...Chỉ có trời là lớn nhất -Khổng Tử

Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2011

 Xanh
 
 tản văn của Huỳnh Kim Bửu



Quê hương có đồng xanh, sông trắng, ánh trăng vàng…  
 Màu quê hương nổi bật hơn cả là màu xanh: xanh mặt đất, xanh chân mây, xanh bầu trời… Màu xanh vẫn được dùng làm biểu trưng cho sự trù phú, yên ả, thanh bình, và cả tương lai, hy vọng của một vùng quê, của quê hương. Ông thợ Tạo thật khéo pha màu: Màu xanh đậm thì ở mặt đất, xanh lơ ở bầu trời, mà thật hài hòa với nhau. Bầu trời xanh lơ là để cho cánh nhạn “lửng da trời” (Lửng da trời nhạn ngẩn ngơ sa - Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều), cho “Ngày xuân con én đưa thoi” (Truyện Kiều, Nguyễn Du). Nguyên Sa viết: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát / Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông/ Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng”. Dẫu nhà thơ không nói ra, nhưng chắc ai cũng hiểu, màu áo lụa Hà Đông ấy, phải là màu áo thiên thanh, màu áo xanh da trời!
 Trên cái nền màu xanh quê hương rộng rãi, mênh mông, điểm xuyết những màu khác, những mảng màu khác. Có phải là lữ khách trên đường về chiều nay mà anh cảm giác:“Màu chiều khó làm khuây” (Chiều – Hồ DZếnh)? Cái màu chiều lữ khách gặp, đến “khó làm khuây”, tôi chắc phải là màu sương khói ôm phủ một xóm thôn? Không thế, cũng  màu nắng quái chiều hôm và đàn cò trắng trên một đám ruộng nước trắng xóa đang bày ra trước mắt lữ khách?
Thuở mới quen nhau, Hoàng đã đưa Thúy về thăm quê một chuyến. Quê Hoàng dưới chân một ngôi thành cổ đã thành hoang phế đến mấy trăm năm, đã trải qua mấy lần bể dâu trong lịch sử. Cho tới bây giờ, tức là sau mấy chục năm mà ấn tượng của chuyến đi ấy còn in rõ trong Thúy, nó khiến Thúy thường nhung nhớ mà nhắc lại. Bao giờ Thúy cũng nói nhiều nhất về màu xanh ngồn ngộn của đồng lúa tốt tươi, của nương dâu, bãi sắn… nơi quê Hoàng. Cái màu khiến hồn trí Thúy bâng khuâng là màu nâu đỏ gạch nung của những ngôi tháp Chăm, cái màu đỏ như son của những gò đồi đá ong vẫn ứa ra những mạch nước ngầm ngọt ngào, trong mát cho các giếng khơi. Và cả màu trắng của một dòng sông Cái lặng lẽ uốn lượn nơi các cánh đồng, các xóm làng. Hoàng đã nhiều lần chia sẻ cùng mọi người về tình yêu của mình dành cho màu vàng của trăng lạnh lẽo ở ngoài đời và ở trong thi ca của Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan…Thành Bình Định xưa trồng nhiều cây bông gòn. Hình như, nhiều du khách đã đến với thành này cũng đồng tình với Hoàng cái vẻ rất riêng của thành Bình Định: Bông gòn nở trắng trời trên đất thành, bay lả tả, phiếu diểu và có vẻ tinh nghịch mỗi khi đáp nhẹ xuống mái tóc, đôi vai khách bộ hành. Hoàng cũng yêu màu đen sâu thẳm đêm 30 Tết, cái cảm giác rợn người mỗi khi nhìn thấy ánh sao rơi trên những ngọn tháp Chăm chìm trong bóng đêm. Hoàng có niềm vui, quê mình hiện là đất nghề trồng mai xuân. Mỗi lần sang thời tiết cái lạnh cuối năm giảm dần và bắt đầu những ngày nắng mới, màu mai vàng dâng lên rực rỡ đó đây, tạo nên một nét xuân rất An Nhơn ngày nay.  
 Để có được màu xanh, các thế hệ người dân nơi các làng quê đã phải lao động cực nhọc. Màu xanh quê hương, chính là kết quả có được từ giọt mồ hôi và nước mắt của họ đổ xuống mỗi ngày trên quê hương. Và đó, cũng chính là cuộc sống của họ. Họ nhìn thấy màu xanh quê hương xuyên suốt thời gian, đi suốt từ quá khứ đến hiện tại, đến tương lai, cho nên mới gọi lịch sử của đất nước là sử xanh (thanh sử). Họ kiến tạo và bảo vệ màu xanh. Với tư cách đó, họ yêu chuộng hòa bình, cùng đoàn kết lại dựng xây nên cảnh thanh bình cho đất nước, cảnh no ấm cho nhân dân, họ ca ngợi những triều đại đã viết nên cho đất nước những trang sử vàng chói lọi:“Đời vua Thái Tổ, Thái Tông (nhà Lê) / Lúa thóc đầy đồng, trâu chẳng buồn ăn” (ca dao). Nhưng, những khi chẳng đặng đừng, bị nạn chiến tranh xâm lược cướp phá trên quê hương, thì họ không tiếc gì thân sống mà ra đi chiến đấu đánh đuổi quân thù, dập tắt ngọn lửa chiến tranh để bảo vệ màu xanh cho quê hương. Họ phòng chống thiên tai. Vì thiên tai hạn hán sinh ra cảnh đồng khô cỏ cháy; thiên tai bão lụt sinh ra cảnh sa bồi thủy phá ruộng đồng, làm mất đi màu xanh của sự yên vui, no ấm.
 Hồi xưa, đất tha hồ thở, sông êm đềm trôi, cho nên màu xanh quê hương cứ là mênh mang mênh mang, ngồn ngộn ngồn ngộn…Bây giờ, do công cuộc dựng xây, kiến tạo mới: đâu cũng mọc lên những khối bê - tông, những đập thủy điện, những khu công nghiệp, khu dân cư mới…Nếu kể cho hết, còn có một số không ít sân gôn nữa, cũng thi nhau mọc lên như một kẻ “khôn ngoan” biết tùy thời mà ứng xử. Công cuộc kiến tạo mới, nó lan tràn, gấp gáp và rộng khắp quá. Bởi đó, màu xanh quê hương cũng bị nhanh chóng thu hẹp lại, nhỏ bớt đi đáng kể. Và rồi, cái quê hương vốn lắm sắc nhiều màu cũng bị lôi kéo theo mà biến mất cánh buồm trắng trên sông, ngọn khói lam chiều trên mái tranh… Cho dù, chúng cũ kỹ thô sơ thật, nhưng lại là những gì thân quen, gần gũi “mến tay mến chưn” với bao thế hệ con người sinh sống trên dải đất này.



                                                             

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét