...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

Philippines làm gì khi không thể liên tục ' cứng rắn' với Trung Quốc

Trà My(tổng hợp)

Tổng thống Philippines Benigno Aquino bất ngờ công du Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ song phương đang “căng như dây đàn”, nhằm thực hiện hướng đi mới trong cách tiếp cận Bắc Kinh, nhiều chuyên gia phân tích nhận định.


Tạm gác vấn đề biển Đông
Đại sứ Trung Quốc tại Manila Lưu Kiến Siêu cho biết, biển Đông sẽ là một chủ đề được đưa ra thảo luận trong các cuộc hội đàm giữa Tổng thống Aquino và lãnh đạo Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Lưu Kiến Siêu cũng nhấn mạnh: “Đây là vấn đề tồn tại trong suốt nhiều thập kỷ qua và chúng tôi thực sự không hy vọng nó sẽ được giải quyết chỉ bằng chuyến thăm này”.
"Trung Quốc sẵn sàng tham gia thăm dò và khai thác chung với tất cả các bên tuyên bố chủ quyền tại tất cả các vùng biển tranh chấp ở biển Đông. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng và khó khăn là chúng tôi phải đạt được sự đồng thuận và phải có thỏa thuận về địa điểm và cách thức tiến hành hợp tác", ông Siêu thừa nhận.


Vì vậy, đại sứ Trung Quốc đặt tham vọng khiêm tốn vào chuyến thăm này là chỉ nhằm tăng cường hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau giữa lãnh đạo của hai Chính phủ.
Giới chức Phippines và Trung Quốc thừa  nhận khó có thể giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh hải trong chuyến công du này của ông Aquino.
Tranh chấp biển Ðông trở thành một điểm gây căng thẳng giữa hai quốc gia trong phần lớn thời gian qua.
Trong khi đó, các quan chức Philippines cho hay, Tổng thống Benigno Aquino sẽ đưa vấn đề nhạy cảm này ra thảo luận trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch Hồ Cẩm Đào; song cũng thừa nhận, chủ đề chính trong các cuộc hội đàm sẽ không phải là vấn đề tranh chấp trên biển Đông.
Thúc đẩy hợp tác kinh tế
Theo giới chức Philippines, thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại chính là trọng tâm của chuyến đi này bởi tháp tùng ông Aquino là phái đoàn hùng hậu khoảng 300 người, trong đó có tới 250 doanh nhân.
Theo kế hoạch, Tổng thống Aquino sẽ thăm Bắc Kinh, Thượng Hải và Hạ Môn (thành phố ở phía Đông Nam tỉnh Phúc Kiến) để hội đàm với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, bà Cristina Ortega, trợ lý Ngoại trưởng Philippines cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm, ít nhất 6 thỏa thuận song phương sẽ được ký kết dưới sự chứng kiến của lãnh đạo hai nước.


Trong số đó, đáng chú ý nhất là thỏa thuận về chương trình hợp tác kinh tế - thương mại trị giá 60 tỷ USD trong vòng 5 năm tới (2011-2016) với mong muốn đầu tư của Trung Quốc vào Philippines sẽ tăng gấp 6 lần so với năm 2010.
Chương trình hợp tác này sẽ tập trung vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác mỏ, năng lượng, thông tin và du lịch. Trước mắt, hai bên sẽ ký thỏa thuận trị giá 1,5 tỷ USD về việc Trung Quốc sẽ đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất ôtô ở Philippines.
"Nền kinh tế Philippines đang cất cánh và Trung Quốc sẵn sàng tiếp thêm sức mạnh cho đôi cánh của nền kinh tế Philippines”, Đại sứ Lưu Kiến Siêu phát biểu trước báo giới.


Trong chuyến thăm, lãnh đạo hai nước cũng sẽ thảo luận biện pháp nhằm thúc đẩy khả năng hợp tác trong lĩnh vực du lịch, nhất là thu hút khách du lịch từ Trung Quốc đến Philippines. Theo nguồn tin từ Manila, Tổng thống Aquino sẽ thuyết phục để Trung Quốc coi năm 2013 sẽ là "năm tham quan Philippines".


Ngành du lịch của Philippines bị ảnh hưởng nặng nề sau vụ khủng hoảng con tin ở Thủ đô Manila vào ngày 23/8 năm ngoái. Rolando Mendoza, cựu sĩ quan cảnh sát sử dụng súng M-16 tấn công và bắt cóc một xe buýt, trong đó có 21 du khách người Hong Kong. Cảnh sát bắn chết Mendoza, nhưng 8 con tin cũng bị thiệt mạng trong vụ đọ súng này.


Tổng thống Aquino bày tỏ sự thương tiếc sâu sắc trước cái chết của 8 công dân Hong Kong nhưng từ chối đưa ra lời xin lỗi chính thức đối với gia đình các nạn nhân này. Ông Aquino cũng không có mặt trong buổi lễ tưởng niệm tròn một năm các con tin bị thiệt mạng vì phải dự buổi lễ đón nhận tàu chiến Gregorio del Pilar mua từ Mỹ.


Sau vụ việc, chính quyền Hong Kong liệt Philippines vào danh sách đen và khuyến cáo người dân không nên đi du lịch ở nước này.


Về vấn đề này, ông Lưu Kiến Siêu cho biết: “Chính quyền Trung ương tôn trọng quyết định của đặc khu hành chính Hong Kong nhưng hy vọng qua chuyến thăm này của ông Aquino, hoạt động du lịch bình thường giữa Hong Kong và Philippines sẽ sớm được nối lại".


Cân bằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc?
Bên cạnh mục đích thúc đẩy kinh tế như giới chức công bố, nhiều chuyên gia phân tích tại Manila cho rằng, chuyến công du là bước đi đầu tiên của Philippines trong chiến lược cân bằng quan hệ Mỹ - Trung.

Philippines muốn thu lợi từ Trung Quốc.
Philiipines vốn là đồng minh của Mỹ và hai quốc gia này ký Hiệp ước Tương trợ Quốc phòng Mỹ - Philippines (MDT) ngày 30/8/1951, tức là cách đây đúng 60 năm.
Khi vấn đề biển Đông trở nên căng thẳng do một loạt hành động gân hấn của Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa, Philippines dựa vào quan hệ đồng minh với Mỹ để đối phó với "mối đe doạ từ Trung Quốc". Thực tế, Mỹ cũng tích cực hỗ trợ Phillipines tăng cường sức mạnh quân sự, đặc biệt là lực lượng hải quân của Philiipines nhằm nâng cao khả năng phòng thủ của nước này ở khu vực Trường Sa.
Với lời kêu gọi từ Manila, Mỹ liên tục gia tăng hiện diện quân sự tai khu vực biển Đông thời gian qua và điều này khiến Trung Quốc không khỏi “nóng mặt”.
Tuy nhiên, khi tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc bị đẩy lên đỉnh điểm, đồng thời nhận ra những lợi ích kinh tế có được từ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, có vẻ như Philippines đang tìm kiếm lối đi mới cho chính sách đối ngoại của mình.
Nhiều chuyên gia Phillipines gần đây liên tục đề cập đến sự cân bằng trong chính sách đối ngoại của Phillippines với Mỹ và Trung Quốc. Chuyên gia Roberto R. Romulo cho rằng, Manila cần tăng cường quan hệ với Bắc Kinh để thúc đẩy những lợi ích quốc gia.
Theo ông Roberto R. Romulo, cả Mỹ và Trung Quốc đều rất quan trọng đối với mục tiêu bảo đảm an ninh và phát triển kinh tế của Philippines. Do đó, duy trì sự cân bằng trong quan hệ với hai cường quốc này là lựa chọn thông minh cho chính sách đối ngoại của nước này.
Hiện, họ cần bảo đảm rằng mối quan hệ này sẽ không ảnh hưởng xấu đến quan hệ với Mỹ. Việc ngả hẳn về nước này hoặc nước kia đều gây tổn hại đến lợi ích quốc gia bởi thực tế phức tạp trong mối quan hệ Mỹ - Trung.
Dù quan hệ hai nước nhiều lúc căng thẳng, song hai cường quốc này không thể không cần đến nhau. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung quốc và chính điều này giúp Trung Quốc có được nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ thời gian qua.
Mặt khác, Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ khi nắm giữ 1.200 tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ. Trung Quốc là điểm đến hàng đầu cho các nhà đầu tư của Mỹ và nguồn cung hàng hoá giá rẻ cho thị trường tiêu thụ trong nước của Mỹ. Theo số liệu thống kê cua Mỹ, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ của Mỹ sang Trung Quốc năm 2010 đạt trên 110 tỷ USD, giúp tạo công ăn việc làm cho 500.000 người dân Mỹ.
Với những ràng buộc về lợi ích như vậy, rất khó khẳng định một cường quốc này có thể hy sinh lợi ích chiến lược để đối đầu với cường quốc kia chỉ để bảo vệ lợi ích của một đồng minh nhỏ bé.
Do đó, sự khôn ngoan của các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Philippines là cân bằng chính sách với hai nước lớn để thúc đẩy lợi ích quốc gia của chính mình.
(nguồn: Đất Việt.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét