|
Nhà văn Lê Văn Trương. |
|
|
Đã có nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu tìm cách lý giải sức chinh phục độc giả của Lê Văn Trương. Họ đều thừa nhận truyện của Lê Văn Trương không hẳn đã đặc sắc hơn một số tác giả khác, chưa nói không hiếm chỗ, nó còn thể hiện sự "ăn xổi ở thì". Một độc giả viết rằng, anh không biết những người khác tìm đến với Lê Văn Trương bằng cách nào, riêng anh thì đến với Lê Văn Trương bởi sức khêu gợi của những cái tên sách.. Từng là tác giả có lượng đầu sách được in nhiều nhất và bán chạy nhất trong các nhà văn Việt Nam thời tiền chiến; từng là người có lối sống phong lưu, hào sảng như một Mạnh Thường Quân, vậy mà rồi có thời ông phải lủi thủi gõ cửa từng tòa soạn để bán bản thảo, và ra đi trong tình cảnh bệnh tật, nghèo túng. Tang lễ ông rất ít bạn văn tới đưa tiễn... Cuộc đời ông như một vở kịch đầy rẫy những bất ngờ, nghịch lý, ứng với cái tên "Trận đời" mà ông từng đặt cho một tác phẩm của mình.
Ông là nhà văn Lê Văn Trương.
Hay - dở mỗi người một ý
Trong lời giới thiệu bộ "Tuyển tập Lê Văn Trương" in ở NXB Văn học cách đây mấy năm, nhà văn Triệu Xuân đã nhận xét: "Văn xuôi Việt Nam giai đoạn 1930 -1945 nổi bật lên hai văn đoàn. Văn đoàn thứ nhất có trên dưới chục người do nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam sáng lập, mang tên Tự lực văn đoàn. Văn đoàn thứ hai, thực ra chẳng có văn đoàn nào cả, chỉ có một người, một người một cõi nghênh ngang, nhưng số lượng tác phẩm xuất bản, số lượng độc giả say mê tìm đọc không thua kém gì văn đoàn thứ nhất, ấy là nhà văn Lê Văn Trương".
Một nhận xét không phải không có cơ sở thực tế.
Tạp chí Tiểu thuyết Thứ Bảy từng có bài viết nói về cách hành xử không được hay ho cho lắm của một số thành viên nhóm Tự Lực văn đoàn đối với Lê Văn Trương: Lần ấy, khi ông đang diễn thuyết ở Nam Định thì những người này - ngoại trừ Khái Hưng và Tú Mỡ - đã chở nhau trên xe hơi tới tận nơi và… bóp còi xe inh ỏi để "phá đám" cuộc diễn thuyết.
Đã có nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu tìm cách lý giải sức chinh phục độc giả của Lê Văn Trương. Họ đều thừa nhận truyện của Lê Văn Trương không hẳn đã đặc sắc hơn một số tác giả khác, chưa nói không hiếm chỗ, nó còn thể hiện sự "ăn xổi ở thì". Một độc giả viết rằng, anh không biết những người khác tìm đến với Lê Văn Trương bằng cách nào, riêng anh thì đến với Lê Văn Trương bởi sức khêu gợi của những cái tên sách (có thể nói, Lê Văn Trương là người rất giỏi đặt tên sách. Chính ông là người đã đổi tên truyện "Cái lò gạch cũ" - tên ban đầu của truyện ngắn "Chí Phèo" của Nam Cao - ra thành "Đôi lứa xưng đôi" cho dễ bán). Tác giả Phạm Thế Ngũ thì tìm cách cắt nghĩa: "Điều đáng chú ý ở chúng chính là cái tư tưởng người hùng của tác giả. Con người hùng ấy đã thể hiện được một phần nào nguyện vọng của một số người bất bình với những cột buộc hay ghê tởm trước những sa đọa của xã hội thực dân, muốn vươn lên tìm một lối thoát cho tâm hồn".
Tất nhiên, xung quanh vấn đề "nhân vật người hùng" trong truyện của Lê Văn Trương cũng còn nhiều lời khen tiếng chê, chưa dễ đồng nhất. Nhà văn Nguyễn Ngu Í từng có lần đặt câu hỏi với Lê Văn Trương: "Người ta cho rằng những anh hùng anh tạo ra là những anh hùng rơm, chỉ có tài nói huênh hoang. Anh có giận không?". Và Lê Văn Trương trả lời: "Những người ấy họ sống ít, sống hẹp, sống cạn chớ thật ra, những người anh hùng ngoài đời mà tôi được gặp, họ còn có những hành vi, cử chỉ anh hùng gấp muôn lần những anh hùng trong tiểu thuyết của tôi".
Nhà văn Ngọc Giao, người có cơ duyên được đọc hầu hết tác phẩm của Lê Văn Trương trước khi in đã cho rằng, ông "chưa hề bắt gặp một truyện nào thiếu đạo đức, vắng cái hào khí của con người đất Việt". Phải chăng, tất cả những yếu tố ấy đã kết hợp với nhau khiến cho truyện của Lê Văn Trương một thời luôn thuộc vào hạng "ăn khách"?
"Ba bà một ông" vẫn… thuận chồng thuận vợ
Nhà văn Lê Văn Trương lập gia đình từ rất sớm. Năm 1926, ông thi đậu vào Sở Dây thép Đông Dương (tức Bưu điện Đông Dương). Tiếp đó, ông được bổ sang làm việc tại Battambang (Campuchia). Tại đây, ông đã kết hôn với con gái một Việt kiều tên gọi Ngô Thị Hỷ. Cô Hỷ bấy giờ đang là nữ sinh trường Battambang.
Cưới vợ được ba năm thì Lê Văn Trương bỏ nghề bưu điện, tập trung vốn liếng cho việc khẩn hoang, lập đồn điền. Cũng thời gian này, ông trúng thầu xây dựng con đường xe lửa nối Phnôm Pênh với Battambang. Một số nhân chứng kể lại rằng: Ngày khai trương tuyến đường, Lê Văn Trương đã thuê nguyên một đoàn tàu 10 toa để chở bò từ Battambang về Phnôm Pênh.
Khi cuộc khủng hoảng kinh tế (1930-1931) diễn ra, Lê Văn Trương bị ngân hàng siết nợ các khoản vay đầu tư làm ăn trước đấy. Tình thế buộc ông phải đưa vợ và các con hồi hương.
Tại Việt Nam, trong cao trào sục sôi với việc làm sách, ra báo, Lê Văn Trương đã quyết định xe duyên với người vợ mới, vốn là hoa khôi của vũ trường Fantasio ở phố Hàng Bông. Người phụ nữ này tên gọi Nguyễn Thị Đào, quê ở Nam Định. Bà vợ cả Ngô Thị Hỷ mặc dù rất rầu lòng, nhưng vì quá yêu chiều chồng nên đành cắn răng chịu vậy. Bà Nguyễn Thị Đào chính là người từng phối hợp với Lê Văn Trương trong một số phi vụ làm ăn. Tới những năm đầu thập niên bốn mươi (của thế kỷ XX), khi mà đời sống kinh tế của gia đình Lê Văn Trương ở vào giai đoạn "cực thịnh", bà Hỷ và bà Đào đã được đức ông chồng sắp xếp cho mỗi người một dinh cơ. Riêng bà Đào được dành riêng cho một trang trại ở Láng chỉ để thù tiếp bạn văn của chồng.
Lê Văn Trương quả là người có sức chinh phục, cảm hóa phụ nữ. Ngoài hai bà vợ nói trên, ông còn được một thiếu nữ rất "kết". Người này sau đã trở thành vợ ba của ông. Điều đặc biệt là bà ba cũng được bà cả… quý mến.
Tuy bị tiếng là "đa thê" như vậy, song một điều không thể không nhắc tới: Lê Văn Trương không hề để xảy chuyện "con bà này đấu với con bà kia", bởi lẽ đơn giản là, ông dứt khoát chỉ chịu sinh con với một bà, ấy là bà cả. Thậm chí, với bà ba, ông còn khuyên nhủ bà ở với ông một thời gian rồi đi… lấy chồng mới. Bà này sau đó nghe lời ông đã chuyển vào sống ở Sài Gòn, rồi lấy chồng, sinh con đẻ cái. Khi Lê Văn Trương mất, bà đến chịu tang và thể hiện tình cảm rất đỗi yêu thương đối với ông.
Khi vui thì vỗ tay vào…
Lê Văn Trương là người hiếu khách. Theo nhà thơ Nguyễn Vỹ kể lại thì ông vốn dĩ là người rất vui tính, hay nói phét, văng tục nhưng ngay thẳng, không làm hại ai. Nguyễn Vỹ còn kể, trước Cách mạng, thời ở Hà Nội "Lê Văn Trương là một tay phong lưu hào hiệp, áo quần bảnh bao, ăn tiêu rộng rãi", nhưng "từ khi di cư vào Sài Gòn, anh nghèo túng, lại mang bệnh giềng (thuốc phiện). Anh không còn viết được một tiểu thuyết nào nữa…".
Sự thật là kể từ năm 1954, khi Lê Văn Trương vào Sài Gòn, ông có tham gia làm thầu khoán, viết và tổ chức tái bản sách. Nhưng đến lúc này thì sách của ông không còn được độc giả quan tâm tới nữa. Việc làm ăn cũng thất bại. Nhà văn bị vỡ nợ và ngày 25/2/1964, ông đã trút hơi thở cuối cùng tại một căn nhà hẹp ở hẻm Bùi Viện, trong tình cảnh hết sức nghèo túng, thọ 58 tuổi. Bà Nguyễn Thị Đào, người có mặt bên ông phút lâm chung từng kể: Chồng bà đau nặng từ hôm 28 Tết. Trước đó, vào một buổi trưa, bà đang ở nhà thì một đứa con nuôi của hai ông bà hốt hoảng chạy về báo cho bà hay, ông nhà vừa té xỉu trước rạp chiếu bóng Đại Nam. Bà vội chạy ra dìu ông về. Kể từ đó, tình hình sức khỏe của Lê Văn Trương ngày một xấu đi. Mồng 9 Tết (tức ngày 21/2 dương lịch), vợ chồng nhà thơ Đinh Hùng tới thăm, thấy tình hình nguy kịch, đã hỏi ông có đồng ý đưa việc này lên báo nhờ bạn bè giúp để được vào nằm nhà thương không? Ông Trương đã gật đầu ưng thuận.
Ngày 27/2/1964, Báo Người Việt tự do cho đăng lời kêu gọi bạn hữu góp tiền trợ giúp nhà văn Lê Văn Trương (do Đinh Hùng chấp bút) thì buồn thay, trước đó hai ngày, nhà văn Lê Văn Trương đã giã biệt cuộc đời. Tương truyền, trước khi về bên kia thế giới, ông đã kịp sai cậu con nuôi ra phố mua cho ông một chiếc đồng hồ đeo tay có dây đeo mạ vàng…
Đám tang của Lê Văn Trương, ngoài bà vợ hai và những người thân, rất hiếm gương mặt bạn bè văn chương. Thay vào đó là các nghệ sĩ sân khấu. Và xe tang - không phải là xe chuyên dụng mà là xe của một gánh cải lương. Hẳn đây là điều mà khi sống, nhà văn của những trận cười thâu đêm suốt sáng một thời khó có thể hình dung tới?
Biết người biết ta
Nhà văn Lê Văn Trương là người có sức làm việc phi phàm. Ở thời kỳ sung sức nhất, mỗi tuần ông viết xong một cuốn sách. Cho đến khi ông tạ thế, theo bản thống kê của gia đình (có thể là chưa đầy đủ) thì ông đã cho xuất bản được tới 96 đầu sách. Ngoài ra còn 29 cuốn chưa in cùng rất nhiều bài viết lẻ chưa công bố.
Vậy Lê Văn Trương thực sự nhìn nhận về khả năng sáng tác của mình như thế nào. Đây là một trích đoạn trong hồi ký của Nguyễn Vỹ: "Vài ngày sau cái chết của Nguyễn Tường Tam (tức nhà văn Nhất Linh - LTP), Lê Văn Trương đến thăm tôi tại Tạp chí Phổ thông. Anh buồn bã gục đầu xuống. Tôi lặng thinh chờ xem anh muốn nói gì. Một lúc khá lâu, vẻ trịnh trọng, Lê Văn Trương cất tiếng: "Thằng Nhất Linh đi rồi, bạn cũ tụi mình ở đây chỉ còn mày, với một vài thằng nữa thôi. Nhưng tao buồn là không để lại một tác phẩm nào xứng đáng với cuộc đời tao". Im lặng một lúc, Lê Văn Trương lại nói tiếp: "Tớ muốn cậu tự ý chọn một quyển truyện nào của tớ mà cậu ưng ý nhất, cậu viết một bài phê bình thật đầy đủ, cho tớ xem trước khi tớ làm cuộc du lịch cuối cùng và vĩnh viễn". Tôi hỏi: "Trong tất cả các truyện cậu đã viết, cậu thích quyển nào nhất?". Lê Văn Trương trả lời liền, không do dự: "Tớ đ. thích quyền nào". "Ít nhất cũng có một vài quyển hay hơn các quyển khác chứ". "Tớ viết quyển nào cũng hay cả, mà chẳng có quyển đ. nào hay cả! Thế mới chó!".
Qua đây, ta có thể thấy, Lê Văn Trương không phải không biết mặt mạnh, mặt yếu của mình
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét