...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Chuyện xúc động về những lá thư của một người lính Mỹ

Những lá thư của người lính Mỹ tử trận mà đại tá Nguyễn Phú Đạt gìn giữ hơn 40 năm cuối cùng sẽ đến tay người nhận nhờ hai “người đưa thư” đặc biệt: Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta.

Thương người mẹ Mỹ chờ tin con

Là cán bộ địch vận trong kháng chiến chống Mỹ, đại tá Nguyễn Phú Đạt nhận những lá thư này từ chiến trường chuyển ra vào năm 1969. Chúng được sử dụng trong những chương trình phát thanh để tuyên truyền vận động lính Mỹ.

Những lá thư của Steve Flaherty
Những lá thư của Steve Flaherty

Những tài liệu thu được thường bị hủy, nhưng riêng mấy bức thư và tấm hình của một người lính Mỹ có tên là Steve Flaherty khiến ông không thôi trăn trở. Đặc biệt là bức thư gửi mẹ của Steve khiến ông trào dâng nỗi xúc động.
“Năm tôi ra miền Bắc, mẹ tôi ôm chầm lấy tôi khóc nức nở và trách sao bao nhiêu năm không gửi về cho mẹ một bức thư làm mẹ mong chờ đến nóng hết ruột gan, tôi mới hiểu được lòng người mẹ mong tin con đau đáu đến thế nào. Khi bắt gặp những bức thư gửi mẹ của Steve, tôi thật sự xúc động. Lòng người mẹ ở bất kỳ nơi nào cũng giống nhau thôi: mong chờ tin con”- ông chia sẻ.
Những lá thư không kịp gửi
Những lá thư, được tìm thấy và thu nhận vào ngày 25/3/1969, cho biết Steve thuộc Sư đoàn không vận 101. Vào thời điểm Steve viết những lá thư này, chiến trường phía tây Thừa Thiên - Huế nơi anh tham chiến đang bước vào giai đoạn cao trào khi các lực lượng Mỹ ở vùng I chiến thuật tìm mọi cách đánh bật bộ đội ta ra khỏi những vị trí then chốt.
Trong thư gửi mẹ, Steve viết: “Chúng con không thể thu nhặt thi thể của đồng đội và cả những chiếc ba-lô. Chúng con gọi máy bay tới oanh tạc, thả bom napalm. Bom đạn và những vụ nổ kinh hoàng đã phá hủy tất cả”.
Luôn sống trong sợ hãi và đối phó, những người lính Mỹ bắt đầu suy nghĩ về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Những câu hỏi được đặt ra, những hoài nghi và cả sự chán nản… “Mặc dù tôi không muốn nói, nhưng quả thực trung đội chúng tôi cứ như là con lừa bị quất vào mông”, và “Lý do mà tôi không thể gửi thư đi được là cuộc chiến vẫn đang tiếp dẫn. Chúng tôi đã quá mệt mỏi, chán ngán và kiệt sức”.
Trong bối cảnh như thế, đối với Steve, một kỳ nghỉ lúc này thực sự như một liều thần dược. Trong thư gửi mẹ, Steve viết: “Chắc chắn con sẽ đi nghỉ. Con không quan tâm tới nghỉ ở đâu và trong bao lâu. Chỉ biết rằng, con cần đi nghỉ ngay lập tức. Con sẽ thông báo cho mẹ ngày giờ cụ thể. Có thể là cuối tháng 5 này”.
Thế nhưng, Steve mãi mãi không thể thực hiện được mong muốn đó, còn những lá thư viết vội chưa được chuyển đi thì rớt lại trên chiến trường. Ngày 25/3/1969, Steve đã tử trận.
Cuộc tìm kiếm xuyên thế kỷ
Những chiếc phong bì, những lá thư, và cả tấm ảnh của Steve… tất cả được ông Đạt không ít lần tìm cách chuyển tới gia đình của người lính Mỹ, nhưng mọi cố gắng đều vô vọng. Xúc động trước tấm lòng của ông, đại tá Nguyễn Thế Kỷ và nữ nhà văn Mỹ Lady Borton, một người từ lâu gắn bó mật thiết với Việt Nam cũng vào cuộc cùng tìm kiếm manh mối thân nhân Thượng sỹ Steve Flaherty.
Trong bài đăng trên báo Đất Việt tháng 8/2011, đại tá Nguyễn Thế Kỷ cho biết, ông và bà Lady đã tìm kiếm trên trang web virtualwall.org (bức tường ảo lưu trữ toàn bộ thông tin về lính Mỹ chết trận ở Việt Nam giống như bức tường thật ở thủ đô Washington DC) và được biết Steve Flaherty sinh ngày 11/1/1947, thuộc trung đội 1, đại đội B, tiểu đoàn 1, trung đoàn 502, sư đoàn Không vận 101.
Steve đặt chân đến Việt Nam vào ngày 25/10/1968, thời gian phục vụ 1 năm, tử trận ngày 25/3/1969 (như vậy vừa tròn 5 tháng). Lúc đó, Steve mới 22 tuổi, và những lá thư chắc hẳn được viết ngay trước khi người lính này tử trận. Theo hồ sơ, xác của Steve đã được thu hồi (như vậy những lá thư đã rớt lại trên trận địa), chết toàn thây, nguyên nhân do đa chấn thương.
Bà Lady cũng đã liên hệ với những người có thể có manh mối về gia đình Steve. Đồng thời, câu chuyện về những lá thư cũng được công bố trên mạng và với giới báo chí với hy vọng qua những kênh này, bạn bè, người thân hoặc những người biết về Steve có thể liên hệ lại để cung cấp thông tin.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh trao các bức thư cho ông Panetta.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh trao các bức thư cho ông Panetta.

Đầu năm 2012, Robert Destatte, một cựu nhân viên Văn phòng tìm kiếm quân nhân mất tích thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã đọc được thông tin về những lá thư trên mạng và báo cho Lầu Năm Góc. Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ bắt đầu làm việc với Cơ quan tìm kiếm người mất tích của Việt Nam (VNOSMP) để giúp chuyển những lá thư về cho gia đình Steve Flaherty. 
Trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta sáng 4/6 tại Hà Nội, những lá thư lưu lạc của Steve Flaherty đã được Bộ trưởng Thanh trao tận tay người đồng cấp Mỹ. Mong muốn mà người cựu chiến binh Việt Nam Nguyễn Phú Đạt ấp ủ hơn 40 năm qua là hàn gắn trái tim đau khổ của một người mẹ Mỹ chờ con, cuối cùng đã thành hiện thực.
PV (Theo Báo Đất Việt, Tuổi Trẻ, Defense.gov)
(kienthuc.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét