Nghị quyết trên được đưa ra sau một loạt các hành động đơn phương gây căng thẳng của Trung Quốc đối với các tàu Việt Nam và Philippines trên Biển Đông trong thời gian qua. Theo báo The Hill, nghị quyết cũng nhấn mạnh sự ủng hộ các lực lượng vũ trang Mỹ tiếp tục hoạt động nhằm góp phần bảo vệ quyền tự do hàng hải tại vùng biển quốc tế ở Biển Đông.“Ngày càng nhiều quốc gia xung quanh Biển Đông bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những hành động của Trung Quốc”, Văn phòng của ông Webb ra thông cáo sau khi Nghị quyết S.Res.217 được Thượng viện thông qua. Trước đó, AFP dẫn lời ông Webb cho hay, bản nghị quyết sẽ làm rõ lập trường của Thượng viện Mỹ về vấn đề này.
Trong một diễn biến khác, hải quân Mỹ và Philippines đã tham gia cuộc diễn tập hải quân chung nhằm thắt chặt mối quan hệ quốc phòng trong bối cảnh những căng thẳng gần đây gia tăng trên Biển Đông. Cuộc tập trận mang tên gọi Huấn luyệnvà sẵn sàng phối hợp trên biển (CARAT) được thực hiện trên vùng biển Sulu. Trong cuộc tập trận kéo dài 11 ngày này có sự tham gia của 800 thủy thủ Mỹ. Trước đó, các lực lượng hải quân từ Philippines, Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan đã cùng Mỹ tập trận ở khu vực biển Sulu, eo biển Malacca và biển Celebes. Hợp tác và huấn luyện Đông Nam Á (Seacat), là một cuộc tập trận thường niên do Mỹ khởi xướng với các nước trong khu vực, bao gồm huấn luyện chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia "và các mối đe dọa khác trên biển".
Tại cuộc Đối thoại Shangri- La ở Singapore – một diễn đàn an ninh liên Chính phủ có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Lương Quang Liệt – ông Gates đã tỏ rõ quan điểm của Mỹ là sẽ tiếp tục hiện diện tại châu Á. Ông cam kết sẽ tăng số lượng tàu chiến Mỹ trú đóng tại Singapore trong khuôn khổ một thỏa thuận chiến lược giữa hai nước; gia tăng số lượng tàu Mỹ ghé các hải cảng tại châu Á; tăng thêm các cuộc tập trận hải quân chung; và cải thiện công cuộc hợp tác quân sự đa phương.
Thậm chí, điều có thể làm cho châu Á yên tâm hơn nữa là những nguyên tắc mà theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ chỉ đạo các chiến lược tương lai của Hoa Kỳ ở châu Á: Trao đổi thương mại tự do và thông thoáng; ủng hộ các quyền tự do, nhà nước pháp quyền, tinh thần trách nhiệm và chủ quyền của các quốc gia châu Á; tự do sử dụng các tuyến hàng hải và hàng không hay không gian mạng của cả châu Á lẫn thế giới; và tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho bất kỳ cuộc xung đột tiềm tàng nào.
Những nguyên tắc mà Bộ trưởng Quốc phòng R.Gates đưa ra là có lý do, vì các nước như Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và ngay cả Mông Cổ đều cần đến sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực để cân bằng thế lực ngày càng tăng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, thiết lập một cơ cấu đảm bảo hòa bình ở châu Á không thể là công việc của riêng một nước nào. Bạn bè và đồng minh của Hoa Kỳ tại châu Á cũng cần phải xem xét nghiêm túc các loại hình trật tự khu vực mà mình mong muốn và bắt đầu làm việc cùng với nhau để thiết lập một kiến trúc đảm bảo hòa bình, trong đó tất cả các nước châu Á có thể phát triển thịnh vượng và an toàn.
(Theo Suckhoedoisong .T180)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét