...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

Thư chưa về đến tay cha mẹ,anh đã hy sinh

Một lá thư dài đầy ắp chuyện của chàng lính trẻ giàu tình cảm cảm và nhiều suy tư. Nhưng anh đã hy sinh chỉ vài ngày sau đó, còn lá thư có lẽ rất lâu sau mới về đến gia đình. 
           
Lê Minh Tân là học sinh khóa 3 Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Sau khi tốt nghiệp, Tân vào học Bách khoa Hà Nội, rồi nhập ngũ và đi chiến trường. Anh đã anh dũng hy sinh ngày 1 tháng 4 năm 1974 tại mặt trận Quảng Nam.

Tìm đến gia đình anh, chúng tôi đã nhận được những thông tin vô cùng quý báu. Trên tay tôi là tấm ảnh Lê Minh Tân với khuôn mặt đẹp trai, rạng rỡ, khoác trên mình bộ quân phục và anh đang đưa tay lên vành mũ trong động tác chào đúng điều lệnh.

Xin trân trọng giới thiệu lá thư viết từ Quảng Nam - lá thư đầu tiên và cũng là lá thư cuối cùng của anh - gửi về cho gia đình:

"Quảng Nam, ngày 26 tháng 3 năm 1974   

Ba má vô cùng kính mến!   

Nếu con vẫn cứ tiếp tục im lặng thì con sẽ là thằng con bất hiếu của ba má. Tinh thần của con chưa bao giờ phải chịu đựng trong trạng thái căng thẳng, tự mình phải nén lòng mình đến mức thế này. Hầu như từ Nghệ An vào đến đây con chưa nhận được thư nào của ba, còn thư và quà của gia đình gửi vào con đều nhận đầy đủ và nguyên vẹn.

Con đã gặp chú Bân và nghe chú kể lại rất tỉ mỉ tình hình của ba má và gia đình ta ngoài ấy. Cũng không phải là con bận không có thì giờ để gửi cho gia đình một vài lá thư nhờ người ra Bắc bỏ hộ. Cứ mỗi lần nhận được thư nhà là một lần trong đầu con diễn ra sự xung đột tình cảm mãnh liệt và cuối cùng cái ý nghĩ chưa nên viết đã thắng. Mỗi lần như vậy con lại khóc thầm một mình ngoài rừng và càng nung nấu quyết tâm đi cho đến cái đích cuối cùng. Chính tuy ở khác đơn vị (cùng D nhưng khác C) nhưng nó rất hiểu tâm trạng của con và con cũng yêu cầu nó đừng nói gì về con trong những thư gửi về gia đình.

Cho đến ngày hôm nay, con mới đến được  cái đích đó: hôm qua, chi bộ đã làm lễ kết nạp con vào Đảng Lao động Việt Nam quang vinh. Con nghĩ, chỉ đến ngày hôm nay thì lá thư gửi cho ba má mới có giá trị và con mới đủ can đảm để nói cho ba má biết nguyên nhận tại sao con lại im hơi lặng tiếng lâu như vậy!

Như ba má đã biết, con vào đây từ tháng 3 năm ngoái. Suốt thời gian ở đơn vị huấn luyện cũng như hành quân đi “B” con đều quyết tâm rèn luyện mình thực tốt trong tư tưởng cũng như chuyên môn. Con được cả đơn vị tin tưởng, yêu mến. Chi bộ cho con làm lí lịch kết nạp vào cuối tháng.

Đùng một cái, con phạm khuyết điểm không kìm được tính nóng giận bất tử đã đánh một đồng đội chỉ vì nguyên nhân rất vô cớ: cãi nhau trong công tác kĩ thuật. Thế là bao nhiêu công lao xây đắp từ trước đến giờ sụp đổ tan tành. Hội đồng quân nhân rồi chi đoàn kiểm điểm về hành vi vô đạo đức của con. Con buồn và chán nản không để đâu cho hết. Có như vậy mới càng thấm thía lời ba dặn hồi còn ở nhà: “Phải suy nghĩ kĩ trước khi làm bất cứ việc gì!”. Con đã không làm đúng lời hứa với gia đình trước khi lên đường làm nhiệm vụ, con đã đi ngược lại đường mà gia đình đang đi, con không xứng đáng là con của ba má.
Liệt sỹ Minh Tân
Liệt sỹ Minh Tân

Nhờ có chi bộ, Đảng uỷ, tiểu đoàn hết lòng giúp đỡ và anh em cũng nhìn thấy mặt tốt của con trước kia nên con kiên trì làm lại từ đầu. Dầu có khó khăn hơn trước rất nhiều, con vẫn phải làm vì con chỉ có một con đường là đi chung với ba má. Đến nay tròn một năm, một năm đầy thử thách với sự đi lên của con, nay con đã vinh dự cùng ba má gánh vác nhiệm vụ quang vinh của Đảng giao phó. Con biết đây mới chỉ là cái mốc đầu tiên, còn bản thân phải vươn lên nhiều hơn nữa mới đáp ứng đươc yêu cầu của cách mạng.

Dù sao thì đây cũng là một cái mốc quan trọng phải không ba? Bây giờ con mới thấy lòng mình không bị cắn rứt vì những bức thư đầy tình thương mà ba má đã giành cho con. Bây giờ con mới thấy mình thực sự là người có ích cho  gia đình, cho Tổ quốc.

Nhận được thư của ba viết từ trại an dưỡng (tháng 12 năm 1973) con thương ba vô cùng. Thế là tai qua nạn khỏi, ba của chúng con vẫn còn mạnh khỏe chờ ngày sum họp như ước mong má nói trong thư gửi cho con trước đây. Tình hình chung của gia đình thế là không có gì thay đổi lớn, ngoài chuyện Bình về. Biết Bình làm ba má khổ thêm, con càng thương ba má. Tụi con lớn lên trong tình cảm trời biển của ba má mà đến nay chưa có đứa nào gíup ba má được việc gì cả. Tiến cũng đi theo xu hướng không lấy gì làm phấn khởi.

Con chỉ muốn bay ngay về gia đình để ổn định lại trật tự tụi em cho ba má vui được phần nào. Nhưng nhiệm vụ lại không cho phép. Đến ngày con về không biết tóc của ba má bạc nhiều không? Nếp nhăn trên trán của ba má có lẽ dầy thêm vì lo nghĩ cho tụi con quá nhiều?

 Nhiều đêm mùa mưa trong này, nằm lạnh không ngủ được lại nghĩ mà thương cho ba má và các em ngoài ấy nhiều không để đâu cho hết. Làm cho ba má phải lo và ba mới mổ dậy phải ngồi viết thư dài cho con cũng là lỗi tại con. Ba má có tha lỗi cho con không? Con luôn nguyện cầu cho ba má và các em con mạnh khỏe mãi mãi thì con ở chiến trường bao lâu cũng được.

Về phần con, từ lúc mới vào đây cho tới giờ cũng bị vài ba cơn “sốt rét nghĩa vụ”, mỗi lần kéo dài khoảng vài ngày. Tuy vậy, người con vẫn cứng cáp và thấy khỏe hơn trước rất nhiều. Sinh hoạt chuyển môi trường mà con không bị gầy và xanh đi chút nào. Nói vậy có khi ba má không tin nhưng tiếc là không có máy ảnh chụp gửi ra cho ba má vài cái làm kỉ niệm.

Đơn vị từ lúc vào đến giờ chỉ làm công tác xây dựng và huấn luyện bổ sung nên mang tiếng là ở chiến trường mà chưa lần nào giáp mặt lính ngụy. Chúng con xây dựng chỗ ở đàng hoàng, có nhà xe, nhà ở, nhà bếp, nhà ăn, hội trường v.v... Dinh cơ to lớn và quy mô hơn bất cứ một đơn vị cơ sở nào tương đương cấp đại đội ngoài Bắc. Con cũng là một tay đi rừng lấy gỗ, lấy nứa, lấy lá vào loại khá (tất nhiên so với anh em thì chỉ là học trò!). Sống với anh em bộ đội xuất thân từ nông thôn mới thấy nhiều đức tính tốt đẹp và tình cảm chân thật, sâu nặng của họ. Con trưởng thành trong phấn đấu và từng công việc là nhờ anh em đấy.

Từ tháng 8 năm 1973 đến giờ bộ đội toàn huấn luyện bổ sung và qua mấy lần bắn đạn thật đã chứng minh anh em ngày càng tinh thông trong khoa học và trình độ kĩ chiến thuật. Riêng lái xe thì tay lái khá lắm vì đã qua hàng nghìn cây số đường Trường Sơn, đã xử trí nhiều tình huống phức tạp hơn ở nhà trường.

Con được phân công vào tổ giáo viên kĩ thuật, chuyên soạn bài và đi giảng ở các đơn vị. Không biết nghề sư phạm của má có giống như nghề của con đang làm bây giờ không? Tụi con ở đây tăng gia được nhiều lợn gà và rau xanh nên đơn vị ăn uống không đến nỗi nào. Tết vừa rồi trên không cấp gì nhưng tụi con mỗi đứa vẫn có hai bánh chưng, kẹo, tự nấu và thịt gà. Anh em đón Tết có chuẩn bị nên vui ra phết (chỉ không có tiếng pháo thôi), làm đủ các trò chơi và đi chúc Tết nhau. Đầy đủ lệ bộ!

Ngoài khoản chăn nuôi thì khoản săn bắn cũng là một nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng. Lợn rừng, nai, hoẵng và cả hổ, voi nữa thỉnh thoảng bắn được. (Xin nói thêm, con cũng là một xạ thủ xông xáo và có uy tín của đơn vị đấy). Thuốc lá thì mỗi anh cũng có 10 điếu mỗi tháng nhưng chủ yếu là thuốc trong này (Cotab, Rubi Queen...…vv) do anh em đi công tác đồng bằng mua về. Nếu có điều kiện ba gửi cho con ít thuốc lá ngoài ấy. Nếu có Tam Đảo, Điện Biên... thì được coi như vàng vì rằng sinh hoạt bộ đội, chắc ba thừa hiểu, ngoài thuốc lá thì không còn gì “quần chúng và ấm cúng” hơn. Con không nghiện vì nếu nghiện thì đã nhảy sang hút thuốc lào từ lâu rồi, có thì hút còn không có thì thôi, chứ con không thể cảm tình được với cái điếu cày hôi mù.

Hồi tháng 5 năm 1973, con có được xuống đồng bằng ở vùng giáp ranh giữa ta và địch – chợ Bình Sơn, Quảng Ngãi – để mua hàng. Con cũng có ý dò hỏi mọi người về tình hình xã mình (người ta gọi là xóm Giếng, thôn 2, không biết có phải?) nhưng không tìm được ai trong bà con của mình cả. Con chỉ được ở một ngày nên không có thời gian thăm hỏi nhiều. Vừa rồi có một chú ở Quân giải phóng, cũng dân Điện Hồng, tên là Bạn - nói có biết bác Tại nhà mình. Theo như chú Bạn thì bác Tại vẫn còn sống và đã vào Đà Nẵng làm ăn.

Xuống giáp ranh thấy cảnh Bình Sơn tiêu điều, chợ có nhiều hàng nhưng nhỏ tẹo và họp mỗi ngày chỉ khoảng 2 tiếng (vì sợ địch pháo kích). Cái đồng hồ của ba cho con bị đứng, đem xuống dưới đó không có hiệu chữa nên con gửi thằng Phủ (cùng học điện ảnh với Thuấn đang công tác ở đó) đem chữa hộ. Vì con phải lên núi sớm nên nó vẫn đeo, không rõ có chữa được không và bao giờ mới gặp nó để lấy.

Về tổ chức và tình hình chung của đơn vị hầu như không có gì thay đổi. Chính ở khác đại đội với con từ hồi vào Nghệ An đến giờ (vì hai đứa đều là dân kĩ thuật nên không thể cùng một đơn vị). Tuy vậy, nó vẫn sang chỗ con chơi luôn. Quà của ba má gửi vào con chia cho nó cùng hưởng. Khoảng cuối tháng này, bọn con sẽ đi làm nhiệm vụ ở một vị trí mới, sau đó sẽ chuyển sang nhập vào B3 (Kôn Tum).

Con sẽ không còn ở cùng E với chú Bân nữa mà về E của chú Ngọ (hiện chú đang tập huấn ở ngoài Bắc như chú Bân, khoảng tháng 6 mới vào). Bọn con đã chuẩn bị chiến trường tương đối chu đáo mấy tháng nay, trình độ anh em được nâng cao rõ rệt qua huấn luyện bổ sung, khí thế mong muốn lập công trong trận đầu sôi sục toàn đơn vị. Con sẽ quyết tâm chứng minh lòng kiên trung, dũng cảm của mình với Đảng trong trận đầu. Bao giờ đánh xong con sẽ viết thư về báo lại với ba má, gia đình. Chắc chắn là có nhiều chuyện hay!

Tình hình của con trong năm qua là như vậy. Bắt đầu từ nay con sẽ viết thư đều về cho nhà. Còn chuyện Nga hay Bích con đã quên từ lâu và những chuyện về họ con coi như một dây đàn câm tiếng. Trong này, con đã tiếp xúc với một lớp người khác họ hoàn toàn. Đó là những cô gái thanh niên xung phong, bộ đội giao liên hay gác ba-rie mà tụi con thường gặp, đã tạo cho con những suy nghĩ khác hẳn trước kia.

Đối với con bây giờ chuyện vợ con quá vô nghĩa so với nhiệm vụ và những đồng đội quanh mình, con sẽ không bao giờ bận tâm về những chuyện vớ vẩn ấy.

Thuấn vẫn hay đến nhà mình đấy chứ? Cho con hỏi thăm nó và chúc nó công tác tốt. Chỉ có nó là thằng bạn hiểu tương đối sâu hậu quả của những lối chọn bạn bất tử như con trước kia. Muốn về uống một bữa bia với chú Nghĩa nhưng phải hẹn dịp khác.

Chúc gia đình chú mạnh khỏe và tụi nhóc cất được nhiều cá ở ao. Cho con gửi lời hỏi thăm cậu mợ Tầm, dì Mùi chú Ngọc, cô Lan chú Hải, cậu Kỵ và gia đình chú Lân “thọt” (không rõ thằng Thắng con của chú ra sao rồi?). Biết bà con mình khỏe là con rất mừng, tối lửa tắt đèn mà có nhau thì còn gì quý hơn! (Con không rõ có nên gửi lời hỏi thăm cô vợ mới của cậu Kỵ hay không?).

Chúc ba má và các em mạnh khỏe, luôn gặp may mắn trong công tác và trong mọi chuyện khác. Ba cố gắng ăn khỏe cho lại sức ba nhé!

Con của ba má – Minh Tân.

(Suýt quên! Cho con hỏi thăm Thuỷ – bạn Tiến và chúc cô giáo mới mọi sự như ý. Nếu có thể bảo Thuỷ viết thư cho con).

T/B: Chờ thư sau của con về hãy gửi thư cho con vì địa chỉ này chỉ có giá trị khoảng một tuần nữa thôi. Nhưng có thể gửi theo địa chỉ sau: 759-621 TB22.

Đúng sáu ngày sau, Lê Minh Tân đã hy sinh. Đọc lá thư có cảm giác như anh đã dự báo trước điều gì!?

Ngày 13/5/2007, nhờ nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, mà đồng đội anh là cựu chiến binh sinh viên tăng-thiết giáp, Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi cùng gia đình đã đón được anh về Nghĩa trang liệt sĩ Tp Hồ Chí Minh, sau 33 năm xa đất mẹ.

Tạ Việt Chiến sưu tầm   
 (nguồn:bee.net)
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét