của TQ đụng chạm đến quyền lợi chiến lược của nhiều quốc gia liên hệ.
Trước tiên, Hoa kỳ đã tỏ rõ sự phản đối chủ trương quyết đoán của Trung Quốc về chủ quyền biển Đông tại nhiều diễn đàn khu vực khác nhau bằng cách nhấn mạnh lợi ích của Washington trong tự do hàng hải. "Hillary Clinton đã làm TQ nổi giận khi tuyên bố hôm tháng 7 vừa qua rằng tự do hàng hải trong khu vực là quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ và Hoa kỳ sẵn sàng hỗ trợ một cuộc đối thoại đa phương" (25). Sự quan tâm của Hoa kỳ đối với khu vực biển Đông nói riêng và Châu Á nói chung còn thể hiện qua lời tuyên bố mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates. Qua bài viết "Robert Gates Cảnh cáo Đụng độ có thể xảy ra tại khu vực biển phía nam TQ - Robert Gates warns of possible clashes in the South China Sea" ngày 4/6/2011", Liz Neisloss, CNN, tường thuật: "Gates đã tuyên bố với cử tọa gồm các Bộ trưởng Quốc phòng và các lãnh đạo quân sự tại cuộc họp an ninh Châu Á hàng năm rằng Hoa Kỳ tăng cường mối quan hệ với các nước Châu Á trong những năm gần đây cho dù đang phải đối đầu với những khó khăn kinh tế và hai trận chiến đang tiếp diễn tại Irag và Afghanistan (26)". Tetsuo lại ví động thái của Hoa Kỳ mới đây trong việc di chuyển các tàu chiến đến gần bờ ở Singapore với việc Anh Quốc triển khai các tàu HMS Prince of Wales và HMS Repulse tại “Gibraltar của phương Đông” để ngăn chặn Đế quốc Nhật năm 1941.
Đối với Ấn Độ, cho đến khi nước này thành công chế tạo loại hoả tiễn tầm xa (SLBM), thì Ấn sẽ còn cần hoạt động trên vùng biển Đông để có thể tấn công TQ.
Vị thế của biển Đông cũng rất quan trọng đối với nước Nhật, không những vì 90% dầu nhập cảng phải đi qua vùng biển này, mà còn là vì nếu TQ khống chế được biển Đông thì điều này sẽ làm suy yếu khả năng ngăn chặn của đồng minh Hoa Kỳ trong chiến lược an ninh bảo vệ Nhật Bản.
Nước Úc cũng rất quan tâm đến vùng biển Đông, sẽ duy trì sự hiện diện quân sự ở khu vực này để bảo vệ tuyến cung cấp nguyên liệu, đường giao thương, và đồng thời cho phép quân đội Hoa Kỳ tiếp cận sâu hơn với các căn cứ của mình.
Vì vậy, Tetsuo cho rằng Trung Quốc đang ở thế tiến thoái lưỡng nan, "càng có thái độ quyết liệt trong chiến lược thống trị biển Đông, thì các nước láng giềng càng thắt chặt mối hợp tác chiến lược với các nước Hoa Kỳ, Ấn, Nhật và Úc".
Dường như Trung Quốc cũng đã nhận ra sự "quá trớn và đang điều chỉnh", theo nhận định của Zakaria. Và, mặc khác, "Hoa Kỳ đang khẳng định với các nước Châu Á về hiện diện của mình" trong khu vực. Zakaria kết luận (27):
"Cuộc tranh chấp chính trị địa dư Châu Á chỉ mới là bắt đầu. Tôi đang có cảm tưởng rằng chúng ta sẽ chứng kiến cuộc đọ sức ra miếng, trả miếng giữa hai đại cường này trong nhiều năm tới".
(nguồn:dien dan)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét