Đây là một trong những vụ án điểm, được nêu làm dẫn chứng tiêu biểu trong các giáo trình tội phạm học tại các trường luật ở cả Anh lẫn Pháp. Quá trình xét xử vụ án mạng dạng "kinh điển" này từng được dư luận châu Âu đặc biệt quan tâm theo dõi, bởi nạn nhân là một nhân vật nổi tiếng trong giới thượng lưu Anh - đương kim Bá tước xứ Shaftesbury.
Mọi chuyện khởi sự từ mùa thu năm 2002 tại Hà Lan, khi nhà quý tộc Anthony Ashley-Cooper 62 tuổi, vị bá tước thứ 10 của xứ Shaftesbury thuộc vùng Dorset mạn tây nam nước Anh gặp gỡ người đẹp "bốc lửa" Jamila M'Barek. Cuộc tình sét đánh của họ nhanh chóng đơm hoa kết trái, chỉ sau vài tháng Jamila đã trở thành bá tước phu nhân.
Theo thỏa thuận do chính tay vị bá tước si tình soạn thảo, thì cô vợ mới kém ông 21 tuổi sẽ được sở hữu tòa lâu đài tại Bắc Ireland trị giá 7 triệu euro, cộng thêm 2 bất động sản đắt giá trong vùng Cote d'Azur kề Địa Trung Hải ở Pháp gồm một căn hộ xa hoa tại Cannes và một ngôi nhà bề thế ngay trung tâm Nice. Ngoài ra, Jamila còn nhận được khoản chu cấp thường xuyên hàng tháng là 7 nghìn euro "tiêu vặt".
Nhưng cuộc hôn nhân giữa họ chỉ kéo dài trong vòng 2 năm vì thói trăng hoa của đức lang quân. Hoảng sợ trước nguy cơ bị mất trắng tất cả, Jamila đã lập mưu sát hại chồng vào đầu tháng 11/2004 để hưởng phần lớn quyền thừa kế. Kẻ được thuê giết là Mohammed M'Barek, cũng chính là em ruột Jamila, đã ra tay sát hại anh rể trong ngôi nhà ở Nice. Chị em hung thủ đã vùi xác nạn nhân tại một nơi cách xa hiện trường, mãi hơn 5 tháng sau mới được cảnh sát phát hiện ra. Lúc này thi thể vị bá tước xấu số đã bị phân hủy, phải xác định danh tính qua phương pháp nhận dạng ADN.
|
Vợ chồng bá tước xứ Shaftesbury thuở còn mặn nồng. |
Tuy 2 nghi can chính đã bị bắt giữ vào đầu tháng 2/2005 và 7 tháng sau Mohammed đã công khai nhận tội, nhưng quá trình điều tra bổ sung chứng cứ kéo dài đến một năm rưỡi, để cuối cùng phiên tòa được mở vào giữa tháng 8/2006 tại Nice là nơi hung thủ gây án.
Phiên xử kéo dài 4 ngày được hầu hết các kênh truyền hình Âu lục đưa tin đã thu hút sự chú ý của công luận, bởi lần đầu tiên giữa thời hiện đại có một nhà quý tộc bị vợ đang tâm thủ tiêu. Thay mặt cho bên bị hại là anh Nicolas Ashley Cooper, 27 tuổi, người đã vạch trần thủ đoạn của Jamila cố tình chinh phục trái tim vị bá tước thuần túy chỉ vì mục đích vật chất, để khi không đạt được lại ra tay sát hại người mình từng đầu gối tay ấp. Bằng chứng lớn nhất đưa ra trước tòa là băng ghi âm những cuộc điện đàm đường dài quốc tế, trong đó Jamila thuyết phục chị gái mình ở Tunisia cử cậu em trai từ Đức tới Pháp; đổi lại Mohammed sẽ được nhận 150.000 euro "tiền công".
Một chứng cứ quan trọng khác cũng được xác nhận qua nghiệp vụ ghi âm điện thoại, rằng Jamila đã thân chinh đến tận hẻm núi ven biển là chỗ định vùi xác chồng 2 ngày trước khi vụ án xảy ra, chứng tỏ thị đã phạm vào tội danh "giết người có chủ ý". Còn hung thủ Mohammed.M'Barek cứ một mực cho rằng mình không tham gia bàn chuyện gây án trước, mà chỉ tình cờ gặp anh rể rồi cãi lộn dẫn đến… ngộ sát. Nhưng tòa đã phủ nhận quan điểm phi lý này, buộc Mohammed tội "cố sát". Riêng Jamila lại đổ vấy cho người quá cố, rằng chính thói trăng hoa là nguyên nhân khiến ông thiệt mạng do bản tính cuồng ghen của vợ (!). Thậm chí Jamila còn yêu cầu các luật sư tham dự phiên tòa không được gọi mình là bị cáo, mà phải dùng tước hiệu "bá tước phu nhân" mới được.
Phán quyết tuyên phạt Jamila M'Barek 45 tuổi làâ thủ phạm với 25 năm tù giam, hung thủ chính Mohammed M'Barek 43 tuổi mang quốc tịch Đức cũng lĩnh mức án tương tự. Giới tư pháp Âu lục liệt vụ án vào dạng kinh điển, bởi quy tụ các yếu tố nổi cộm về sự băng hoại đạo đức thời nay, khi con người ta sẵn sàng làm mọi chuyện kể cả gây án mạng miễn sao… có tiền!
(nguồn:báo ANTG) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét