Sử sách ca ngợi Lê Thánh Tông là vị vua “cao siêu, anh minh quyết đoán, có hùng tài đại lược, võ giỏi văn hay mà thánh học rất chăm, tay không lúc nào rời quyển sách. Các sách kinh sử, các sách lịch toán, các việc thánh thần cái gì cũng tinh thông” (Đại Việt sử ký toàn thư)
.
Lê Thánh Tông là người nổi tiếng thông minh, tài giỏi nhất trong số các vị vua Việt Nam nói chung và các vua triều Hậu Lê nói riêng; ông sửa sang chính trị, mở mang học hành, chỉnh đốn võ bị, đề cao văn hóa…đưa quốc gia Đại Việt phát triển rực rỡ về mọi mặt. Trong cuộc đời, sự nghiệp của mình, Hoàng đế vĩ đại này đã để lại khá nhiều dấu ấn đặc biệt và cả những câu nói nổi tiếng thể hiện trí tuệ vượt bậc, tấm lòng vì nước vì dân của ông, thậm chí có những điều khó ai tin là nó xuất phát từ một quân vương trong chế độ quân chủ chuyên chế.
“Ta và các ngươi thề với trời đất, dùng người quân tử, bỏ kẻ tiểu nhân”
Trong việc điều hành chính sự, Lê Thánh Tông đặc biệt chú trọng tuyển chọn những người có đức hạnh, tài năng để trao giữ các chức vụ quan trọng, ông còn đặt ra nhiều quy định để rà soát, kiểm tra bộ máy quan lại nhằm loại bỏ, trừng phạt những kẻ bất tài, tham lam, kém năng lực và thường xuyên nhắc nhở các đại thần không ngừng bồi dưỡng đạo đức, học vấn, thực thi đúng chức phận của mình. Đến như những nhân vật nổi tiếng học rộng, tài cao như Trạng Lường Lương Thế Vinh, Trạng Toán Vũ Hữu mà cũng có lần bị vua trách mắng vì chểnh mảng chuyện đọc sách, lắng nghe chính sự…
Vua Lê Thánh Tông (Tranh lụa thờ tại Lam Kinh, Thanh Hóa). Ảnh: Wikipedia
Sử chép rằng, vào tháng 12 năm Qúy Mùi (1463), vua cho gọi 5 quan thượng thư đứng đầu 5 bộ vào triều để nói về việc dùng người như sau: “Sắc dụ cho bọn Lại bộ thượng thư Nguyễn Như Đổ, Hình bộ thượng thư Trần Phong, Binh bộ thượng thư Nguyễn Vĩnh Tích, Hộ bộ thượng thư Nguyễn Cư Pháp, Binh bộ thượng thư Nguyễn Đình Mỹ rằng:
- Ta nghe Tư Mã Quang có nói: “Người quân tử là cội gốc để tiến lên trị bình, kẽ tiểu nhân là thềm bậc để đi đến họa loạn". Ta và các ngươi thề với trời đất dùng ngươi quân tử, bỏ kẻ tiểu nhân, ngày đêm chăm chắm không lơi, các ngươi chớ có lãng quên đấy!” (Đại Việt sử ký toàn thư).
“Pháp luật là phép công của nhà nước, ta cùng các ngươi đều phải tuân theo”
Do nhu cầu phát triển của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền, cũng như các lĩnh vực khác, hoạt động lập pháp được nhà Hậu Lê tích cực đẩy mạnh. Chính sự quan tâm đó đã mang lại những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực pháp luật và điển chế, đặc biệt dưới triều Lê Thánh Tông, hàng loạt công trình pháp luật được xây dựng như: Lê triều quan chế, Quốc triều hình luật (bộ luật Hồng Đức), Hồng Đức thiện chính thư, Thiên Nam dư hạ tập, Từ tụng điều lệ, Quốc triều Hồng Đức niên gian chư cung thể thức…
Nếu như nhiều quân vương coi mình đứng cao hơn cả pháp luật và cũng có không ít hoàng thân quốc thích, đại thần, quan chức dựa vào địa vị cao quý mà cho rằng nếu mình phạm tội thì cũng được pháp luật nương nhẹ thì đối với Lê Thánh Tông, ông đã tuyên bố đặt mình dưới pháp luật. Câu nói của ông được sử sách ghi chép lại rõ ràng, khiến cho chúng ta ngày nay cần phải suy ngẫm, noi theo.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết vào tháng 7 năm Giáp Thân (1464) Lê Thánh Tông khi ra lệnh giáng chức một đại thần phạm tội, vua đã nhắc nhở người này về trách nhiệm tuân thủ pháp luật: “Giáng Nguyễn Đình Mỹ xuống làm Tả thị lang Binh bộ. Vua dụ rằng: Đồ dùng thì chuộng thứ mới, dùng người thì nên dùng người cũ. Nho thần tuổi già như bọn các ngươi còn mấy người đâu, thế mà ngươi phạm tội nhưng cũng là sau vụ phạm tội của Ngô Sĩ Liên và Nguyễn Thiện thôi. Pháp ty giữ công bằng, theo luật phải giáng bãi nhưng ta thì tiếc tài ngươi, sai đổi thành lệnh biếm chức. Pháp luật là phép công của nhà nước, ta cùng các ngươi đều phải tuân theo, ngươi nên nhớ lấy”.
“Nếu không ban ơn rộng khoan tha thì sao thấy ơn huệ thực sự đến nhân dân được?”
Mặc dù rất quan tâm đến đời sống nhân dân nhưng có những năm do thiên tai gây ra mà dân chúng gặp phải cảnh khó nhọc, khổ đau khiến Lê Thánh Tông phải tiến hành nhiều hoạt động khắc phục, trợ giúp nhân dân. Tháng giêng năm Đinh Hợi (1467) sau khi từ Tây Kinh (Thanh Hóa ngày nay) trở về Thăng Long, vua thấy mấy tháng cuối năm trước trời hạn hán, mãi không có mưa bèn ban lệnh đại xá toàn thiên hạ.
Vua đã có lời dụ cho các công hầu, quan viên văn võ và trăm họ về việc cần thiết phải đại xá như sau:
“Trẫm là kẻ không có đức, làm chủ muôn dân. Muốn cho mọi người đều được giàu đủ, mạnh khỏe, yên vui để tiến tới thịnh trị. Năm ngoái, từ mùa thu đến mùa đông, trời mãi không mưa, người không có hy vọng được mùa, dân lo khó khăn đói kém. Trẫm là cha mẹ dân, chỉ biết đau xót trong lòng, nay nếu không ban ơn rộng khoan tha thì sao thấy ơn huệ thực sự đến với nhân dân được? (Đại Việt sử ký toàn thư).
“Dùng pháp luật mà trị tội, sao bằng lấy lễ nghĩa mà bảo trước”
Hiếm có vị vua nào lại có nhiều quan điểm tiến bộ, thân dân, yêu dân như Lê Thánh Tông, biết dân phạm lỗi nhưng không áp dụng ngay pháp luật để trừng phạt họ mà ông cho rằng giáo dục cho dân hiểu mà sửa chữa, tuân theo pháp luật mới là điều tốt đẹp hơn.
Sử chép rằng cũng vào năm Đinh Hợi (1467), trước tình trạng người dân ở Lam Kinh, quê hương các vua Lê lấn chiếm đất đai nhà nước một cách bừa bãi khiến cho hoàng thân quốc thích và những quan lại có công trạng không có lấy một mảnh đất để ở nên tháng 2 năm đó vua “sai Hộ bộ thượng thư Trần Phong cùng bọn quan Tuyên chính Phan Sư Tông đi khám đất công ở hương Lam Sơn và thôn Dâm để cấp cho các công thần từ nhất phẩm đến lục, thất phẩm theo thứ bậc khác nhau. Lại dụ các quan và bô lão rằng:
- Lam Kinh là đất căn bản nơi quê vua, không ví như các nơi kinh sư khác được. Mới rồi bọn thế gia hay làm trái phép, coi thường pháp luật, chiếm đoạt đất đai làm của riêng, các thân vương công chúa không có lấy tấc đất cắm dùi. Nhưng dùng pháp luật mà trị tội, sao bằng lấy lễ nghĩa mà bảo trước, để cho họ nhà vua ngày một nhiều thêm cũng có chỗ mà nương thân. Nay định rõ giới hạn, kẻ nào còn dám vi phạm thì phải trị tội theo pháp luật” (Đại Việt sử ký toàn thư).
“Chống giữ biên thùy nên phòng bị những sự không ngờ, để ngừa giặc ngoại xâm”
Là quốc gia luôn phải đối phó với nguy cơ ngoại xâm nên các vị quân vương nước Việt đặc biệt chú ý đến việc phòng bị biên cương, giữ gìn bờ cõi. Với Lê Thánh Tông, dù biết đề phòng ngoại bang là điều thường trực trong suy nghĩ của mỗi người nhưng ông vẫn thường nhắc nhở quân dân không được lơ là, mất cảnh giác.
Ngày 20 tháng 5 năm Đinh Hợi (1467), vua ban sắc dụ khiển trách các quan trấn thủ, phó tổng binh và thổ quan các xứ Lạng Sơn, An Giang, Bắc Bình rằng: “Quan coi giữ bờ cõi của triều đình, cố nhiên phải giữ đất yên dân, đánh ngăn giặc ngoài là chức phận của mình. Mới rồi, người ngoài xâm nhập bờ cõi, bắt người cướp của, nhiều lần thấy chạy tâu, mà kết quả đánh giữ ra sao thì im không thấy báo gì. Nay nếu cứ khép vào luật pháp mà trị tội tất cả e rằng sẽ không hết được. Bọn các ngươi phải dốc lòng hết sức để chuộc lại lỗi trước” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Nếu như ngày nay, các lực lượng vũ trang Việt Nam luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu thì mấy trăm năm trước, Lê Thánh Tông đã nhấn mạnh điều này. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, tháng 9 năm Đinh Hợi (1467) vua căn dặn quan trấn thủ và phó tổng binh các vệ ở các xứ An Bang, Lạng Sơn, Tuyên Quang rằng: “Các ngươi chức vụ đứng đầu một phương, chống giữ biên thùy nên phòng bị những sự không ngờ, để ngăn ngừa giặc ngoại xâm. Cần phải khuyên bảo các tướng hiệu răn đe quân lính, không được quen thói cũ, bỏ trốn về nhà, để trống vị trí phòng thủ, kẻ nào trái lệnh thì trị tội nặng hơn luật thường”.
“Trẫm ghét đắng cay những đấng nhân quân đời trước, mượn ngôi báu để hưởng lạc thú”
Trong một bài thơ tự thuật của Lê Thánh Tông có câu: “Lòng vì thiên hạ những sơ âu/ Thay việc trời, dám trễ đâu?/Trống dời canh, còn đọc sách/ Chiêng xế bóng, chửa thôi chầu”. Chính vì luôn nghĩ đến dân, đến trách nhiệm trị quốc của người làm vua nên Lê Thánh Tông rất quan tâm đến những việc ích nước, lợi dân. Tháng 9 năm Tân Mão (1471) vua tiến hành cải cách hệ thống quan chế một cách cụ thể, đầy đủ và rõ ràng hơn, trong bài dụ phân tích lợi ích của việc thay đổi này, ông đã nói: “Trẫm được mang phúc ấm của triều trước, đặng làm sáng tỏ nghiệp lớn của ông cha, vun đắp cho vận hay buổi thái bình, khôi phục lại mưu mô dài vĩnh viễn. Trẫm ghét đắng cay những đấng nhân quân đời trước, mượn ngôi báu để hưởng lạc thú. Thảng hoặc có đặt ra quy chế nhưng lại đẩy cho các đình thần, dựng ra nhiều nhà cửa dọc ngang, làm nên một thì gây hại gấp muôn lần, thay đổi miên man, chẳng có lựa thời”.
“Một thước núi, một tấc sông của ta lẽ nào tự tiện vứt bỏ đi được”
Trước những mối đe dọa bởi nguy cơ xâm lược từ phương bắc, không chỉ cảnh giác đề phòng mà một số lần Lê Thánh Tông chủ động cho quân Bắc phạt không phải để chiếm đất, giành dân mà để răn đe, làm nhụt tham vọng của giặc và đề cao sức mạnh của mình, như sự kiện năm Mậu Ngọ (1438) quân ta đánh hai châu An Bình và Tư Lăng (nay thuộc Quảng Tây, Trung Quốc), hay như tháng 6 năm Canh Tý (1480) quân ta tấn công Cảm Qủa, chiếm ải Thông Quang (thuộc Quang Lang, Ôn Châu, Trung Quốc) rồi tiến vào xứ Ban Động dựng rào chắn, sau đó tâu về triều đình, buộc nhà Minh phải sai sứ sang thương nghị. Trong những lần như vậy, vua Lê Thánh Tông đều cho người đi “biện bạch phải trái với nhà Minh” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Bên cạnh đó, Lê Thánh Tông luôn kiên quyết ngăn chặn những hành động xâm phạm biên giới của quân Minh, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Trong việc tranh luận, đàm phán về vấn đề biên giới ông chủ trương mềm dẻo nhưng quyết không nhân nhượng, tháng 4 năm Quý Tỵ (1473) vua nói với các quan phụ trách việc biên cương, đứng đầu là Thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy rằng: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ đi được, ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc bày tỏ rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di” (Đại Việt sử ký toàn thư).
“Làm quan mà tham nhũng thì dân oán thán, đem khí dữ làm trái khí hòa”
Để có được một đội ngũ quan lại liêm chính, Lê Thánh Tông đã tiến hành nhiều biện pháp chống tham nhũng, hối lộ một cách triệt để, thậm chí đến cả người có công lớn đưa ông lên ngôi là Nguyễn Xí và con là Nguyễn Sư Hồi phạm tội này cũng bị vua xử lý. Vấn nạn này khiến Lê Thánh Tông luôn phải suy ngẫm trăn trở, thậm chí trong khoa thi Đình năm Nhâm Thìn (1472) ông đã hỏi tân Trạng nguyên Vũ Kiệt rằng: “Trẫm lo lắng cho cái thói tham lam làm đổi thay phong tục, nên đặt chức bình úy để xếp ra những điều gian dối của bọn quan lại, thương người liêm khiết để khuyến khích họ làm việc tốt. Thế nhưng người có chức vụ vẫn không trong sạch, bọn viên chức nhỏ làm những điều ô nhục, ngày càng lan tràn. Dân càng nghèo mà đóng góp ngày càng lắm, pháp luật ngày càng nghiêm mà kẻ gian cũng ngày càng nhiều. Của cải xuất kho lại rơi vào tay bọn tham nhũng, thật chẳng có lúc nào mà quá như lúc này. Hãy nêu lên những nguyên nhân sinh ra các tệ hại ấy, bằng cách nào để sửa đổi và tin là sửa đổi được không?”.
Ngày 21 tháng 6 năm Tân Sửu (1481) Lê Thánh Tông chiếu dụ các quan, yêu cầu phải xử lý mạnh tay các cá nhân tham nhũng: “Các quan trong ngoài đua nhau kiếm lợi là bởi quan có trách nhiệm ăn nói chưa được người giỏi. Kẻ thì nhu nhơ không có tài cán gì, người thì đả kích quá để rước gièm pha. Làm quan mà tham nhũng thì dân oán thán, đem khí dữ làm trái khí hòa, mối tệ này phải nên trừ bỏ. Từ nay trở đi, các chức khoa đài, hiến sát, triều thần phải công bằng mà bàn chọn, ai nên thải ra, ai nên bổ thay, làm bản tâu lên thi hành, để trừ bỏ tệ cũ” (Đại Việt sử ký toàn thư).
“Vì chính trị thiếu sót nên trời làm tai biến, đó là lỗi của trẫm”
Dưới chế độ phong kiến, các vị vua được xưng tụng là “thiên tử” (con Trời) thay trời hành đạo, cai trị quốc gia dân chúng. Với quyền lực lớn, vua vừa là người giải quyết mọi công việc chính trị, vừa là quan tòa tối cao, vừa là thủ lĩnh quân sự, do đó có thể ban phúc giáng họa, tác động đến thịnh suy của một cá nhân, gia đình, dòng họ. Những tưởng với địa vị đứng trên muôn vạn người, muốn làm gì cũng được sẽ dẫn tới sự lạm quyền, thế nhưng trong lịch sử Việt Nam có nhiều vị vua chuộng lời nói thẳng, mong muốn sửa mình khi nhận ra những sai lầm, thậm chí thấy cảnh người dân khổ sở vì thiên tai, bệnh dịch mà tự trách tội, nhận lỗi bởi cho rằng mình vẫn chưa làm tròn bổn phận, trong số đó có hoàng đế Lê Thánh Tông.
Ngày 29 tháng 8 năm Tân Hợi (1491), vua nói với các quan tể thần của 5 phủ, 6 bộ, 6 tự, 6 khoa và Ngự sử đài rằng: “Vì chính trị thiếu sót nên trời làm tai biến, đó là lỗi của trẫm mà thành ra như thế, chứ nhân dân có tội gì đâu. Có phải vì trẫm đức tín chưa khắp đến dân, lòng thành chưa thấu đến trời mà như thế chăng? Không rõ các khanh ngày thường ở nhà có lo việc nước, chăm chắm trong lòng không chút lơ là để giúp chỗ thiếu sót của trẫm không, hay là chỉ rong chơi mà dưỡng tính, mưu lợi vì lòng riêng, theo người ta mà tiến lui để giữ bền quyền vị chăng?... Từ nay về sau, kẻ nào còn quen thói nhơ bẩn như cũ, theo người ta mà tiến lui, mưu giữ bền quyền vị, thì trẫm vì các khanh mà giết đi; hoặc có kẻ nào theo lời dạy bảo mà bỏ lỗi trước đi, dốc lòng trung tín, hết sức hết trí, trẫm cũng vì các khanh mà hậu thưởng. Các khanh nên cố gắng đấy!” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Có thể nói, tài trí và những công lao to lớn của Lê Thánh Tông thật xứng với thụy hiệu mà quần thần truy tôn là: Sùng thiên, Quảng vận, Cao minh, Quang chính, Chí đức, Đại công, Thánh văn, Thần vũ, Đạt hiếu Thuần hoàng đế.
(nguồn:báo Đất Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét