Ngọc Minh
Trong cái nắng gió Trường Sa, một tiếng chuông chùa ngân lên và tan lẫn vào trời nước mênh mông, tôi chợt thấy lòng mình nhẹ tênh và bình thản đến lạ lùng...Từ Tân Cảng TP.HCM, sau 3 ngày đêm, con tàu HQ 957 đã đưa chúng tôi tới đảo Song Tử Tây - điểm cực bắc của quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Do trời tối, cộng với sóng lớn, nên chúng tôi phải neo tàu ở ngoài khơi, chờ đến sáng hôm sau mới được lên đảo. Mặc dù rất mệt sau hành trình dài trên biển, nhưng nhiều người trong đoàn công tác đã thức trắng đêm trên boong tàu để nhìn ngắm Song Tử Tây dưới ánh điện lung linh, bừng sáng như một thành phố nổi. Ai cũng háo hức chờ đợi thời khắc ánh dương đỏ rực của ngày mới hiện ra trên biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…
Tôi thực sự ngỡ ngàng trước hình ảnh ngôi chùa Song Tử Tây uy nghi, trầm mặc, tọa lạc ngay trên thềm biển Đông. Một sự bình an rất khó nói thành lời, cảm giác như mình vừa trở về làng sau nhiều năm xa cách, bởi Trường Sa vô cùng gần gũi, thân thương. Đứng trên kè chắn sóng, phóng tầm mắt ra phía xa ngút ngàn biển rộng, mới thấy hết được sự thiêng liêng trên từng tấc đất mà bao đời ông cha phải đổ máu xương gìn giữ. Trong âm thanh ồn ào của sóng gió Trường Sa, thi thoảng một tiếng chuông chùa ngân lên, rồi lạc mất vào cái không gian bao la của trời biển, khiến bất kỳ ai cũng cảm thấy lòng mình như tĩnh lặng lại và dâng lên niềm xúc động.
Toàn cảnh chùa nhìn từ trên cao |
Chẳng biết tự bao giờ, ngay tại nơi chùa Song Tử Tây tọa lạc, những ngư dân Việt đã dựng lên một ngôi miếu nhỏ để thờ thần, Phật. Những cư dân trên đảo kể rằng: Từ xa xưa, những ngư dân đang đánh cá ngoài khơi thì bất ngờ gặp bão tố. Trước sức tàn phá hủy diệt của thiên tai, những ngư dân chỉ biết cầu trời, khấn Phật cho bão tố qua nhanh. Rồi thuyền bị lật, những ngư dân này đã may mắn dạt vào hoang đảo, chếch về phía đông chừng hơn một hải lý cũng có một hòn đảo nhỏ giữa trùng trùng sóng nước. Hai hòn đảo nhỏ được những ngư dân Việt đặt tên là Song Tử Tây và Song Tử Đông (hai người con trai của đất mẹ Việt Nam). Và họ đã dựng lên ngôi miếu nhỏ để tạ ơn trời Phật đã phù hộ cho mình được tai qua nạn khỏi ở đảo Song Tử Tây. Từ đó, trước mỗi lần ra khơi đánh cá những ngư dân Việt lại lên thắp hương lễ Phật tại ngôi miếu nhỏ này, nó cũng là nơi để linh hồn những ngư dân xấu số bỏ mình trên biển có nơi trú ngụ. Những năm gần đây, Phật tử trong cả nước và những ngư dân ở quần đảo Trường Sa đã đóng góp và trùng tu nơi thờ Phật khang trang và vững chãi hơn. Ngoài Song Tử Tây thì những ngôi chùa tại đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết cũng đã được trùng tu xây dựng khang trang, bề thế, để các phật tử trên đảo và những ngư dân thường xuyên khai thác hải sản gần khu vực quần đảo Trường Sa tới thắp hương lễ Phật vào những tuần lễ tiết…
Chùa Song Tử uy nghi giữa biển trời Trường Sa - Ảnh: Ngọc Minh |
Sau lễ tụng kinh, tôi theo Đại đức Thích Thanh Phúc rời gót ra ngoài cổng chùa và thư thái dạo bước trên bờ kè chắn sóng của đảo Song Tử Tây. Với vẻ mặt hoan hỉ, Đại đức Thích Thanh Phúc cho biết: Là người tu hành, lấy cửa chùa làm nhà, vì vậy tôi thực sự vui mừng khi được chứng kiến đạo Phật được thịnh phát ngay trên mảnh đất Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. Không xúc động sao được khi chứng kiến ngôi chùa Song Tử Tây ở một hải đảo xa xôi được sửa sang bề thế, tráng lệ như thế này.
Ở những ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa, tất cả những văn bia, những hoành phi câu đối đều được khắc, viết bằng chữ Việt. Nhìn những tấm hoành phi, câu đối sơn son thiếp vàng với những mỹ từ ca ngợi sự trường tồn của dân tộc, ca ngợi cảnh sắc kỳ vĩ của Vạn lý Trường Sa, ca ngợi sự mênh mông đến khôn cùng của trời biển nước Nam, ví như “Quần đảo huy hoàng chất ngất biển Đông ngời thắng cảnh - Chùa chiền sừng sững nguy nga đất Việt nổi danh lam”, lòng mỗi người đến vãn cảnh chùa không khỏi tự hào trước giang sơn gấm vóc Việt Nam. Ai cũng nguyện cầu Đức Phật từ bi phù hộ độ trì cho nước Việt, và bất kỳ ai cũng cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm hơn để góp sức đưa đất nước mỗi ngày thêm hưng thịnh…
Dân gian có câu “đất vua, chùa làng”, vì vậy tự ngàn đời, trong tâm thức của con dân nước Việt, ngôi chùa chính là hình ảnh biểu trưng cho sự nương tựa tinh thần, là chốn tâm linh để lương dân ngưỡng vọng, thờ phụng đức Phật từ bi, bác ái.
Ngọc Minh
Cổng chùa
Vườn cây sau chùa
Chánh điện
Trong ngôi chùa trên đảo Trường Sa Lớn có pho tượng Phật bằng đá quý, màu trắng, gọi là Phật ngọc (Hình bên trên). Phật ngọc ngự chùa Trường Sa Lớn là một cơ duyên. Trong một lần thăm chính thức đất nước Myanmar, khi đến Chùa Vàng ở Thủ đô Yangon, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được Liên đoàn Phật giáo thế giới tặng Phật ngọc. Và tượng Phật ngọc Thích Ca Mâu Ni quý này đã được Thủ tướng kính tặng lại chùa Trường Sa Lớn thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa...
Trong thư gửi kèm theo tượng Phật ngọc, Thủ tướng Chính phủ phát tâm nguyện:
“Mong Đức Phật phù hộ độ trì:
Cho quân dân huyện đảo Trường Sa bình yên, mạnh khỏe, hạnh phúc, thắng lợi.
Cho nước Việt Nam hòa bình, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Cho vùng biển Đông, cho các quốc gia trong khu vực và trên thế giới sống trong hòa bình, hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng phát triển, cùng thịnh vượng”
Người gửi bài: Trần thị Tâm Minh TP. HCM, Việt Nam(nguồn:thư viện hoa sen)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét