26/07/2011 07:27:45
- Địa chỉ người nhận và người gửi vô cùng mơ hồ nhưng lá thư của liệt sĩ Mạnh Minh vẫn về tới gia đình. Có biết bao lá thư như thế đã được những anh quân bưu tình cờ mang ra Bắc, bởi làm sao có thể thờ ơ trước nỗi nhớ nhà nhớ quê của người lính, những người kề bên cái chết…
Trên tay tôi là những lá thư cùng một bì thư của liệt sĩ Nguyễn Mạnh Minh gửi từ chiến trường về nhà. Mạnh Minh sinh năm 1953, hy sinh ngày 25/3/1972 tại mặt trận Nam Lào. Những dòng chữ viết ngoài bì thư thật lạ.
Người gửi: Người đi xa; Người nhận: Bố
Vì đã bị xé góc lấy thư ra nên mặt trước bì thư ở góc dành cho “người gửi” chỉ còn lại mấy chữ “…i xa”. Có thể luận ra đó là mấy chữ “Người đi xa”.
Người lính luôn sống với nguyên tắc “bảo mật”, không được phép làm lộ phiên hiệu đơn vị nên ngoài bì thư Minh không đề tên người gửi, không đề cả hòm thư đơn vị. Thay vào đó chỉ vẻn vẹn ba chữ “Người đi xa”!
Liệt sĩ Mạnh Minh |
Ở phần dành cho “người nhận” bạn chỉ viết “Kính gửi: Bố - Nhà 2, buồng 49 - Khu tập thể Nam Đồng - Hà Nội”.
Có ai đó sẽ hỏi: Sao anh không viết rõ tên bố? Không có tên người nhận thì làm sao thư đến được? Hay là có ai đó đã xóa đi rồi?
Không! Minh đã cố tình làm như vậy. Bố của Mạnh Minh cũng là một sĩ quan quân đội nên tên ông cũng phải giữ bí mật như hòm thư đơn vị. Nếu trên bì thư có đề hòm thư hay tên bố bị lọt vào tay bọn thám báo (vì dọc đường Trường Sơn đầy thám báo) thì đối phương dễ dàng phát hiện ra đơn vị hoặc nắm được sự điều động lực lượng của quân đội Bắc Việt. Không loại trừ trường hợp từ tên bố có thể tìm ra đơn vị con!
Và thực tế, không chỉ bố Minh mà nhiều bậc cha mẹ, vợ con, người yêu… của lính ta ở hậu phương đã nhận được những lá thư từ chiến trường mà ngoài phong bì đề đơn giản, ngắn gọn như thế.
Thư không tem bỏ ra vệ đường…
Ai đã sống qua cái thời ấy hẳn biết, ngoài mặt trận, thời gian rảnh để viết thư về nhà cực kì hiếm. Và nếu có viết xong thì sẽ gửi ai, vì làm gì có thùng thư bưu điện mà thả vào; còn đơn vị thì luôn cơ động.
Vậy mà vẫn có những người lính vì nhớ nhà, nhớ vợ con, nhớ người yêu… cứ viết thư rồi cho thư vào phong bì dán lại (chả cần dán tem, và có quái tem đâu mà dán!). Xong xuôi quẳng luôn ra vệ đường dù biết đây là điều cấm kị vì thám báo ngụy có thể nhặt được những lá thư này. Và họ thầm mong lỡ có mưa thì đừng làm ướt nội dung bên trong.
Hơn nữa, họ hy vọng “biết đâu đấy” có đồng đội nào đi ngược trở ra, trong một giây phút mệt mỏi sẽ ngồi bệt xuống nghỉ ven đường rồi “biết đâu đấy” tiện tay nhặt lên chiếc bì thư này. Liếc qua, anh lính ấy vội nhét nó vào túi cóc ba-lô.
Chữ trên bì thư của Mạnh Minh |
Ngay sau đó anh ta trở thành “anh quân bưu vui tính“. Có đến nửa ba-lô là thư của bạn bè, đồng đội gửi ra Bắc được “nhặt” ở ven đường như thế. Dễ dàng nhận ra, lá thư này Minh đã “nhờ người mang ra Hà Nội” theo kiểu ấy.
Dán tem cho những lá thư dãi nắng dầm mưa
Có ai đó may mắn vượt qua được gian khó, ra được tới miền Bắc, khi đã an tọa trên cái chõng tre trong ngôi nhà thân yêu của gia đình mới an tâm lộn ba-lô ra ngắm nhìn những lá thư của đồng đội. Chúng đã nằm trên lưng mình không biết bao nhiêu ngày; mưa nắng, mồ hôi đã thấm cả vào bên trong, không hiểu nội dung thư có còn đọc được?
… Và niềm hạnh phúc nhất là khi cầm một xấp thư, mang ra bưu điện, nở nụ cười tươi rói với cô nhân viên: “Cho tôi mua mấy chục con tem”, rồi dán vào những bì thư của lính và thả ngay vào thùng thư (cái mà ngoài mặt trận chẳng có).
Anh hy vọng, ít bữa nữa gia đình đồng đội sẽ nhận được thư. Nhưng chợt buồn, không hiểu khi thư đến gia đình thì bạn mình có còn sống hay không?
Con tem “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” trên bì thư của Minh chắc đã được đồng đội dán hộ như thế? Cảm động hơn khi đọc những dòng chữ Mạnh Minh ghi lại ở mặt sau bì thư:
“Tôi! Đứa con xa của gia đình.
Cảm ơn tất cả các cô bác và đồng chí nào đã mang lá thư này của tôi ra miền Bắc xã hội chủ nghĩa thân yêu của tôi và đến tay gia đình tôi.
CÁM ƠN & RẤT CÁM ƠN.
Người đi xa. Mạnh Minh”.
(nguồn:bee.net)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét